Bảo vệ răng của trẻ như thế nào?

Có một hàm răng chắc khỏe là rất quan trọng ngay cả với răng sữa. Trẻ em cần một hàm răng khỏe mạnh để có thể nhai thức ăn tốt và nói một cách rõ ràng. Những chiếc răng sữa cũng sẽ giữ chỗ cho những chiếc răng vĩnh viễn phát triển chắc khỏe sau này, do vậy bạn nên chăm sóc răng cho bé từ khi còn rất nhỏ theo các khuyến nghị từ National Institute of Dental and Craniofacial Research

Ngay từ khi trẻ cón rất nhỏ, thậm chí trước khi chiếc răng sửa đầu tiên nhú lên, bạn đã có thể chăm sóc răng miệng cho trẻ. Dưới đây là những cách bạn có thể làm, ngay từ rất sớm.

Bảo vệ răng của trẻ bằng fluoride

Fluoride là hợp chất khoáng có thể kết hợp cùng với men răng tạo thành một lớp màng cứng bảo vệ răng; kết hợp với nước bọt bảo vệ men răng khỏi mảng bám và đường. Fluoride được coi là hữu hiệu để bảo vệ răng chống lại sâu răng.

Fluoride có thể có trong tự nhiên, trong nước và hiện nay đã được bổ sung vào nguồn nước máy sinh hoạt của rất nhiều địa phương.

Nếu bạn băn khoăn về việc liệu nước sinh hoạt của bạn đã được bổ sung Fluoride chưa, hãy hỏi bác sỹ nha khoa của bạn. Bác sỹ nha khoa sẽ gợi ý cho bé của bạn dùng các loại kem đánh răng, nước xúc miệng có chứa Fluoride, hoặc có thể là các loại vitamin có chứa Fluoride khi cần thiết.

 

Kiểm tra và giữ vệ sinh răng miệng cho bé

Kiểm tra răng trẻ thường xuyên 

Một chiếc răng khỏe mạnh sẽ chỉ có một màu trắng ngà. Nếu bạn thấy trên những chiếc răng sữa xinh xinh có những chấm nhỏ, vệt ố hay lỗ nhỏ thì hãy đưa con đến nha sĩ ngay.

Vệ sinh răng miệng cho trẻ nhỏ

Vệ sinh cho răng của trẻ ngay khi chúng vừa mọc lên bằng vải sạch mềm hoặc bàn chải đánh răng dành cho trẻ nhỏ. Vệ sinh răng miệng ít nhất một lần mỗi ngày. Tốt nhất là nên vệ sinh răng cho trẻ trước khi đi ngủ.

Bắt đầu từ khi 2 tuổi (hoặc sớm hơn nếu nha sĩ hoặc bác sĩ khuyên) nên sử dụng bàn chải đánh răng rành riêng cho trẻ cùng với kem đánh răng chứa flouride. Mỗi lần chải răng của trẻ chỉ cần dùng lượng kem đánh răng nhỏ khoảng một hạt đậu.

Trẻ nhỏ không thể tự vệ sinh răng miệng của mình. Bạn cần giúp trẻ vệ sinh răng miệng cho đến khi trẻ có thể tự làm được một mình, thông thường là khoảng 7 đến 8 tuổi. Hãy bắt đầu bằng việc chải đánh răng cho trẻ, nói với trẻ cách làm như thế nào trong, rồi đần dần để trẻ tự làm nốt phần còn lại.

Việc tạo thói quen chải răng vào những thời điểm nhất định như trước giờ đi ngủ, buổi sáng khi thức dậy... cũng như tạo sự vui thích nho nhỏ khi chải răng sẽ khuyến khích trẻ có một thói quen vệ sinh răng miệng tốt.

 

Cho trẻ ăn những thức ăn có lợi cho răng miệng

Chọn những thực phẩm càng ít đường càng tốt, để tạo một thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ. Đồ ăn nhiều đường ngoài việc không tốt cho răng còn gây những hậu quả nguy hiểm khác như béo phì.

Hãy cho trẻ ăn vặt bằng các loại hoa quả và rau.

Hạn chế các loại quà vặt như bánh, kẹo, bimbim...

 

Không cho trẻ bú bình khi đi ngủ

Các đồ uống như sữa, sữa công thức, nước hoa quả và các loại đồ uống khác như soda đều có đường, thậm chí nhiều đường. Nếu những nước uống có đường này ở trong miệng trẻ quá lâu thì có thể gây sâu răng, khiến trẻ đau đớn. 

Điều quan trọng nhất để giúp con bạn phòng chống sâu răng là gì?

Tránh cho con đi ngủ trong khi đang ngậm bình vào buổi đêm hoặc khi ngủ trưa. Nếu bé vẫn cần phải bú bình khi ngủ thì hãy chỉ cho nước lọc vào bình.

Khi cho con ăn, đừng cho trẻ giữ một bình hoặc cốc (có núm vú giả) đựng nước ngọt để dỗ trẻ ăn.

Khi trẻ gần 1 tuổi, hãy tập cho trẻ uống bằng cốc có miệng bình thường.

Nếu con bạn sử dụng vú giả thì đừng nhúng nó vào đường hoặc mật ong trước khi cho trẻ ngậm.

 

Đưa trẻ đến nha sĩ

Khi trẻ khoảng 1 tuổi hãy đưa đến nha sĩ. Lần kiểm tra răng miệng đầu tiên của bé rất có lợi cho cả bạn và bé vì:  

  • Nha sĩ sẽ kiểm tra răng cho con bạn để biết răng của bé có khỏe mạnh không, có vấn đề gì cần khắc phục sớm không.

  • Bạn sẽ được hướng dẫn cách tốt nhất để vệ sinh răng miệng cho con.

  • Bạn sẽ được biết về một chế độ ăn có lợi cho răng miệng của trẻ, cũng như vai trò của flouride trong việc giúp cho răng miệng của trẻ khỏe mạnh hơn.

Sau lần khám răng miệng đầu tiên này, đừng quên thực hiện những lời khuyên hữu ích của nha sĩ. Và đừng quên đưa trẻ đi khám răng miệng định kỳ theo lịch hẹn của nha sỹ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top