Viêm ruột thừa nếu phát hiện muộn có thể vỡ hoặc áp xe ruột thừa, dịch chảy vào ổ bụng, gây nhiễm trùng các khu vực trong ổ bụng. Tình trạng nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến tử vong.
Chứng viêm ruột thừa ở các bà bầu thường nặng hơn ở những người không mang thai vì tình trạng thai nghén làm tổn thương ruột thừa diễn biến nhanh, dễ gây thủng hơn và dẫn đến viêm phúc mạc. Không những thế, viêm ruột thừa khi mang thai còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc sinh non.
Khi thai còn nhỏ, hội chứng viêm ruột thừa cũng có biểu hiện như ở người bình thường, như: Hố chậu phải đau,sốt nhẹ 37,5-38 độ C, buồn nôn và nôn, có phản ứng thành bụng, thử máu thấy số lượng bạch cầu tăng… Ở 3 tháng đầu mang thai, hiện tượng nôn do viêm ruột thừa có thể bị nhầm với nôn do ốm nghén.
Khi thai phát triển to, triệu chứng viêm ruột thừa sẽ không còn điển hình và khó chẩn đoán vì tử cung to đẩy mạnh trành và ruột thừa lệch khỏi vị trí bình thường, cơn đau không còn điển hình. Khi thai đã lớn, điểm đau có thể ở cao dưới góc gan phải hoặc ở thượng vị quanh rốn.
Để thuận tiện cho việc thăm khám và chẩn đoán, các bác sĩ sẽ yêu cầu thai phụ nằm nghiên bên trái. Mục đích là để tử cung nghiên sang trái làm lộ hố chậu phải, khi ấn vào đau nếu ruột thừa bị viêm. Các bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân nằm ngửa rồi dùng tay đẩy tử cung sang phải, tử cung chạm vào ruột thừa, gây đau nhói hố chậu phải nếu có viêm.
Viêm ruột thừa ở phụ nữ mới mang thai dễ bị nhầm với viêm phần phụ phải, thai ngoài tử cung, nang buồng trứng xoắn hoặc dọa sảy thai. Ở cuối thai kỳ, chứng viêm ruột thừa dễ bị nhầm với hiện tượng chuyển dạ… Nếu viêm ruột thừa xảy ra đồng thời với một biến cố về sản khoa kể trên, việc chẩn đoán và xử lý sẽ rất khó khăn và phức tạp. Do đó, khi có các biểu hiện bất thường, chị em nên đến các bệnh viện lớn để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
“Mang thai có mổ ruột thừa được không” là quan tâm của rất nhiều người. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, tất cả các ca viêm ruột thừa cấp phát hiện trong 36 giờ đầu dù diễn biến thế nào cũng đều phải mổ. Nguyên tắc này áp dụng cho mọi người, dù là trẻ sơ sinh, trẻ lớn hay người già, phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai nếu được chẩn đoán bị viêm ruột thừa cần phải mổ khẩn cấp để bảo toàn tính mạng cho cả mẹ và thai nhi.
Lưu ý, mổ ruột thừa ở phụ nữ mang thai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ ngoại khoa và sản phụ khoa. Sau khi đã mổ cắt ruột thừa viêm, sản phụ cần nằm nghỉ tại giường và dùng các loại thuốc an thai theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh