- Vệ sinh răng miệng kém: Những loại vi khuẩn thông thường, cư trú trong khoang miệng, sẽ phản ứng với những mảng thức ăn bám trên răng, lợi, lưỡi và bề mặt cuống họng. Sự tác động này khiến hơi thở bé có mùi hôi, đặc biệt là khi những mảng bám thức ăn không được loại bỏ trong thời gian dài.
- Miệng bé bị khô: Nếu bé thở qua miệng liên tục (do bé bị chảy nước mũi chẳng hạn) thì sau đó, vi khuẩn và môi trường trong khoang miệng của bé sẽ bị xáo trộn.
- Có vật lạ: Một hạt lê, hạt đậu, đồ chơi nhỏ hoặc những đồ vật khác “định cư” trong mũi của bé, có thể gây nên chứng hôi miệng. Tình trạng này rất dễ xảy ra với nhóm bé nhỏ hơn 4 tuổi (độ tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt hành vi nhét một hạt đậu vào lỗ mũi là nguy hiểm).
- Mút ngón tay: Hành vi này vô tình đưa vi khuẩn từ bên ngoài và khiến bé bị nhiễm khuẩn khoang miệng.
- Bị bệnh hoặc dị ứng: Một số bệnh như nhiễm trùng xoang, viêm amidan và thậm chí cả chứng dị ứng thời tiết cũng gây hôi miệng cho bé. Một số bé hay bị ợ hơi cũng dễ phải đối mặt với chứng hôi miệng.
- Sử dụng thức ăn có mùi: Hành, tỏi hoặc một số loại gia vị có mùi khó chịu khác có thể xâm nhập và làm “nhiễu” hơi thở của bé, khiến bé “nặng mùi”.
Trong phần lớn trường hợp, việc vệ sinh răng miệng tốt sẽ giúp hơi thở của bé thơm tho hơn. Giai đoạn 3-4 tuổi, bạn nên hướng dẫn bé cách tự đánh răng hoặc bạn có thể giúp đỡ bé hoàn thành phần việc này. Ngoài ra, bạn cũng nên giúp bé vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ làm sạch lưỡi chuyên dụng.
Chỉ nên cho bé dùng một lượng kem đánh răng nhỏ. Các chuyên gia khuyên rằng, cha mẹ nên sử dụng một lượng kem đánh răng không lớn hơn hạt đậu Hà Lan trong mỗi lần đánh răng của bé (đặc biệt với loại kem chứa flour thì càng nên hạn chế). Bởi vì, việc dùng quá nhiều kem đánh răng sẽ gây nên những đốm trắng trên răng bé, khi bé lớn hơn; đồng thời, bạn nên chọn loại kem đánh răng có hương vị tự nhiên mà bé yêu thích.
Nên cho bé đi khám nha khoa theo định kỳ (khoảng 6 tháng/lần), giúp răng bé luôn sạch và chắc khỏe. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xác định được dấu hiệu hôi miệng ở bé và có cách xử trí thích hợp.
Bạn nên giúp bé vệ sinh đôi tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đề phòng bé có tật mút tay hoặc khi bé bốc thức ăn. Nếu bé có thói quen ngậm ti giả, bạn nên tìm cách giúp bé “cai” càng sớm càng tốt.
Nếu muốn dùng thuốc sát trùng để súc miệng cho bé, bạn nên trao đổi với bác sĩ. Các loại nước súc miệng chỉ có tác dụng “che đậy” mùi hôi một cách tạm thời chứ không thể giải quyết triệt để vấn đề. Chìa khóa dành cho bạn vẫn là khuyến khích bé vệ sinh răng miệng đúng cách và giúp bé điều trị các chứng bệnh về miệng (nếu có).
Cuối cùng, bạn không nên khiến bé mất tự tin vì chứng hôi miệng. Bạn nên giúp đỡ để bé không cảm thấy xấu hổ đến mức ngại giao tiếp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh