✴️ Đau lưng khi mang thai

Nội dung

Nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng khi mang thai?

Triệu chứng mẹ bầu đang mang thai bị đau lưng xuất hiện rất phổ biến, đặc biệt ở những tháng thai kỳ gần ngày sinh nở. Hầu hết những trường hợp đau lưng khi mang thai đều nằm trong 3 nhóm biểu hiện như: Đau vùng thắt lưng, đau lưng vào ban đêm hoặc đau khớp nối giữa xương chậu và xương cùng. Biểu hiện thai phụ bị đau lưng có thể do nhiều yếu tố tác động đến cùng lúc, không phải là do một nguyên nhân cụ thể nào gây ra.

Mẹ bầu bị đau lưng khi mang thai do cơ bụng bị căng quá đà: Như các bạn đã biết thì thai nhi sẽ được nuôi dưỡng trong tử cung trong bụng của người mẹ, khi các con phát triển lớn hơn đồng nghĩa với việc tử cung cũng phải phát triển rộng lớn hơn để có đủ chỗ cho em bé, các vùng da, vùng cơ ở bụng người mẹ cũng buộc phải kéo giãn ra cho phù hợp với tử cung. 

Nếu quá trình này sẽ diễn ra một cách từ từ và đều đặn thì sẽ không gây ảnh hưởng gì đến người mẹ, thế nhưng không phải lúc nào các vùng cơ ở bụng người mẹ cũng đủ sức mạnh để nâng đỡ được toàn bộ trọng lượng bụng bầu ngày càng to. Trường hợp thai nhi phát triển quá nhanh hoặc mẹ bầu mang thai nhiều hơn một em bé (đa thai) thì khả năng bị đau lưng do căng cơ bụng là rất cao.

Đau lưng khi mang thai do cơ bụng người mẹ yếu: Một số người phụ nữ có sức khỏe không được tốt, đặc biệt là các nhóm cơ không đủ khỏe mạnh thì khả năng cao khi mang thai sẽ bị đau lưng. Trường hợp đứng ngồi hoặc vận động đi lại sai tư thế cũng sẽ khiến các cơn đau lưng xuất hiện nhiều hơn.

Bị đau lưng khi mang thai do ảnh hưởng của hormone sinh sản: Vào những tháng gần ngày sinh, một số loại hormone trong cơ thể người mẹ sẽ được sản sinh ra nhằm hỗ trợ quá trình sinh nở thuận lợi hơn. Cụ thể, những loại hormone này sẽ kích thích giãn nở các dây chằng ở khớp xương chậu một cách tối đa để em bé có thể chui lọt qua dễ dàng hơn trong khi mẹ lâm bồn. Tuy nhiên, việc kích thích giãn nở các nhóm dây chằng này lại gây ra triệu chứng đau lưng do các khớp bị lỏng lẻo.

Nên làm gì để cải thiện tình trạng đau lưng khi mang thai?

Có rất nhiều phương pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao cho những bà mẹ bầu khi xuất hiện triệu chứng bị đau lưng. Các chị em phụ nữ có thể kết hợp các bài tập thể dục dành cho bà bầu và sử dụng một số vật dụng hỗ trợ giảm đau lưng. Ngoài ra, một số cách mát xa bụng cho mẹ bầu cũng có tác dụng tốt cho việc giảm đau lưng. Các chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và loại bỏ các loại thực phẩm không hợp vệ sinh cũng sẽ giúp cơ thể người mẹ giảm thiểu được các tác nhân đau lưng do cơ thể thiếu chất. 

Tập luyện các bài tập dành riêng cho bà bầu giúp giảm các triệu chứng đau lưng khi mang thai:

  • Bài tập đứng thẳng lưng: Mẹ bầu gập vai lại và nâng lồng ngực lên cao, bụng co lại, giữ lưng thẳng, mặt nhìn thẳng không cúi không ngửa, đầu gối có thể gấp lại một chút để giữ thăng bằng.

  • Bài tập duỗi thẳng vùng lưng dưới: Các mẹ hay quỳ gối và chống tay như tư thế đang bò (giữ lưng thẳng), sau đó đưa tay trái về phía trước kết hợp với đưa chân phải về phía sau cố gắng duỗi thẳng rồi đổi bên lần lượt. Bài tập này được khuyến cáo nên thực hiện từ những tháng thai kỳ đầu tiên và phải có tấm trải bên dưới chống trầy xước hay chấn thương vùng đầu gối.

  • Bài tập giảm đau lưng dưới nước đơn giản: Bạn chỉ cần đứng yên hoặc bơi trong bể bơi là có thể giúp giảm thiểu các cơn đau lưng rồi. Đặc biệt, việc ngâm mình trong bồn nước ấm không chỉ có tác dụng giảm đau lưng mà còn giúp quá trình lưu thông máu toàn cơ thể diễn ra suôn sẻ hơn.

  • Bài tập cầu vồng: Đầu tiên, các mẹ bầu nằm ngửa trên mặt sàn và giữ hai tay xuôi theo người. Sau đó, gập đầu gối lại tạo thành một góc vuông với mặt sàn và từ từ nâng lưng lên, giữ yên khoảng 5 giây rồi từ từ hạ thân người xuống. Người tập nên giữ nhịp thở đều đặn chứ không được nín thở hoặc hít thở quá mạnh.

  • Các bài tập yoga nhẹ nhàng cũng có thể được áp dụng trong quá trình giảm đau khi mang thai và nâng cao sức khỏe tuần hoàn máu.

Ngăn ngừa tình trạng đau lưng ở bà bầu

Để ngăn ngừa, hạn chế xảy ra đau lưng khi mang thai, bà bầu cần chú ý đến tư thế đứng, ngồi và cách di chuyển. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp mẹ bầu tránh được phần nào tình trạng này:

  • Mang loại giày có phần đế phù hợp cho phụ nữ mang thai: Loại giày đế bằng thường không thể hỗ trợ tốt nhất cho tư thế đi đứng của mẹ bầu, trừ khi nó được chêm thêm một miếng lót với bề dày thích hợp. Giày cao gót có thể làm bạn bị mất cân bằng và dễ ngã về phía trước, rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
  • Cân nhắc lựa chọn một tấm nệm chắc chắn: Nếu tấm nệm ở nhà đã trở nên cũ kỹ và xuống cấp, bạn nên cân nhắc thay mới và lựa chọn một tấm nệm phù hợp cho phụ nữ mang thai. Nệm nằm thoải mái và chất lượng tốt có thể giúp mẹ bầu hạn chế bị đau lưng khi mang thai.
  • Đừng cúi người xuống quá phần thắt lưng: Để nhặt món đồ làm rơi rớt dưới đất, bạn nên ngồi xổm xuống, uốn cong đầu gối nhưng vẫn giữ thẳng cột sống lưng.
  • Lựa chọn ghế ngồi thích hợp: Việc thường xuyên ngồi lên một chiếc ghế gỗ lưng thẳng thông thường có thể gây ra biểu hiện đau lưng khi mang thai. Để khắc phục, mẹ bầu nên chọn loại ghế có phần tựa lưng uốn cong để hỗ trợ tốt cho phần lưng, hoặc có thể sử dụng một chiếc gối nhỏ đặt phía sau phần thắt lưng. Bên cạnh đó, có một số thiết bị đặc biệt, giúp hỗ trợ phần thắt lưng cho phụ nữ mang thai, đang được bày bán tại các cửa hàng cung cấp thiết bị y tế.
  • Chú ý tư thế ngủ: Khi ngủ cố gắng nằm nghiêng về một bên. Dùng 1 đến 2 chiếc gối để kẹp giữa hai chân hoặc đặt dưới bụng hỗ trợ tốt nhất cho tư thế ngủ, tránh ảnh hưởng đến cột sống lưng.

Ngoài những bài tập giúp giảm đau lưng khi mang thai hiệu quả thì các chị em phụ nữ cũng có thể tìm kiếm mua những vật dụng hỗ trợ giảm đau lưng như: Gối chống đau lưng hay đai giữ bụng hỗ trợ cho mẹ bầu. Điều chỉnh tư thế ngủ cũng sẽ giúp ích không nhỏ trong việc giảm thiểu các cơn đau lưng. Mẹ bầu nên nằm nghiêng về bên trái, giữ đầu cao sao cho thẳng hàng với cột sống và kết hợp đặt một chiếc gối mềm giữa hai chân, một chiếc gối mỏng bên dưới bụng bầu. Với tư thế ngủ như thế này thì các cơn đau lưng do căng cơ sẽ mau chóng được cải thiện.

Trong trường hợp mẹ bầu xuất hiện triệu chứng đau lưng kéo dài mà không thuyên giảm dù đã thử nghiệm các biện pháp hỗ trợ, nhờ tới sự trợ giúp từ các y bác sĩ có chuyên môn là rất cần thiết. Đặc biệt là khi tình trạng đau lưng xuất hiện kèm theo các triệu chứng bất thường khác như tê chân tay, sốt, đau nhức đầu,...

Xem thêm: BS tư vấn về đau lưng thai kỳ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top