Nguyên nhân và triệu chứng viêm tủy

Khi răng bạn có các triệu chứng như: lỗ sâu lớn, răng bị sang chấn kèm theo các dấu hiệu đau nhức từng cơn tự nhiên (đau tăng dần về đêm), răng bị đổi màu bất thường... bạn nên đến bác sĩ ngay để được khám và điều trị vì có thể tủy răng của bạn đã bị viêm hoặc hoại tử.

Nguyên nhân và triệu chứng viêm tủy

Có rẩt nhiều nguyên nhân gây ra viên tủy răng như:

- Sâu răng

- Viêm quanh răng gây viêm tủy ngược dòng

- Chấn thương răng

- Sang chấn khớp cắn

- Do thủ thuật của nha sĩ trong việc mài cùi làm chụp khi răng còn sống tủy

- Trong việc trám bít các lỗ sâu S3-T1…

Bạn chú ý theo dõi khi răng có các triệu chứng bất thường:

- Răng có lỗ sâu lớn

- Ê buốt khi có nóng, lạnh, chua, ngọt

- Răng của bạn bị sang chấn kèm theo các dấu hiệu đau nhức từng cơn tự nhiên (đau tăng dần về đêm).

- Răng của bạn bị đổi màu bất thường

Bạn nên đến bác sĩ để được khám và điều trị ngay vì có thể tủy răng của bạn đã bị viêm hoặc hoại tử.

 

Điều trị tủy là gì?

Hiểu đơn giản điều trị  tủy là lấy bỏ tuỷ bị viêm hoặc bị hoại tử của răng bị bệnh, nhằm thay thế tủy răng, đồng thời sử dụng các vật liệu để trám bít ống tủy. 

Các bước điều trị tủy

Trước tiên các nha sĩ chẩn đoán tủy răng của bạn đang trong tình trạng nào. Tuỳ từng nha sĩ và tùy từng tình trạng tủy của bạn mà bác sĩ sẽ áp dụng các cách điều trị cụ thể cho tủy răng của bạn. Diễn biến bệnh lý tủy qua 3 giai đoạn sau: viêm tủy có hồi phục; viêm tủy không hồi phục và hoại tử tủy.

1/ Điều trị viêm tủy có phục hồi (T1)

Là tình trạng viêm nhẹ của mô tủy có khả năng hồi phục về trạng thái bình thường nếu các yếu tố bệnh nguyên được loại bỏ. Viêm tủy có hồi phục có thể không biểu hiện triệu chứng.

Nếu có thì thường là triệu chứng đặc thù như nhạy cảm với các kích thích nóng, lạnh hoặc không khí. Các kích thích này thường gây cảm giác ê buốt thoáng qua,thường chỉ kéo dài vài giây hoặc vài chục giây sau khi loại bỏ kích thích.

Thực tế lâm sàng giai đoạn viêm tủy có hồi phục rất ít gặp do bệnh nhân khi đến khám thường bệnh đã tiến triển nặng hơn.

2/ Điều trị viêm tủy không phục hồi (T2)

Có thể là viêm tủy đau hoặc không đau, với viêm tủy không hồi phục thể đau. Cơn đau tủy điển hình: là cơn đau tự nhiên, thường đau lan tỏa lên nửa đầu nửa mặt cùng bên, bệnh nhân thường chỉ khu trú được vùng đau chứ không xác định được chính xác răng đau. Các cơn đau có thể kéo dài hàng giờ hoặc ngắn trong vài phút và nặng lên khi có các kích thích như: nóng, lạnh hoặc thay đổi tư thế.

Ổ viêm tủy không hồi phục thể không đau, trên lâm sàng có thể thấy lỗ sâu hở tủy hay một khối màu đỏ sẫm, lốm đốm vàng nhô ra khỏi buồng tủy. Bệnh nhân thường không có cảm giác đau. 

Trong điều trị tủy không phục hồi có hai cách:

Cách 1:

+ Lần 1: Đặt thuốc diệt tủy, hẹn 3-5 ngày sau đến điều trị tiếp

+ Lần 2: lấy tủy, nong giũa sạch ống tủy rồi hàn tủy, hàn vĩnh viễn

Cách 2:

+ Bước 1: gây tê lấy tủy

+ Bước 2: nong giũa sạch ống tủy

+ Bước 3: hàn tủy,

3/ Điều trị tủy chết, hoại tử(T3):

Bệnh nhân không có triệu chứng đau, đau chỉ xuất hiện khi có viêm lan rộng tới chân răng. Trên lâm sàng thấy có tổn thương tổ chức cứng, có thể có tiền sử đau buốt. 

+ Lần 1 : mở tháo trống (mở thông ống tủy, buồng tủy với môi trường bên ngoài). Hẹn 4 ngày sau đến điều trị tiếp . Lưu ý: trong thời gian tháo trống, khi ăn bạn cần nhét bông vào lỗ trống để tránh thức ăn đọng lại chỗ trống đó.

+ Lần 2 : đặt thuốc sát khuẩn, hàn tạm, hẹn 2-3 ngày sau đến điều trị tiếp.Lưu ý: hàn tạm xong sau 1-2h mới được ăn.

+ Lần 3 : hàn tủy, hàn vĩnh viễn  

Viêm tủy nếu không được điều trị có thể gặp các biến chứng sau:

Bệnh lý tủy với khởi phát là viêm tủy có hồi phục nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra viêm tủy cấp, sau đó tủy sẽ bị hoại tử dần đưa đến viêm tủy mãn rồi đến tủy chết, thối. Những chất hoại tử của tủy có thể thoát qua lỗ chóp chân răng gây nên những bệnh lý vùng quanh chóp, viêm tổ chức liên kết, viêm xương hàm..., hoặc tụ lại ở chân răng tạo nên u hạt, nang chân răng...Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất răng.  Ngoài ra, vi khuẩn có thể gây những biến chứng ở xa như viêm xoang hàm, viêm nội tâm mạc (Osler)... 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top