✴️ Nguyên nhân gây sỏi thận bạn cần biết để phòng tránh

Nội dung

“Phòng bệnh từ gốc” do đó việc nhận biết nguyên nhân gây sỏi thận là vô cùng cần thiết để ngăn chặn được căn bệnh này. Sỏi thận là một trong những bệnh lý đường tiết niệu phổ biến thườn gặp nhất hiện nay. Việt Nam còn nằm trong nhóm “vành đai sỏi” do tỷ lệ người mắc cao và có xu hướng tăng nhanh.

 

1. Tổng quan về nguyên nhân gây sỏi thận

Sỏi thận hình thành từ sự lắng đọng của các khoáng chất trong nước tiểu như caxni, oxalate và axit uric. Các chất này kết hợp lại với nhau tạo thành tinh thể. Các tinh thể kết dính với nhau thành một hoặc nhiều viên sỏi trong thận.

Sỏi thận có thể chỉ nhỏ vài mm, dễ dàng trôi ra ngoài theo đường  tiểu mà người bệnh không hề hay biết. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp sỏi có kích thước lớn, gây tắc nghẽn đường tiểu, kéo theo nhiều triệu chứng khó chịu như đau tức vùng lưng hông, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu…

Cho đến hiện tại, nguyên nhân gây ra sỏi thận vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi trong thận như chế độ ăn uống kém khoa học, ảnh hưởng của một số loại thuốc. Những người đã từng bị sỏi thận hoặc trong gia đình có người bị sỏi thận, cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn so với người bình thường.

Sỏi thận là bệnh lý đường tiết niệu thường gặp ở nước ta

 

2. Nguyên nhân gây sỏi thận theo thành phần tạo sỏi

Sỏi thận được phân thành nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào thành phần khoáng chất hình thành nên viên sỏi, bao gồm:

2.1. Sỏi canxi:

Hầu hết sỏi thận thuộc nhóm này. Có 2 loại sỏi canxi:

– Sỏi canxi oxalat: Oxalat là một chất được tạo ra bởi gan trong cơ thể hàng ngày. Một số loại trái cây và rau quả, cũng như các loại hạt và socola, cũng có hàm lượng cao canxi oxalat. Do đó khi chúng ta tiêu thụ quá mức các loại thực phẩm này, cơ thể sẽ tăng cường hấp thu oxalat, làm tăng nồng độ chất này trong nước tiểu. Những yếu tố khác có thể làm hàm lượng oxalate tăng cao là dùng vitamin D liều cao, phẫu thuật đường ruột và mắc phải một số bệnh rối loạn chuyển hóa.

– Sỏi canxi photphat: Loại sỏi này thường gặp ở những người đang có vấn đề về chuyển hóa như bị toan hóa ống thận hoặc ở người đang sử dụng thuốc điều trị chứng đau nửa đầu hoặc động kinh.

2.2. Sỏi struvite

Sỏi này có thể hình thành do nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn gây nhiễm trùng khiến cho amoniac tích tụ trong nước tiểu dẫn tới sự tạo thành sỏi. Đặc trưng của sỏi struvite là tăng kích thước rất nhanh.

2.3. Sỏi axit uric

Sỏi này thường gặp ở những người bị mất nước quá nhiều do tiêu chảy mạn tính hoặc kém hấp thu; chế độ ăn nhiều protein ít chất xơ; người mắc bệnh tiểu đường hoặc các hội chứng rối loạn chuyển hóa. Một số yếu tố di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi axit uric.

2.4. Sỏi cystin

Đây là loại sỏi thận rất hiếm gặp, xảy ra khi thận đào thải quá nhiều một loại axit amin trong nước tiểu – gọi là cystin. Tình trạng này thường xảy ra ở những người mắc phải hội chứng di truyền gọi là cystin niệu. Đây là một bất thường bẩm sinh ở sỏi thận khiến sự tái hấp thu cystin giảm, tăng bài tiết qua nước tiểu.

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau dẫn tới sự kết tinh tạo sỏi trong thận

 

3. Nguyên nhân gây sỏi thận do chế độ ăn uống, sinh hoạt

3.1. Uống ít nước

Uống đủ nước giúp cơ thể có đủ lượng chất lỏng cần thiết để bài tiết, thải bỏ các chất khoáng chất có thể tạo thành sỏi ra bên ngoài. Ngược lại uống ít nước, nhất là ở những người hay vận động ra mồ hôi nhiều khiến nước tiểu bị cô đặc, các khoáng chất dễ lắng đọng tạo sỏi.

Một người trung bình cần 40 ml/kg cơ thể, nghĩa là người nặng 50kg cần 2 lít nước mỗi ngày. Cách để bạn nhận biết cơ thể đủ nước hay chưa là quan sát màu nước tiểu. Nước tiểu có màu vàng nhạt, trong là dấu hiệu cơ thể được cung cấp đủ nước.

Nên uống nước sau khi ngủ dậy, sau khi vận động nhiều, trước khi đi ngủ 30 phút. Nên uống nước lọc, hạn chế các loại nước ngọt có ga. Các loại nước cam, chanh, quýt cũng rất tốt cho người bị sỏi thận.

3.2. Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu oxalate

Như đã đề cập ở phần trên, oxalate là một chất hóa học có trong nhiều loại thực phẩm và rau quả như cải bó xôi, củ cải đường, sô cô la, đậu bắp… Nếu tiêu thụ với hàm lượng quá nhiều sẽ dễ kết tinh tạo thành sỏi thận canxi oxalate.

3.3. Ăn mặn

Trong các bữa ăn hàng ngày không thể thiếu muối. Tuy nhiên việc tiêu thụ quá nhiều muối, ăn mặn quá mức sẽ làm tăng đào thải natri, tăng lượng bài tiết canxi trong nước tiểu. Canxi tích tụ nhiều sẽ dẫn tới sự xuất hiện của sỏi thận. Do đó để phòng tránh sỏi thận, chúng ta nên giảm bớt muối trong quá trình chế biến đồ ăn, nên lựa chọn các hình thức như hấp, luộc thay vì chiên, xào, kho. Đồng thời hạn chế các loại đồ ăn chế biến sẵn thường có hàm lượng muối cao.

 

4. Nguyên nhân gây sỏi thận do ảnh hưởng của các bệnh lý khác

– Các bệnh lý đường ruột

Những người mắc phải các bệnh lý đường ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng có nguy cơ cao mắc sỏi thận. Bởi các bệnh lý này thường gây ra triệu chứng tiêu chảy, khiến bạn bị mất nước, tiểu ít. Cơ thể sẽ tăng hấp thu oxalate dẫn tới tình trạng hàm lượng oxalate trong nước tiểu tăng cao, dẫn tới sự hình thành sỏi.

– Béo phì

Người béo phì có nguy cơ mắc sỏi thận cao gấp đôi so với người có cân nặng bình thường. Do đó việc duy trì cân nặng ở mức hợp lý là rất cần thiết nếu không muốn mắc phải căn bệnh này.

– Bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh lý này có thể làm tăng hàm lượng axit trong nước tiểu, dẫn tới sự kết tinh tạo sỏi thận.

– Bệnh gout (gút)

Tình trạng này khiến axit uric tích tụ trong máu và hình thành các tinh thể trong khớp và thận.

– Cường cận giáp

Đây là tình trạng các tuyến cận giáp tiết ra quá nhiều hormone, làm tăng nồng độ canxi trong máu và nước tiểu, dẫn tới sự tạo sỏi.

– Toan hóa ống thận

Bệnh lý về thận này sẽ khiến thận bài tiết ra quá nhiều axit tích tụ trong cơ thể.

 

5. Nguyên nhân gây sỏi thận do việc sử dụng thuốc

Một số loại thuốc sau đây có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận:

– Một số loại thuốc kháng sinh, bao gồm cả thuốc kháng sinh ciprofloxacin và sulfa

– Một số loại thuốc điều trị HIV và AIDS

– Một số loại thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị huyết áp cao.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây sỏi thận để có cách phòng tránh hiệu quả. Sỏi thận kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như viêm đường tiết niệu, thận ứ nước, ứ mủ, giãn đài bể thận…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top