✴️ Tiêu chuẩn và chứng nhận chất lượng Bệnh viện

Nội dung

Đánh giá và chứng nhận chất lượng là một phương thức đánh giá chất lượng từ bên ngoài. Có 3 hình thức đánh giá chất lượng từ bên ngoài như sau:

Đánh giá và chứng nhận chất lượng (accreditation): Là hình thức chứng nhận bởi một tổ chức chứng nhận cấp quốc gia về đạt được tiêu chuẩn chất lượng của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do một cơ quan bên ngoài độc lập đánh giá mức độ thực hiện liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng.

Cấp chứng chỉ: Công nhận chính thức về sự phù hợp với bộ tiêu chuẩn (ví dụ ISO 9000 cho hệ thống chất lượng) cấp bởi tổ chức đánh giá bên ngoài có thẩm quyền.

Cấp phép: Là quá trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép cơ sở hoạt động sau khi đã có đánh giá đạt các quy chuẩn kỹ thuật tối thiểu hoặc cấp cho thầy thuốc thực hành hoặc tổ chức y tế đủ điều kiện hoạt động và hành nghề. Đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện (hospital accreditation): Là một hoạt động giám sát bên ngoài không do các chuyên gia y tế trong bệnh viện hay cơ quan chức năng tiến hành; mục đích là bảo đảm bệnh viện cung cấp cho người bệnh các dịch vụ y tế chất lượng và an toàn. 

Đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện trong thời gian vừa qua có sự phát triển nhanh chóng với sự ra đời của các bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện và các cơ quan đánh giá độc lập. 

 

MỤC TIÊU VÀ Ý NGHĨA CỦA ĐÁNH GIÁ VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN

Đánh giá chất lượng và an toàn trong chăm sóc người bệnh; 

Đánh giá năng lực của bệnh viện trong bảo đảm và cải tiến không ngừng chất lượng chăm sóc người bệnh;

Đưa ra các khuyến nghị;

Kết hợp giữa các chuyên gia đánh giá của tổ chức thẩm định và chuyên gia của bệnh viện trong tất cả các giai đoạn của quy trình thẩm định;

Cung cấp kiến thức về chất lượng bệnh viện;

Nâng cao niềm tin của công chúng, người bệnh và cơ quan quản lý đối với bệnh viện;

 

CÁC THÀNH TỐ CỦA HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN

Khung pháp lý cho hoạt động đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện. 

Nhìn chung, trên thế giới hiện nay các nước áp dụng chiến lược quốc gia về chất lượng dựa trên sự pha trộn giữa bắt buộc và tự nguyện về quản lý chất lượng. 

Các văn bản quy phạm pháp luật có những điều khoản quy định liên quan đến hoạt động thẩm định chất lượng bệnh viện, như:

Xây dựng hoặc thừa nhận bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện

Thành lập hoặc cho phép Tổ chức đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện hoạt động

Cơ quan quản lý chất lượng cấp quốc gia

Các văn bản được ban hành dưới dạng Luật, Nghị định hay Thông tư hướng dẫn. Ví dụ về một số quốc gia đã đưa vấn đề chất lượng cơ sở y tế vào trong luật:

Úc: Năm 1993 đưa Luật Bệnh viện và phòng khám xác định rõ quyền người bệnh, vấn đề đánh giá chất lượng từ bên ngoài, hệ thống chất lượng nội bộ và uỷ ban bảo đảm chất lượng.

Pháp: Năm 1984: Luật yêu cầu uỷ ban y khoa của bệnh viện phải có báo cáo đánh giá chất lượng hàng năm.

Năm 1991: Luật yêu cầu bệnh viện phải có hệ thống chất lượng nội bộ

Năm 1996: Pháp lệnh yêu cầu cải tiến chất lượng bắt buộc, đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện và khảo sát người bệnh ở tất cả các bệnh viện công lập và ngoài công lập.

Bỉ năm 1987, Ý năm 1986, Hà Lan năm 1981 yêu cầu phải có Uỷ ban chất lượng bệnh viện.

Mỹ: Năm 1986 quy định cơ quan tài trợ liên bang, quy định bắt buộc vấn đề bảo đảm chất lượng và hiệu quả chăm sóc bởi Medicare và Medicaid.

Thuỵ Điển: Năm 1997 Luật Sức khoẻ và Dịch vụ khám, chữa bệnh yêu cầu tất cả nhân viên phải cải tiến chất lượng có hệ thống, tự đánh giá, thực hành dựa trên bằng chứng, quản lý rủi ro, đánh giá kết quả và cải thiện chất lượng liên tục.

Philippine: Năm 1995, yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT phải tham gia chương trình bảo đảm chất lượng.

Một số quốc gia, Chính phủ ban hành chính sách riêng về chất lượng khám chữa bệnh, hoặc đưa vào chiến lược y tế hay kế hoạch chất lượng quốc gia.

Tại Việt Nam, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (2009), Điều 55 và Điều 56 quy định về tiêu chuẩn quản lý chất lượng và tổ chức chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quản lý chất lượng và tổ chức chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

Bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện:

Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của Bộ Y tế, hiệp hội y khoa, hiệp hội bệnh viện tuỳ theo bối cảnh và cấu trúc hệ thống y tế của từng nước. Bộ Tiêu chuẩn được xây dựng thường có nhiều lớp, được kết cấu gồm các nhóm tiêu chuẩn (hoặc chức năng), mỗi nhóm tiêu chuẩn gồm một hoặc nhiều tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn có một hoặc nhiều tiêu chí. 

Hiệp hội Quốc tế về Chất lượng Chăm sóc sức khoẻ (The International Society for Quality in Health Care-ISQua) đã đưa ra nguyên tắc cơ bản và khung yêu cầu cho việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh.

Phiên bản 3.0 năm 2007 đưa ra 6 nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng gồm:

  • Cải tiến chất lượng
  • Tập trung vào người bệnh và người sử dụng dịch vụ
  • Lập kế hoạch và thực hiện của tổ chức
  • An toàn
  • Xây dựng tiêu chuẩn
  • Đo lường tiêu chuẩn

Để có thể thực hiện đánh giá và chứng nhận chất lượng, ngoài tiêu chuẩn chất lượng còn có hướng dẫn đánh giá các tiêu chuẩn, quy trình đánh giá và chứng nhận bao gồm các bước như: đăng ký, tự đánh giá nội bộ (của bệnh viện), đánh giá sơ bộ (của tổ chức đánh giá), phản hồi (của tổ chức đánh giá đối với bệnh viện), đệ trình Hội đồng chất lượng, công nhận.

Chu kỳ đánh giá và chứng nhận thường từ 3 đến 5 năm tuỳ thuộc vào từng quốc gia và tổ chức đánh giá và chứng nhận. Những quốc gia có số bệnh viện nhiều (như Nhật Bản, Pháp) chu kỳ đánh giá và chứng nhận thường là 5 năm. Một số nước khác có số bệnh viện ít thì chu kỳ thẩm định 3 hoặc 4 năm (Đài Loan, Malaysia, Úc).

Ví dụ: Tại Úc, việc đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện do Hội đồng của Úc về Chuẩn Chăm sóc Sức khoẻ (Australian Council on Healthcare Standards-ACHS) thực hiện dựa trên Chương trình Lượng giá và Cải tiến chất lượng (EQuIP) và Bộ Tiêu chuẩn EQuIP4. 

Bộ Tiêu chuẩn EQuIP4 bao gồm 3 nhóm tiêu chuẩn (hay 3 chức năng) gồm:

Chức năng lâm sàng: gồm 6 tiêu chuẩn (21 tiêu chí)

  • Tiêu chuẩn 1.1. Chăm sóc liên tục
  • Tiêu chuẩn 1.2. Tiếp cận
  • Tiêu chuẩn 1.3. Sự phù hợp
  • Tiêu chuẩn 1.4. Hiệu quả
  • Tiêu chuẩn 1.5. An toàn
  • Tiêu chuẩn 1.6. Khách hàng là trung tâm

Chức năng hỗ trợ: gồm 5 tiêu chuẩn (14 tiêu chí)

  • Tiêu chuẩn 2.1. Cải tiến chất lượng và quản lý rủi ro
  • Tiêu chuẩn 2.2. Quản lý nhân lực
  • Tiêu chuẩn 2.3. Quản lý thông tin
  • Tiêu chuẩn 2.4. Sức khoẻ cộng đồng
  • Tiêu chuẩn 2.5. Nghiên cứu

Chức năng phối hợp: gồm 2 tiêu chuẩn (5 tiêu chí)

  • Tiêu chuẩn 3.1. Lãnh đạo và Quản lý
  • Tiêu chuẩn 3.2. Thực hành an toàn và Môi trường

Chu kỳ thẩm định là 4 năm và diễn ra theo sơ đồ sau:

Một số tổ chức chứng nhận chất lượng có cách tiếp cận khác, ví dụ JCI.

Tiến trình để đánh giá và chứng nhận chất lượng của JCI chia làm 4 cấp độ:

  • Thiết yếu: xác nhận những gì đã đạt được/tự đánh giá và thực hiện cải tiến
  • Chứng chỉ: đối với các chương trình cải tiến chất lượng.
  • Chứng nhận: cấp chứng nhận phù hợp cho toàn bộ tổ chức.
  • Các tổ chức được đánh giá cao.

Bộ tiêu chuẩn thiết yếu được phát triển từ các tài liệu y khoa quốc tế và kinh nghiệm bao quát, mỗi khu vực nguy cơ có 10 chuẩn mực đưa ra các chiến lược giảm thiểu nguy cơ một cách rõ ràng và khả thi. “Mức độ nỗ lực” ghi nhận sự tiến bộ đối với từng chuẩn mực. 5 nhóm nguy cơ của Bộ tiêu chuẩn thiết yếu gồm: 

  • Cách thức lãnh đạo và trách nhiệm giải trình 
  • Lực lượng lao động có năng lực và thành thạo 
  • An toàn môi trường cho nhân viên và người bệnh 
  • Chăm sóc lâm sàng cho người bệnh 
  • Cải thiện chất lượng và an toàn 

 

KẾT LUẬN

Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định về tổ chức chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là một định hướng quan trọng về việc áp dụng mô hình quản lý chất lượng hiện nay.

Mô hình đánh giá và chứng nhận chất lượng bệnh viện đang được áp dụng phổ biến trên thế giới với những kinh nghiệm thực tiễn đã có của các nước đang phát triển có thể là bài học cho Việt Nam khi triển khai

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top