✴️ Phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể

1. Đại cương

Các rối loạn dạng cơ thể là biểu hiện tái diễn các triệu chứng cơ thể cùng với những yêu cầu dai dẳng đòi khám xét về y tế, mặc dù kết quả âm tính nhiều lần và thầy thuốc đảm bảo rằng các triệu chứng này không có cơ sở bệnh cơ thể. Các yếu tố tâm lý được quy là nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

 

2. Chẩn đoán

2.1. Rối loạn cơ thể hóa:

a. Có các triệu chứng cơ thể nhiều và thay đổi kéo dài trong 2 năm mà không tìm thấy giải thích thỏa đáng nào về mặt cơ thể.

b. Luôn dai dẳng từ chối chấp nhận lời khuyên hoặc lời trấn an của nhiều bác sĩ không cắt nghĩa được các triệu chứng cơ thể.

c. Một số tật chứng của hoạt động xã hội và gia đình có thể quy vào bản chất của các triệu chứng và hành vi đã gây ra. Bao gồm:

  • Hội chứng phàn nàn nhiều loại.
  • Rối loạn tâm thể nhiều loại.
  • Các rối loạn cơ thể.
  • Các rối loạn lo âu và cảm xúc (trầm cảm).
  • Rối loạn nghi bệnh.
  • Rối loạn hoang tưởng.

2.2. Rối loạn nghi bệnh:

a. Dai dẳng tin rằng có ít nhất một bệnh cơ thể nặng nằm dưới một hoặc các triệu chứng hiện có dù các khám xét y tế không giải thích bệnh cơ thể thỏa đáng, hoặc bận tâm dai dẳng cho là có dị hình hoặc biến dạng.

b. Luôn dai dẳng từ chối chấp nhận lời khuyên hoặc lời trấn an của nhiều bác sĩ là không có bệnh cơ thể hoặc sự bất thường nào dưới đây. Bao gồm:

  • Rối loạn dị dạng cơ thể.
  • Ám ảnh sợ dị hình (không hoang tưởng).
  • Bệnh tâm căn nghi bệnh.
  • Hội chứng nghi bệnh.
  • Ám ảnh sợ bệnh.
  • Rối loạn cơ thể hóa.
  • Các rối loạn trầm cảm.
  • Các rối loạn hoang tưởng.
  • Các rối loạn lo âu & hoảng sợ.

2.3. Rối loạn chức năng thần kinh tự động dạng cơ thể:

a. Xuất hiện triệu chứng hưng phấn thần kinh tự trị như: đánh trống ngực, ra mồ hôi, run, đỏ mặt.. .dai dẳng và khó chịu.

b. Các triệu chứng chú quan thêm vào được quy cho một cơ quan hoặc hệ thống đặc hiệu.

 c. Bận tâm dai dẳng và đau khổ về khả năng có một số rối loạn trầm trọng của một cơ quan hoặc hệ thống được nêu ra nhưng không đáp ứng sự giải thích và sự trấn an nhiều lần của các bác sĩ.

d. Không có bằng chứng là có rối loạn đáng kể về cấu trúc hoặc chức năng của hệ thống hay cơ quan được nêu.

Chẩn đoán phân biêt:

  • Các rối loạn lo âu lan tỏa.
  • Rối loạn cơ thể hóa.
  • Rối loạn hoang tưởng.

2.4. Rối loạn đau dạng cơ thể dai dẳng:

- Than phiền ưu thế là đau đớn dai dẳng, trầm trọng, gây đau khổ mà không giải thích đầy đủ bằng quá trình sinh lý hoặc rối loạn cơ thể.

- Đau xảy ra kết hợp với xung đột cảm xúc hoặc những vấn đề tâm lý xã hội, kết quả thường tăng rõ rệt sự ủng hộ và chú ý của cá nhân, nhân viên y tế.Bao gồm:

  • Đau tâm sinh.
  • Đau lưng hoặc đau đầu tâm sinh.
  • Rối loạn đau dạng cơ thể.

2.5. Rối loạn dạng cơ thể khác:

- Những than phiền của bệnh nhân không qua trung gian hệ thống thần kinh tự động và khu trú ở những phần đặc hiệu của cơ thể. Điều này trái với phàn nàn nhiều loại và hay thay đổi về nguồn gốc triệu chứng, gây đau khổ như trong rối loạn cơ thể hóa. Bao gồm:

  • “Hòn hysteria” (cảm giác hòn trong họng gây nuốt khó) và các thể khác của nuốt khó.
  • Vẹo cổ tâm sinh và các rối loạn khác của vận động co thắt (trừ hội chứng Tourette).
  • Ngứa tâm sinh (loại trừ thương tổn da đặc hiệu như rụng tóc, viêm da, chàm, mề đay tâm sinh).
  • Rối loạn kinh nguyệt tâm sinh (loại trừ đau khi giao hợp và lãnh đạm tình dục).
  • Nghiến răng.

2.6. Cận lâm sàng:

Thường quy: Xét nghiệm công thức máu tổng quát, điện tim, điện não.

 

3. Điều trị:

3.1. Nguyên tắc chung:

- Các rối loạn dạng cơ thể: có nguyên nhân tâm lý và cơ thể gắn bó với nhau nên bệnh cảnh lâm sàng rất phức tạp và khó điều trị vì bệnh nhân thường từ chối nguồn gốc tâm lý là căn nguyên gây ra triệu chứng.

- Liệu pháp tâm lý : xem như là liệu pháp điều trị chủ đạo giúp bệnh nhân giải quyết các xung đột nội tâm hoặc tạo cảm giác thư giãn giúp kiểm soát triệu chứng khó chịu cũng như lo âu.

- Những trường hợp có diễn biến nặng, phức tạp cần được điều trị nội trú ở bệnh viện chuyên khoa và chú ý dự phòng các biến chứng bất thường xảy ra.

- Sử dụng các liệu pháp tâm lý thích hợp với từng nhóm bệnh, từng bệnh nhân cụ thể để thu được kết quả điều trị tốt nhất

- Rèn luyện về sức chịu đựng các Stress tâm lý trong cuộc sống, sinh hoạt, làm việc và học tập, sẵn sàng thích ứng với các điều kiện không thuận lợi.

- Phương pháp thư giãn luyện tập có tác dụng điều trị tốt, đồng thời cũng có tác dụng phòng bệnh rất hiệu quả.

3.2. Điều trị cụ thể:

a) Điều trị bằng liệu pháp tâm lý:

Các liệu pháp tâm lý (liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi): là liệu pháp điều trị chủ đạo, song kết quả còn hạn chế. Rối loạn dạng cơ thể là một bệnh mạn tính, quá trình bệnh kéo dài nhiều năm và thường kháng điều trị.

b) Điều trị bằng hóa dược:

Thuốc chống trầm cảm:

- Một số trường hợp khi có triệu chứng rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu phối hợp có thể dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng và ức chế thụ cảm Serotonin.

- Hiệu quả của thuốc thường xuất hiện chậm, sau 4 - 8 tuần, cần duy trì lâu dài.

- Liều lượng: như điều trị trầm cảm.

Thuốc chống lo âu:

- Thuốc chống lo âu: có hiệu quả trong điều trị ngắn hạn, làm giảm triệu chứng rối loạn lo âu.

- Khởi đầu điều trị bằng liều thấp, giải thích rõ cho bệnh nhân về tính an thần do thuốc gây ra và các nguy hiểm khi lạm dụng thuốc.

- Khi ngưng thuốc : cần giảm liều từng bước.

- Các nhóm thuốc:

  • Nhóm Benzodiazepine: liều dùng thay đổi cho trẻ em hay người lớn.
  • Nhóm chống lo âu không phải Benzodiazepine, không gây nghiện:Etifoxine chlorhydrate (Stresam 50mg): 50 - 200mg/ngày.
  • Nhóm Antihistamin: Hydroxyzine Hydrocloride (Atarax 25mg): 25 - 100mg/ngày

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top