Ai cũng có những giấc mơ. Những giấc mơ đẹp tặng màu hồng cho cuộc sống chúng ta. Nhưng ai trong đời cũng có thể mơ thấy ác mộng. Nó như một phần của cuộc sống. Ác mộng có hay xảy ra ở những bệnh nhân tim mạch hay không? Nó có ý nghĩa như thế nào
Trên khía cạnh thần kinh học, có nhiều lý thuyết về vấn đề này, trong đó giấc mơ và ác mộng là một phần trong quá trình ngủ. Hầu hết chúng ta sẽ sống trong những giấc mơ nhưng khoảng 95% các giấc mơ này sẽ mất đi khi chúng ta tỉnh giấc.
Điều này là do thùy trước của não chúng ta thường bất hoạt trong giấc ngủ mơ mà phần này là của não là nơi lưu giữ trí nhớ. Các nghiên cứu cũng cho thấy giấc mơ liên quan đến việc học tập, thay đổi, tập hợp các kinh nghiệm, các kỹ năng và các cuộc gặp gỡ mà chúng ta vẫn thực hiện những ngày trước đó. Giấc mơ là quá trình tái lập lại sự lắng đọng của trí nhớ.
Các giấc mơ cũng khá là rộng lớn. Nó là kết hợp của cả sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất của chúng ta. Các giấc mơ của chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các nhân tố xã hội và văn hóa. Tuy nhiên, những thay đổi trong giấc mơ không phải hoàn toàn tình cờ mà nó có thể chỉ ra những vấn đề trong sức khỏe hiện có của mỗi chúng ta.
Mới đây một nghiên cứu của các bác sĩ Nhật Bản đăng trên tạp chí Chăm sóc sức khỏe tim mạch châu Âu cho thấy những người có bệnh tim có xu hướng gặp ác mộng nhiều hơn gấp 5 lần những người bình thường.
Khoảng 15% bệnh nhân tim mạch có ít nhất 1 lần gặp ác mộng trong một tháng, 3.6% có ít nhất 1 ác mộng trong 1 tuần. Nữ giới thường có ác mộng nhiều hơn nam giới. Khi có ác mộng, thì 45,9% bệnh nhân tim mạch có mất ngủ, 18,5% có trầm cảm, 16,9% bệnh nhân có mệt mỏi và 28,0% bệnh nhân có ngừng thở khi ngủ.
Những bệnh nhân thường xuyên gặp ác mộng cũng tăng gấp 5 lần nguy cơ trầm cảm, gấp 5 lần mệt mỏi và gấp 7 lần mất ngủ. Như vậy, rõ ràng ác mộng có liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch thường có ác mộng nhiều hơn hẳn so với người bình thường.
Một nghiên cứu tiến hành trên các cựu chiến binh tại Mỹ cho thấy có khoảng 33% những người này có ác mộng.
Các nhà nghiên cứu cũng cho thấy có sự gia tăng tình trạng tim mạch ở những bệnh nhân có ác mộng hơn so với những người không có ác mộng với hơn 6% các vấn đề về tim, 6,6% đái tháo đường, 0,5% rối loạn mỡ máu, 29,2% tăng huyết áp, 0,7% tai biến mạch não và 1,2% nhồi máu cơ tim. Ác mộng thường xuyên hơn sẽ làm tăng đáng kể hơn các vấn đề về tim, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim.
Các nghiên cứu cũng cho thấy ác mộng thường xảy ra vào sáng sớm khi đồng hồ sinh học của chúng ta giải phóng lượng hóc môn và huyết áp bắt đầu tăng ở thời điểm này. Ác mộng xảy ra có thể thúc đẩy làm cho bệnh nhân dễ bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não nhiều hơn tại những thời điểm này.
Như vậy, những người hay có ác mộng cũng hay bị bệnh lý tim mạch hơn người không có ác mộng.
Các nguy cơ về lối sống
Những người lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Ăn những bữa ăn quá nhiều trước khi đi ngủ. Những căng thẳng về tâm lý và thể lực trước khi đi ngủ cũng có thể làm cho giấc ngủ của chúng ta ngắt quãng cũng như có thể có những cơn ác mộng.
Những người di chuyển bằng máy bay thay đổi múi giờ cũng thường hay có ác mộng hơn bình thường.
Phụ nữ có thai khi mức độ đường máu thấp khi ngủ cũng có thể có những cơn ác mộng.
Ác mộng cũng có thể liên quan đến tình trạng căng thẳng mệt mỏi quá dài của chúng ta. Nó cũng có thể là những điều tồi tệ hoặc không hay xảy ra với chúng ta trong cuộc đời. Những bệnh nhân mất ngủ kéo dài cũng hay xảy ra ác mộng.
Tác dụng phụ của một số thuốc
Thuốc hay dùng trong các bệnh lý tim mạch là thuốc chẹn beta.
Các thuốc chống sốt rét cũng có thể hay gây ra ác mộng.
Các thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm các cơn ác mộng nhưng nó cũng có thể gây ra những cơn ác mộng cho bệnh nhân.
Một số vấn đề về sức khỏe
Những bệnh nhân ngưng thở khi ngủ cũng thường hay có các cơn ác mộng.
Các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch cũng hay có ác mộng hơn người bình thường.
Những bệnh nhân có bệnh lý tâm thần và thần kinh cũng thường hay có những ác mộng.
Phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh cũng hay có ác mộng hơn bình thường.
Các bệnh nhân có các bệnh lý nền khác lâu ngày cũng hay có những ác mộng.
Ác mộng cũng có thể là bình thường trong cuộc sống chúng ta nhưng một số trường hợp chúng ta nên chú ý và đi khám như khi ta thức dậy không thấy thoải mái với những giấc mơ này, hoặc khi mà ác mộng cứ tái đi tái lại lúc đó ta nên đến khám bác sĩ.
Chúng ta cũng nên tránh những nhân tố dễ gây ác mộng như lạm dụng rượu bia, các bữa ăn quá nhiều vào bữa tối. Tránh những căng thẳng không đáng có.
Tập thể dục và lối sống lành mạnh cũng làm giảm các cơn ác mộng cho chúng ta.
Nếu bản thân có các vấn đề về tâm lý nên đến tư vấn bác sĩ tâm thần.
Những bệnh nhân có ác mộng và ngừng thở lúc ngủ có thể điều trị bằng thở áp lực dương liên tục.
Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể có hiệu quả làm giảm ác mộng do nó làm giảm mức độ adrenaline trong tuần hoàn nhưng nó phải phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân và các bệnh lý nền của bệnh nhân.
Rõ ràng những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch hay có ác mộng và ác mộng cũng hay gây nên những bệnh lý tim mạch. Lối sống lành mạnh và điều trị các bệnh lý nền có thể làm giảm ác mộng cho chúng ta.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh