✴️ Phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh đục bằng phương pháp siêu âm (phẫu thuật phaco)

Nội dung

I. ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật tán nhuyễn nhân thể thủy tinh (phacoemulsification, viết tắt: phaco) là kỹ thuật sử dụng máy phaco tạo ra hoạt động rung ở tần số siêu âm. Chính quá trình rung tại đầu phaco (phaco typ) sẽ phá vỡ nhân thủy tinh thành các mẩu nhỏ và được hút ra ngoài.

 

II. CHẨN ĐOÁN

1.Lâm sàng

- Thị lực giảm

- Ánh đồng tử:

+ Xám có ánh hồng, đục chưa hoàn toàn.

+ Xám: đục hoàn toàn.

- Qua sinh hiển vi để đánh giá các lớp đục thể thuỷ tinh: Đục cả nhân, vỏ, bao.

2. Cận lâm sàng

- Siêu âm để phát hiện các thay đổi thể thuỷ tinh

- Thị trường thu hẹp

 

III. CHỈ ĐỊNH

Tất cả các trường hợp đục thể thủy tinh.

 

IV. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

-  Đục thể thủy tinh tiêu, đục thể thủy tinh dạng màng, xơ.

-  Các trường hợp đang viêm nhiễm tại mắt.

-  Tình trạng toàn thân chưa cho phép phẫu thuật.

 

V. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Các bác sĩ nhãn khoa được đào tạo về phương pháp phẫu thuật phaco.

2. Phương tiện

-  Máy phaco.

-  Hiển vi phẫu thuật.

-  Bộ dụng cụ vi phẫu để phẫu thuật phaco, dịch nhầy.

3. Xét nghiệm cận lâm sàng

- Khám toàn thân: Tim, phổi, huyết áp, tai mũi họng.

- Xét nghiệm: Công thức máu, đường máu, máu chảy, máu đông, nhóm máu.

- Có điều kiện: Chụp XQuang tim phổi, siêu âm tim, điện tim đồ.

- Nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ.                                 

4. Người bệnh

-  Người bệnh được tư vấn trước phẫu thuật.

-  Tra mắt bằng betadin 5%, kháng sinh trước phẫu thuật.

-  Đánh dấu mắt phẫu thuật.

- Trước phẫu thuật 1 - 2 giờ, người bệnh được tra betadin 5%, kháng sinh, uống acetazolamid 0,25g x 2 viên.

5. Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế.

 

VI. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ

2. Kiểm tra người bệnh

3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Gây tê

-  Gây tê tại chỗ hoặc gây mê.

-  Với những người bệnh phối hợp tốt, có thể không cần tiêm tê mà chỉ gây tê bằng thuốc tê bề mặt, tra 2 - 3 lần trước phẫu thuật.

3.2. Kỹ thuật

-  Đặt vành mi (hoặc có thể đặt chỉ cố định mi và cơ trực).

-  Tạo đường hầm vào tiền phòng: hiện có 3 cách:

+ Tạo đường hầm từ vùng rìa: đường rạch song song với vùng rìa, cách vùng rìa khoảng 1,5mm về phía củng mạc. Dùng dao tạo đường hầm đi vào phía giác mạc, quá vùng rìa khoảng 1mm thì chọc vào tiền phòng.

+ Tạo đường hầm từ củng mạc: đường rạch cách vùng rìa 2 - 2,5mm về phía  củng  mạc.  Đường  hầm  cũng  đi  quá  vùng  rìa  giác  mạc  1mm  thì  vào tiền phòng.

-  Tạo đường hầm từ giác mạc: dùng dao phẫu thuật phaco đi trực tiếp tại vùng giác mạc trong ở rìa. Đường hầm trong giác mạc dài khoảng 2 - 2,5mm.

-  Bơm dịch nhầy vào tiền phòng.

-  Mở đường phẫu thuật phụ bằng dao 15 độ (thường vuông góc với đường phẫu thuật chính).

-  Xé bao thể thủy tinh: có thể xé bao bằng kim hoặc bằng kẹp phẫu tích xé bao. Đường kính xé bao từ 5,5 - 6mm.

-  Tách nhân thể thủy tinh bằng nước cho đén khi xoay khối nhân được dễ dàng.

-  Dùng đầu phaco để tán nhuyễn nhân thể thủy tinh.

-  Dùng đầu hút hút sạch chất nhân.

-  Bơm dịch nhầy, sau đó đặt thể thủy tinh nhân tạo vào trong túi bao.Với đường rạch vùng rìa hoặc củng mạc thì có thể khâu 1 mũi chỉ 10-0. Với đường rạch trực tiếp giác mạc thì bơm nước vào mép đường rạch chính và phụ để mép vết phẫu thuật tự khép kín.

-  Kiểm tra độ kín mép phẫu thuật.

-  Có thể tiêm kháng sinh và corticoid sau phẫu thuật.

-  Tra mỡ kháng sinh, băng mắt.

 

VII. THEO DÕI

- Tra kháng sinh tại mắt ngày 4 lần trong 1 tuần. Tra corticoid tại mắt ngày 4 lần trong 1 tháng.

- Khám lại vào tuần thứ nhất, thứ hai và thứ ba sau mổ.

 

VIII. TAI BIẾN VÀ XỬ LÝ

1. Trong phẫu thuật

-  Đường xé bao quá nhỏ: xé bao bổ sung.

-  Đường xé bao bị rách rộng ra ngoại vi: nếu chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên chuyển sang phẫu thuật ngoài bao.

-  Rách bao sau trong quá trình phaco nhân: cần cân nhắc và chuyển sang phẫu thuật ngoài bao sớm nếu thấy đường rách bao rộng hơn.

-  Rách bao sau trong quá trình hút chất nhân: cần cắt sạch dịch kính, sau đó đặt thể thủy tinh.

-  Nhân thể thủy tinh sa vào buồng dịch kính: không được dùng đầu phaco đưa vào buồng dịch kính để hút nhân. Cần đóng lại vết phẫu thuật và mời chuyên gia võng mạc, dịch kính tới xử lý cắt thể thủy tinh và dịch kính.

-  Bỏng mép vết phẫu thuật: do đầu phaco sinh nhiệt. Cần dội nước liên tục vào mép vết phẫu thuật trong quá trình phẫu thuật.

2. Sau phẫu thuật

Tai biến và xử lý giống như các biến chứng của phẫu thuật thể thủy tinh ngoài bao như: viêm nội nhãn, xuất huyết tiền phòng, loạn dưỡng giác mạc, lệch thể thủy tinh, đục bao sau, phù hoàng điểm dạng nang.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top