Quy trình “Time-out” là gì?

Nội dung

Quy trình Time-out tại phòng mổ nhằm đảm bảo:

✔ phẫu thuật đúng người bệnh,

✔ đúng phương pháp,

✔ đầy đủ dụng cụ phương tiện cho phẫu thuật và hồi sức để cuộc phẫu thuật/thủ thuật diễn ra an toàn.

 

* Time-out là việc tất cả thành viên ekip phẫu thuật/thủ thuật xác định lại chính xác người bệnh, công tác chuẩn bị cho phẫu thuật:

✔ Nhận diện đúng người bệnh,

✔ đúng phương pháp phẫu thuật,

✔ thông tin phẫu thuật,

✔ các dụng cụ phương tiện cho phẫu thật và hồi sức đầy đủ và sẵn sàng trước khi bác sĩ phẫu thuật tiến hành rạch da...

 

Time-out tuân theo hướng dẫn Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) 

 

A. CHUẨN BỊ BỆNH NHÂN TRƯỚC PHẪU THUẬT THEO KẾ HOẠCH

1. BÁC SĨ

- Nhận định tình trạng người bệnh: dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, tiền sử, bệnh lý kèm theo, thuốc đang sử dụng,….

- Khám lâm sàng toàn diện, kết hợp với xét nghiệm, cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán trước mổ:

+ Các xét nghiệm thường quy: huyết học toàn phần, đường máu, chức năng gan - thận, XN nước tiểu, Xquang tim, phổi thẳng.

 + Các xét nghiệm, cận lâm sàng giúp chẩn đoán, tiên lượng điều trị : thời gian máu chảy - máu đông,  Điện tâm đồ, siêu âm ổ bụng, Test nhanh HIV, HbsAg, acid uric, protein máu, triglycerid, cholesterol máu.

- Bác sĩ phải ghi chép bệnh án đầy đủ, chẩn đoán trước mổ, biên bản hội chẩn (hội chẩn toàn viện, thành phần hội chẩn: Lãnh đạo, phòng KHNV, Phẫu thuật viên, Gây mê, bác sĩ điều trị và 1 số bác sĩ khác). Hoàn tất bệnh án trước khi chuyển lên phòng mổ.

- Giải thích bệnh nhân tình trạng bệnh lý trước mổ và hướng xử trí bệnh, những rủi ro có thể xảy ra trong phẫu thuật. Hướng dẫn người bệnh hoặc người nhà người bệnh viết cam đoan chấp nhận phẫu thuật

2. ĐIỀU DƯỠNG

- Chuẩn bị tinh thần cho bệnh nhân: giải thích để bệnh nhân biết mục đích, lợi ích, phương thức phẫu thuật. Ảnh hưởng sau mổ (đau, khó chịu khi có dẫn lưu), quan tâm chia sẻ, động viên bệnh nhân cùng hợp tác chuẩn bị tốt trước mổ.

- Thủ tục hành chính: giấy cam đoan chấp nhận mổ của bệnh nhân hoặc thân nhân của bệnh nhân, hồ sơ mổ, bảng tóm tắt bệnh lý, chữ ký của người có chỉ định mổ, các phiếu xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.

- Đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân: tổng trạng, tri giác, DHST.

- Chuẩn bị các xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản: XN máu, Công thức máu, dung tích hồng cầu, thời gian máu chảy - máu đông, đường huyết. XN nước tiểu, chức năng gan - thận, hô hấp, tuần hoàn.

- Chuẩn bị vệ sinh cá nhân, vệ sinh da vùng mổ:

+ Những ngày trước mổ bệnh nhân tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày, vệ sinh da tóc móng, bộ phận sinh dục.

+ Chuẩn bị vùng da để mổ (thực hiện ngày trước mổ) làm sạch da, rửa da, cạo lông vùng mổ. Lưu ý: tránh làm xây xát da vì đó là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập, cạo hết lông vùng mổ, báo cáo các bất thường vùng da nơi sẽ mổ (u, nhọt, vết thương có sẵn), vùng đầu mặt bệnh nhân nữ cần có chỉ định phẫu thuật viên cạo hết tóc và lông mày.

- Phát hiện ổ nhiễm trùng trong cơ thể: đưa bệnh nhân đi khám tai mũi họng, theo y lệnh. Phát hiện những dấu hiệu nhiễm trùng khác: tăng thân nhiệt đột ngột, cảm cúm, sổ mũi báo bác sĩ xử trí kịp thời.

- Chế độ ăn uống:

+ Bệnh nhân cần được bồi dưỡng đầy đủ nhiều ngày trước mổ.

+ Nếu bệnh nhân ăn không được qua đường miệng cần báo Bác sĩ để cho ăn qua sonde dạ dày, truyền dịch.

+ Nhịn ăn 6-8 giờ trước mổ nếu mổ vùng tiêu hóa có thể có chỉ định thụt tháo, rửa dạ dày.

- Chuẩn bị trước mổ:

+ Lấy DHST

+ Làm gọn tóc cho bệnh nhân, làm sạch các vết sơn móng tay, móng chân, sơn môi.

+ Tháo tư trang bệnh nhân gửi thân nhân hoặc ký gửi.

+ Đeo bảng tên vào tay bệnh nhân.

+ Thay quần áo sạch quy định cho bệnh nhân mổ.

+ Căn dặn tháo bỏ tư trang quý giá, tháo bỏ răng giả cho người nhà giữ trước khi vào phòng.

+ Kiểm tra đầy đủ lại hồ sơ.

+ Di chuyển bệnh nhân đến phòng mổ an toàn.

+ Bàn giao bệnh nhân với nhân viên phòng mổ.

 

B. CHUẨN BỊ BỆNH NHÂN PHẪU THUẬT CẤP CỨU

- Bác sĩ phải hồi sức bệnh nhân cho đến khi bệnh ổn định DHST.

- Làm các xét nghiệm cơ bản trước mổ.

- Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và chẩn đoán trước mổ, biên bản hội chẩn (hội chẩn khoa, hội chẩn với trực lãnh đạo và KTV gây mê), hoàn tất bệnh án trước khi chuyển lên phòng mổ.

- Giấy cam đoan chấp nhận mổ của bệnh nhân hoặc thân nhân của bệnh nhân.

- Điều dưỡng thực hiện các y lệnh khẩn trương.

- ĐD chuẩn bị vệ sinh cá nhân, vệ sinh da vùng mổ trước khi phẫu thuật.

- Hồ sơ bệnh án Bác sĩ và điều dưỡng nếu không làm kịp sẽ hoàn chỉnh sau khi phẫu thuật.

 

return to top