Carbetocin là thuốc co hồi tử cung chỉ được khuyến cáo để phòng ngừa băng huyết sau sinh

Băng huyết sau sinh (BHSS) được định nghĩa là tổng lượng máu mất từ 1000 mL trở lên hoặc chảy máu có kèm các triệu chứng hoặc dấu hiệu của giảm thể tích trong vòng 24 giờ sau sinh. Điều này trái ngược với các định nghĩa truyền thống trước đây về chảy máu sau sinh, với lượng máu mất ước tính là 500 mL sau khi sinh qua đường âm đạo hoặc mất máu trên 1000mL sau khi mổ lấy thai. Chảy máu sau sinh gây ra các kết cục thứ phát về lâu dài, bao gồm hội chứng suy hô hấp ở người lớn, sốc, đông máu rải rác nội mạch, suy thận cấp, mất khả năng sinh sản và họai tử tuyến yên (hội chứng Sheehan).

 

Băng huyết sau sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, đặc biệt ở những quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp, chiếm khoảng 25% các ca tử vong liên quan đến thai kỳ trên toàn thế giới. Phần lớn các ca tử vong do BHSS xảy ra ở sản phụ sống ở các những nơi có nguồn lực hạn chế. Các bệnh lý nghiêm trọng của mẹ thường liên quan đến BHSS là nguyên nhân dẫn đến thời gian nhập viện, thời gian hồi phục kéo dài và sử dụng thủ thuật. Trong phần lớn các trường hợp, có thể ngăn ngừa tử vong mẹ và giảm tỷ lệ mắc bệnh thông qua quản lý kịp thời và dựa trên bằng chứng của nhóm chu sinh, bao gồm sử dụng thuốc co hồi tử cung, xoa bóp tử cung, bù dịch và axit tranexamic. Tháng 7/2021 Liên đoàn Phụ khoa và Sản khoa Quốc tế (FIGO) và Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế (ICM) đã đưa ra một số khuyến cáo chung về việc sử dụng thuốc co hồi tử cung để kiểm soát và giảm các biến chứng của BHSS. Thuốc co hồi tử cung được khuyến cáo sử dụng trong xử trí tích cực giai đoạn III của chuyển dạ. Oxytocin là thuốc co hồi tử cung được sử dụng đầu tay và cần được bảo quản lạnh liên tục để duy trì hiệu quả.

 

Oxytocin là thuốc co hồi tử cung được khuyến cáo để dự phòng và điều trị BHSS, cũng như để khởi phát chuyển dạ và tăng go. Trong khi đó, carbetocin ổn định nhiệt chỉ được chỉ định để dự phòng BHSS. Việc sử dụng carbetocin ổn định nhiệt không phù hợp (tương tự như các thuốc co hồi tử cung hiện có khác) có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và trẻ sơ sinh.

 

Carbetocin ổn định nhiệt là một loại thuốc co hồi tử cung chỉ được khuyến cáo để phòng ngừa BHSS – đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bổ sung vào danh sách thuốc thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2019. Để duy trì tính ổn định và hiệu quả, tất cả các thuốc co hồi tử cung dạng tiêm khác (oxytocin, carbetocin không bền với nhiệt, prostaglandin dạng tiêm và ergometrine) cần phải được vận chuyển và bảo quản lạnh ở 2–8°C. Carbetocin ổn định nhiệt phù hợp với những hệ thống y tế không có điều kiện về lắp đặt trang thiết bị bảo quản lạnh. Nếu được sử dụng một cách thích hợp, thì carbetocin ổn định nhiệt đóng một vai trò quan trọng ở những nơi có khí hậu nắng nóng, gặp khó khăn trong việc vận chuyển và không có dây chuyền bảo quản lạnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng của oxytocin và các thuốc co hồi tử cung dạng tiêm khác. Tuy nhiên, xét về đặc tính dược lý hay chỉ định lâm sàng, carbetocin ổn định nhiệt có các đặc tính dược động học khác với oxytocin.

???? Carbetocin là thuốc co hồi tử cung chỉ được khuyến cáo để phòng ngừa BHSS và không được sử dụng trong các trường hợp sau:

  1.  Khởi phát chuyển dạ hoặc tăng go
  2. Trong khi mang thai hoặc chuyển dạ (bất cứ thời điểm nào trước khi sổ thai)
  3.  Phụ nữ bị rối loạn tim mạch
  4.  Phụ nữ bị bệnh gan hoặc thận
  5.  Phụ nữ bị động kinh
  6. Phụ nữ nhạy cảm với carbetocin ổn định nhiệt, oxytocin hoặc bất kỳ tá dược nào trong thành phần của thuốc.

____________________________________________

???? Tài liệu tham khảo

1. International Federation of Gynecology and Obstetrics (FIGO), Guidance on the use of heat-stable carbetocin as an alternative to oxytocin in the prevention of postpartum haemorrhage, March. 2023.

2. WHO. WHO recommendations: Uterotonics for the prevention of postpartum haemorrhage. 2018.

https://gh.bmj.com/content/4/2/e001466

3. Lale Say et al. Global causes of maternal death: a WHO systematic analysis. The Lancet. 2014 Jun;2(6):e323-33

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25103301/

return to top