✴️ Sử dụng, bảo quản và vệ sinh hàm giả tháo lắp

Hàm giả có thể có các loại toàn phần (khi bệnh nhân mất răng toàn bộ trên hàm) hoặc bán phần (khi mất răng lẻ tẻ). Vật liệu sử dụng cho hàm giả có nhiều loại như Acrylic (nhựa cứng), Biosoft, Lucitone (nhựa dẻo), khung kim loại hợp kim…

Khi mang hàm giả lần đầu tiên bạn sẽ cảm thấy vướng cộm, khó chịu kèm theo nước bọt tiết ra liên tục, phát âm khó khăn và đặc biệt có thể niêm mạc bị sang chấn và đau, loét do hàm giả. Ngoài ra, một số người còn buồn nôn hoặc cảm giác căng thẳng, đau cơ, đau khớp. Những cảm giác vướng cộm, tăng tiết nước bọt hay rối loạn phát âm sẽ giảm dần sau một vài tuần. Tuy nhiên những cảm giác đau niêm mạc do sang chấn hàm giả, đau cơ, đau khớp phải được bác sĩ khám và điều chỉnh.

Nói chung khi mang hàm giả, bệnh nhân phải chấp nhận những khó chịu ban đầu trong vòng một vài tuần. Tuy nhiên nếu những cảm giác này kéo dài nghĩa là hàm giả có vấn đề cần phải được điều chỉnh. Bệnh nhân cần báo cho bác sĩ tất cả những khó chịu cảm thấy, đến kiểm tra để chỉnh sửa các điểm gây sang chấn. Vấn đề quen với hàm giả tùy thuộc từng người. Có người cảm thấy quen ngay trong tuần lễ đầu nhưng cũng có người mất hàng tháng mới quen được. Tuy nhiên thời gian trung bình là 2 - 3 tuần để quen với hàm giả. Khi đã quen với hàm giả, bệnh nhân sẽ thấy khó chịu khi không mang hàm.

Thời gian đầu, khi tập sử dụng, nên mang hàm cả ngày lẫn đêm trong 3 ngày đầu để giúp bệnh nhân quen dần với hàm giả nhanh hơn. Trong thời gian này chắc chắn bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và ngoài ra có thể đau do sang chấn niêm mạc. Nếu không đau quá hãy cố gắng mang hàm để phát hiện chính xác vùng đau và báo cho bác sĩ để mài chỉnh. Những ngày kế tiếp, không nên mang hàm khi ngủ. Trước khi ngủ, hãy tháo hàm, chải rửa sạch và ngâm vào một ly nước sạch hoặc thuốc ngâm hàm. Nếu mang hàm khi ngủ thường xuyên, những răng còn lại sẽ rất dễ bị sâu (nếu hàm còn răng thật), xương hàm sẽ bị tiêu nhanh hơn, đặc biệt khi mang hàm giả toàn bộ. Ngoài ra, có thể bị nhiễm nấm miệng do mang hàm giả liên tục.

Khi tháo và lắp hàm phải cẩn thận, theo đúng cách mà bác sĩ đã hướng dẫn. Nếu bệnh nhân tháo và lắp dễ dàng, thoải mái nghĩa là đã thao tác đúng. Ngược lại, nếu bệnh nhân cảm thấy rất khó khăn khi tháo hàm và lắp hàm, hãy quay trở lại bác sĩ của bạn để được hướng dẫn. Không nên tự ý chỉnh sửa các móc bằng kim loại hoặc mài giũa nền hàm. Ngoài ra, cần phải cẩn thận khi chải rửa hàm, đừng để bị văng hàm; vì có thể gãy hàm hoặc biến dạng các móc.

Hàm tháo ra nên ngâm trong ly nước thủy tinh, phòng khi rơi hàm, không bị gãy, vỡ. Khi không mang hàm giả phải ngâm vào trong nước vì hàm giả có thể bị vênh nếu để khô. Mỗi ngày, chải rửa hàm để lấy sạch bựa thức ăn, và tránh cho hàm bị nhiễm màu. Đầu tiên rửa trôi các thức ăn dính trên hàm giả, sau đó mới dùng bàn chải để chải rửa hàm. Thấm ướt lông bàn chải, lấy một ít thuốc đánh răng hoặc xà phòng rửa tay, chải nhẹ nhàng khắp hàm giả. Khi chải rửa nên sử dụng loại bàn chải lông mềm, để không làm trầy xước hàm. Lưu ý không sử dụng các chất có tính ăn mòn mạnh, sẽ làm hỏng hàm giả.

Khi mang hàm giả loại hàm khung, việc ăn uống gần như là bình thường, chỉ cần lưu ý đừng ăn thức ăn quá dẻo và quá cứng. Khi mang hàm giả nền nhựa hay hàm giả toàn bộ, rất cần thiết phải tập ăn nhai để có thể thích nghi và sử dụng. Sau giai đoạn quen với hàm giả, bắt đầu tập ăn với thức ăn mềm, nhai đều hai bên (lưu ý không nhai phía trước) và nhai chậm. Dần dần, sẽ ăn được thức ăn bình thường nhưng vẫn phải lưu ý đừng ăn thức ăn quá dẻo và quá cứng. Khi ăn nhai bình thường, nếu cảm thấy không nhai thức ăn nhuyễn được hoặc hàm giả bị bật khi ăn phải báo cho bác sĩ biết để điều chỉnh.

Một hàm giả tốt phải đảm bảo không ảnh hưởng phát âm, ngoại trừ giai đoạn đầu chưa quen với hàm giả. Trong giai đoạn này có vài từ cần phải tập phát âm. Từ nào khó nói, thì bạn đọc lớn lên và lặp đi lặp lại cho quen. Khi nói mà hàm bật ra, thì tập nói chậm lại. Đôi khi cười lớn, ho thậm chí chỉ cười mỉm thôi cũng làm xê dịch hàm. Khi đó, hãy cắn nhẹ hai hàm lại rồi nuốt một cái, hàm sẽ vào lại đúng vị trí.

Khi đã quen với hàm giả mà bạn còn phát âm khó khăn, khả năng hàm giả của bạn có vấn đề cần phải chỉnh sửa. Trường hợp này hãy quay trở lại bác sĩ làm hàm giả cho bạn để kiểm tra lại hàm giả. Nếu bác sĩ của bạn không thể giải quyết được hãy tìm một bác sĩ chuyên khoa phục hình, bác sĩ này có thể sẽ giúp bạn giải quyết được tình trạng của bạn.

Với thời gian, các cấu trúc trong miệng sẽ thay đổi và ảnh hưởng đến hàm giả. Ảnh hưởng phổ biến nhất là tình trạng lỏng hàm do tiêu xương bên dưới nền hàm. Hàm lỏng sẽ dẫn đến ăn nhai mất ngon, phát âm kém, cảm giác không tự tin, khó chịu, đau, thậm chí gây loét hay nhiễm trùng... Một khi hàm giả lỏng, tình trạng tiêu xương sẽ diễn ra nhanh hơn nếu không điều chỉnh hàm giả kịp thời. Khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra như lỏng hàm, sút răng, gãy hàm... hãy đến bác sĩ để được chỉnh sửa. Trường hợp đơn giản có thể sửa chữa trong ngày và trường hợp phức tạp có thể phải đợi vài ngày hoặc phải làm lại hàm giả mới.

Khi mang hàm giả, việc chăm sóc răng miệng đòi hỏi phải kỹ hơn so với bình thường đặc biệt là các răng mang móc. Những răng này dễ bị nhét thức ăn hơn, do đó nguy cơ sâu răng và bệnh nha chu ở những răng này cũng cao hơn. Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý cũng góp phần làm cho răng và lợi xung quanh khỏe mạnh.

Trong một số trường hợp, dù hàm giả khít sát nhưng vẫn không dính được do những yếu tố khách quan như nước bọt quá loãng, diện tích nền hàm nhỏ... keo dán hàm giúp cải thiện khả năng dính của hàm giả. Lưu ý rằng keo dán hàm không phải là giải pháp cho trường hợp hàm giả cũ, lỏng. Khi hàm giả lỏng không còn dính, phải đến bác sĩ để kiểm tra và có giải pháp phù hợp. Không nên tự động mua keo dán để giúp hàm dính vì hàm lỏng sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề tiêu xương.

Thông thường sau một thời gian (3 - 5 năm) mang hàm giả, hàm sẽ bị lỏng do xương bị tiêu, hàm có thể gãy, vỡ, các răng có thể bị mòn... Nếu hàm lỏng nhưng các răng còn tốt, không bị mòn, có thể bác sĩ chỉ đệm hàm hoặc thay nền hàm là đủ. Trường hợp hàm giả lỏng và các răng mòn nhiều, cách tốt nhất là làm lại hàm giả mới.

Nếu tiếp tục sử dụng với hàm giả đã bị lỏng, việc ăn nhai sẽ mất ngon, khả năng phát âm cũng bị ảnh hưởng. Hàm giả lỏng còn gây đau và có thể gây loét và rất khó chịu.

Việc khám răng miệng định kỳ rất quan trọng dù còn hay mất răng. Mỗi lần khám, bác sĩ sẽ kiểm tra hàm giả có còn tốt hay không: độ khít sát của hàm, độ mòn của răng...Bác sĩ sẽ giúp kiểm soát và phát hiện sớm các bệnh lý miệng, xương hàm và các cấu trúc liên quan, đặc biệt là bệnh ung thư.

Xem thêm: Tại sao phải lấy cao răng (vôi răng)?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top