Duy trì cân bằng pH của âm đạo là 1 vấn đề cần thiết để giữ khỏe mạnh ở vùng này. Độ pH dưới 7 được gọi là acid và lớn hơn 7 được gọi là bazơ. Độ pH bình thường của âm đạo thường nhỏ hơn 4.5 và con số này càng nhỏ thì độ acid càng lớn.
Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra trực tiếp độ pH để có thể xác định chính xác mức độ acid của môi trường âm đạo. Bạn cũng có thể tự kiểm tra tại nhà qua các test xét nghiệm.
Tại âm đạo, độ pH cao có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng cũng như là cho phép các vi khuẩn và vi nấm phát triển.
Trong bài này chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nồng độ pH bình thường của âm đạo, kiểm tra tại nhà như thế nào và cách phục hồi lại sự cân bằng.
pH bình thường của âm đạo từ khoảng 3.8 tới 4.5. Nồng độ này giúp giữ vi khuẩn và vi nấm không phát triển.
Vi khuẩn lactobacilli sống tại âm đạo và tiết ra acid lactic cũng như hydrogen peroxide giúp duy trì nồng độ acid.
Độ pH của âm đạo có thể thay đổi trong cuộc đời của người phụ nữ. Thường sẽ cao hơn 4.5 trước khi dậy thì và sau khi mãn kinh.
Độ pH của âm đạo thường nhỏ hơn 4.5 trong độ tuổi sinh sản nếu như không có các vấn đề về viêm nhiễm của âm hộ, âm đạo.
Có vài bệnh lí và các loại viêm nhiễm có thể ảnh hưởng tới cân bằng pH âm đạo, thường sẽ gây tăng độ pH.
Những nguyên nhân gây ra sự thay đổi độ pH bao gồm:
Viêm âm đạo do vi khuẩn là 1 bệnh lý xảy ra khi có quá nhiều vi khuẩn phát triển ở vùng âm đạo. Điều này có thể làm tăng độ pH.
Nếu bạn bị viêm âm đạo do vi khuẩn, các triệu chứng có thể như ngứa, nóng rát hay đau ở âm đạo. Bạn cũng có thể cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu và có dịch tiết màu trắng hoặc xám.
Thụt rửa là phương pháp rửa hay làm sạch âm đạo bằng cách sử dụng dung dịch đặc biệt, như các dung dịch có chứa giấm hoặc baking soda.
Những dung dịch này được cho là làm giảm khí hư âm đạo nhưng thực tế là chúng có thể khiến nặng mùi hơn. Bởi vì chúng rửa sạch vi khuẩn có lợi, làm ảnh hưởng đến sự cân bằng pH âm đạo và có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ có độ pH cao hơn khi mãn kinh. Trong nghiên cứu này, phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh có độ pH âm đạo trung bình là 5.3.
Nồng độ estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến độ pH âm đạo.
Tình trạng nhiễm trùng khác ngoài viêm âm đạo do vi khuẩn cũng có thể làm tăng pH âm đạo.
Ví dụ như viêm âm đạo do Trichomonas và liên cầu khuẩn nhóm B (GBS).
Máu có độ pH cao hơn môi trường âm đạo. Khi bạn hành kinh, máu kinh có thể làm tăng nồng độ pH âm đạo.
Tinh dịch có tính kiềm, ngược lại với môi trường axit của âm đạo. Khi tinh dịch đi vào âm đạo, nó có thể tạm thời làm tăng độ pH.
Khi sử dụng kháng sinh để giết những vi khuẩn có hại nhưng loại thuốc này cũng có thể giết cả những vi khuẩn có lợi, bao gồm những vi khuẩn trong âm đạo. Nếu bạn đang sử dụng kháng sinh, pH âm đạo có thể bị mất cân bằng.
UTIs không làm cho pH âm đạo cao hơn nhưng độ pH cao có thể thể làm tăng nguy cơ mắc UTI.
Nồng độ estrogen giảm trong thời kì tiền mãn kinh và mãn kinh có thể khiến bạn có nguy cơ mắc UTIs thường xuyên hơn, vì nồng độ estrogen thấp làm pH âm đạo tăng.
Các bác sĩ có thể cho thuốc điều chỉnh nồng độ estrogen để làm giảm pH âm đạo và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các nhà nghiên cứu đã tìm được mối liên quan giữa độ pH âm đạo cao hơn với các bệnh lý khác, như vô sinh, sinh non và tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bạn có thể mua bộ xét nghiệm tại nhà để đo độ cân bằng pH âm đạo.
Bộ xét nghiệm tại nhà có thể cho biết nồng độ pH tăng cao hay không, cho thấy sự hiện diện của một tình trạng nhiễm trùng.
Quá trình bao gồm việc đặt một dải giấy đo độ pH lên thành âm đạo trong một khoảng thời gian nhất định.
Sau khi lấy giấy ra, bạn có thể so sánh màu sắc của kết quả với bảng màu của bộ test. Mỗi màu sắc đại diện cho một giá trị pH.
Bạn nên đọc tất cả các thông tin của bộ test, bao gồm thời gian thực hiện xét nghiệm, không thực hiện xét nghiệm khi đang hành kinh hoặc ngay sau khi giao hợp.
Nếu pH âm đạo của bạn thường xuyên cao mà không có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng, bạn có thể làm một số cách sau để giảm độ pH, như:
Tránh sử dụng xà phòng và nước thụt rửa có tính tẩy rửa mạnh. Xà phòng thường có độ pH cao và dùng chúng để vệ sinh âm đạo có thể làm tăng pH âm đạo. Tốt nhất nên sử dụng nước âm và xà phòng dịu nhẹ để làm sạch âm hộ nhưng hạn chế dùng xà phòng bên trong âm đạo. Điều này sẽ giúp duy trì sự cân bằng pH âm đạo.
Sử dụng men bổ sung hoặc viên nhét âm đạo. Men vi sinh có thể giúp khôi phục nồng độ vi khuẩn tự nhiên của cơ thể. Một số thức ăn có chứa men vi sinh như sữa chua, súp miso và kombucha.
Thay băng vệ sinh thường xuyên. Không nên sử dụng tampon trong 1 thời gian quá dài vì có thể là tăng độ pH âm đạo vì máu có tính kiềm nhẹ. Thay băng vệ sinh thường xuyên còn giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Sử dụng bao cao su khi quan hệ. Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp khác tương tự không chỉ giúp ngừa thai mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh lý lây qua đường tình dục. Đồng thời bao cao su còn giúp giảm các loại dịch tiết như tinh dịch có thể ảnh hưởng tới độ pH của âm đạo.
Các bác sĩ có thể hướng dẫn bạn sử dụng kem chứa estrogen để có thể giúp giảm độ pH của âm đạo.
Giữ cân bằng pH âm đạo có thể bảo vệ khỏi tình trạng viêm nhiễm và các biến chứng liên quan.
Các bác sĩ hiếm khi chỉ dựa trên độ pH đơn thuần để chẩn đoán các bệnh lý, chẳng hạn như nhiễm nấm, hoặc để xác định tình trạng mãn kinh hay không. Tuy nhiên thì xét nghiệm pH có thể giúp xác định chẩn đoán khi có các triệu chứng nghi ngờ.
Bạn có thể thực hiện các biện pháp nêu trên như sử dụng các dạng bổ sung vi khuẩn có lợi và không thụt rửa để giữ độ pH cân bằng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh