Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp

1. Khái niệm và chỉ định

Thuốc tránh thai khẩn cấp là một phương pháp ngừa thai nội tiết được sử dụng sau khi có quan hệ tình dục không được bảo vệ, nhằm làm giảm nguy cơ có thai ngoài ý muốn. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai.
  • Bao cao su bị rách, thủng hoặc tuột trong khi quan hệ.
  • Quên uống thuốc tránh thai hằng ngày ≥2 viên liên tiếp.
  • Trễ lịch tiêm thuốc tránh thai so với thời gian quy định.

 

2. Cơ chế tác dụng

Thành phần chính của thuốc tránh thai khẩn cấp là progestin liều cao (thường là levonorgestrel hoặc ulipristal acetate). Cơ chế tác dụng bao gồm:

  • Ức chế hoặc làm chậm quá trình rụng trứng.
  • Ngăn cản quá trình làm tổ của phôi nếu sự thụ tinh đã xảy ra.
  • Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, cản trở sự xâm nhập của tinh trùng.
  • Gây thay đổi hoạt động của nội mạc tử cung và đường sinh dục nữ.
  •  

3. Hiệu quả

Hiệu quả ngừa thai phụ thuộc vào thời điểm sử dụng thuốc sau quan hệ:

  • Trong vòng 24 giờ: hiệu quả khoảng 95%.
  • Từ 24 – 48 giờ: hiệu quả giảm còn 85%.
  • Từ 49 – 72 giờ: hiệu quả còn 58%.

Lưu ý: Cần sử dụng càng sớm càng tốt sau quan hệ không an toàn để tăng hiệu quả tránh thai. Không nên sử dụng quá 2 liều trong một chu kỳ kinh nguyệt do nguy cơ tác dụng phụ và rối loạn nội tiết.

 

4. Tác dụng không mong muốn

Mặc dù được xem là an toàn nếu sử dụng đúng hướng dẫn, thuốc tránh thai khẩn cấp vẫn có thể gây một số tác dụng phụ, bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn (nếu nôn trong vòng 2 giờ sau uống cần dùng liều thay thế).
  • Đau đầu, chóng mặt, đau bụng.
  • Rối loạn kinh nguyệt: rong kinh, chậm kinh, kinh nguyệt không đều.
  • Chảy máu âm đạo bất thường (cần phân biệt với các nguyên nhân bệnh lý như ung thư nội mạc tử cung hoặc cổ tử cung).
  • Nguy cơ thai ngoài tử cung, đặc biệt ở phụ nữ có yếu tố nguy cơ hoặc sử dụng thuốc lặp lại nhiều lần.
  • Tăng nguy cơ huyết khối tắc mạch: cần ngừng thuốc ngay nếu có dấu hiệu như phù chi, nhức đầu dữ dội, nhìn đôi, lồi mắt hoặc mất thị lực.

 

5. Chống chỉ định

Không sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp trong các trường hợp:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
  • Xuất huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân.
  • Tiền sử bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi.
  • Bệnh gan cấp, u gan lành hoặc ác tính.
  • Carcinom vú đang tiến triển hoặc có tiền sử.
  • Ngứa dai dẳng hoặc vàng da trong lần mang thai trước.

 

6. Thận trọng

Cân nhắc khi dùng thuốc ở các đối tượng sau:

  • Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, van tim, rối loạn tuần hoàn não.
  • Người có tiền sử thai ngoài tử cung.
  • Người mắc bệnh động kinh, đái tháo đường.
  • Chức năng gan giảm, béo phì hoặc rối loạn chuyển hóa.
  •  

7. Lưu ý đặc biệt trong sử dụng

Không nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp như biện pháp tránh thai thường xuyên.

Với loại thuốc 2 viên, cần uống đủ cả 2 viên theo đúng hướng dẫn.

Trong trường hợp không có kinh nguyệt trở lại sau 4 tuần, cần làm xét nghiệm β-hCG hoặc siêu âm để loại trừ mang thai.

Khuyến khích khám phụ khoa định kỳ mỗi 6–12 tháng để phát hiện các tổn thương cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung, đặc biệt khi có chảy máu bất thường sau dùng thuốc.

 

Kết luận

Thuốc tránh thai khẩn cấp là biện pháp ngừa thai hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách, đúng thời điểm và đúng đối tượng. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc sử dụng không đúng chỉ định có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh sản. Việc tư vấn bởi nhân viên y tế và theo dõi định kỳ là cần thiết để bảo đảm an toàn và hiệu quả điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top