Một số thông tin về xuất huyết sau sinh

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CẦN NHỚ

  • Xuất huyết sau sinh là tình trạng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp.
  • Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị xuất huyết sau sinh, hãy gọi cho bác sỹ hoặc gọi cấp cứu ngay
  • Bạn có thể bị xuất huyết sau sinh nếu bạn bị chảy máu nhiều từ âm đạo, tình trạng này không giảm bớt cải thiện hoặc dừng chảy máu. Đồng thời, bạn có :nhìn mờ, ớn lạnh, cảm thấy yếu ớt, mệt mỏi hoặc thậm chí choáng váng, hôn mê.
  • Bạn có nhiều khả năng bị xuất huyết sau sinh nếu bạn đã từng có tiền sử xuất huyết.
  • Bạn có nhiều khả năng bị xuất huyết sau sinh nếu bạn có một số tình trạng bệnh nhất định, đặc biệt là các tình trạng ảnh hưởng đến tử cung, nhau thai hay máu.

 

Chứng xuất huyết sau sinh là gì?

Xuất huyết sau khi sinh là tình trạng sản phụ bị chảy máu nặng sau khi sinh. Đó là một tình trạng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng 1 ngày sau khi sinh, nhưng cũng có thể xảy ra trong vòng 12 tuần sau khi sinh. Khoảng 1 - 5 trên 100 phụ nữ sinh con (từ 1 đến 5 %) sẽ bị xuất huyết sau sinh, với các mức độ khác nhau.

Xuất huyết sau khi sinh có thể làm giảm huyết áp trầm trọng. Nếu không được điều trị nhanh chóng, tình trạng này có thể gây sốc và tử vong. Sốc là khi cơ quan trong cơ thể của bạn không có đủ lưu lượng máu.

Thông thường, mất máu sau khi sinh là chuyện bình thường. Phụ nữ thường bị mất khoảng 500 ml trong khi sinh thường hoặc khoảng 1.000ml khi sinh mổ. Với xuất huyết sau sinh, bạn có thể mất nhiều máu hơn, đặt cơ thể vào tình trạng nguy hiểm.

 

Làm thế nào để nhận biết xuất huyết sau khi sinh?

Bạn có thể bị xuất huyết sau khi sinh nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dưới đây. Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng này, hãy gọi cho bác sỹ ngay:

  • Chảy nhiều máu từ âm đạo và không cầm được
  • Hạ huyết áp hoặc có dấu hiệu sốc. Các dấu hiệu hạ huyết áp và sốc bao gồm nhìn mờ; ớn lạnh, da nhợt nhạt hoặc nhịp tim đập nhanh; cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ hoặc yếu toàn thân; hoặc cảm giác choáng.
  • Buồn nôn hoặc đau quặn bụng
  • Da nhợt nhạt
  • Sưng và đau quanh âm đạo hoặc vùng đáy chậu. Vùng đáy chậu là vùng giữa âm đạo và trực tràng.

 

Một số phụ nữ có nhiều khả năng bị xuất huyết sau khi sinh hơn người khác?

Đúng vậy! Những yếu tố làm cho bạn có nhiều khả năng bị xuất huyết sau sinh hơn những người khác được gọi là các yếu tố nguy cơ. Có một yếu tố nguy cơ không có nghĩa là chắc chắn rằng bạn sẽ bị xuất huyết sau sinh, nhưng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết của bạn. Xuất huyết sau sinh thường xảy ra mà không có dấu hiệu cảnh báo. Nhưng hãy trao đổi với bác sỹ về những gì bạn có thể làm để giúp giảm nguy cơ bị xuất huyết sau sinh.

Bạn có nhiều khả năng bị xuất huyết sau sinh hơn những phụ nữ khác nếu bạn đã có tiền sử xuất huyết trước đây. Phụ nữ Châu Á và Tây Ban Nha cũng có nhiều khả năng bĩị xuất huyết sau sinh hơn. Hiện nay, vẫn không rõ tại sao tình trạng xuất huyết sau sinh lại ảnh hưởng đến những nhóm phụ nữ này nhiều hơn những người khác.

Một số tình trạng sức khỏe cũng là các yếu tố nguy cơ đối với chứng xuất huyết sau sinh. Bạn có thể có nhiều khả năng bị xuất huyết sau sinh hơn những phụ nữ khác nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào sau đây:

Những vấn đề ảnh hưởng đến tử cung

  • Mất trương lực tử cung: đây là nguyên nhân phổ biến nhất của xuất huyết sau sinh. Tình trạng này xảy ra khi các cơ trong tử cung của bạn không co hồi lại sau khi sinh. Các cơn co tử cung khi chuyển dạ giúp ngăn ngừa chảy máu từ trong tử cung do vỡ rau thai. Rau thai phát triển trong tử cung và cung cấp cho em bé các chất dinh dưỡng và oxy qua dây rốn. Bạn có thể bị mất trương lực tử cung khi tử cung của bạn kéo dài hoặc dãn rộng khi sinh đôi hoặc một đứa trẻ lớn hơn bình thường(hơn 3.6kg). Nó cũng có thể xảy ra nếu bạn đã sinh con một vài lần, chuyển dạ quá lâu hoặc có quá nhiều nước ối.
  • Lộn tử cung: là tình trạng tử cung lộn vào bên trong sau khi sinh.
  • Vỡ tử cung: là tình trạng tử cung bị rách trong khi sinh. Tình trạng này hiếm khi xảy ra và có thể xảy ra nếu bạn có một vết sẹo trong tử cung do sinh mổ hoặc nếu bạn đã có các loại phẫu thuật khác trên tử cung.

Những vấn đề ảnh hưởng đến nhau thai

  • Bong nhau sớm: là tình trạng nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước khi sinh.
  • Rau cài răng lược: xảy ra khi nhau thai phát triển quá sâu tại thành tử cung.
  • Rau tiền đạo: là khi rau thai nằm rất thấp trong tử cung và bao phủ toàn bộ hoặc một phần cổ tử cung, chặn đường ra của em bé.
  • Sót rau: điều này xảy ra khi không đẩy hết nhau thai trong vòng 30 đến 60 phút sau khi sinh. Ngay cả khi rau thai đã bong ngay sau khi sinh, bác sĩ vẫn phải kiểm tra rau thai để đảm bảo nó không thiếu bất kỳ mô nào. Nếu mô bị mất và không được lấy ra khỏi tử cung ngay tức thì, nó có thể gây chảy máu và nhiễm trùng tử cung.

Những vấn đề trong quá trình chuyển dạ và lúc sinh

  • Sinh mổ
  • Gây mê toàn thân
  • Dùng thuốc để thúc chuyển dạ. Các bác sỹ thường sử dụng Pitocin để gây ra chuyển dạ. Pitocin là dạng oxytocin nhân tạo kích thích cơn co tử cung.
  • Dùng thuốc để ngăn ngừa các cơn co thắt trong khi sinh non: khi sản phụ có nguy cơ sinh non, bác sỹ có thể sử dụng thuốc tocolytics để làm chậm hoặc ngừng các cơn co thắt, nhằm hạn chế việc sinh sớm.
  • Rách tầng sinh môn: là tình trạng các mô trong âm đạo hoặc cổ tử cung bị cắt hoặc rách trong khi sinh. Tầng sinh môn có thể bị rách nếu sinh con quá lớn, con sinh ra quá nhanh hoặc bạn bị cắt tầng sinh môn để hỗ trợ em bé ra ngoài . Rách tầng sinh môn cũng có thể cũng có thể xảy ra nếu thực hiện sinh con bằng phóc - xép hoặc giác hút chân không.
  • Quá trình chuyển dạ kéo dài hoặc quá nhanh. Thời gian chuyển dạ là khác nhau đối với mỗi phụ nữ. Nếu bạn sinh con lần đầu tiên, thì thường mất khoảng 14 giờ. Nếu bạn đã sinh trước đây, thường mất khoảng 6 giờ.

Các tình trạng khác

  • Các tình trạng về máu, như bệnh von Willebrand hoặc đông máu đông máu lan tỏa nội mạch (còn gọi là DIC). Những bệnh này có thể làm tăng nguy cơ bị máu tụ. Máu tụ xảy ra khi một mạch máu vỡ ra gây ra cục máu đông hình thành ở mô, cơ quan hoặc một phần khác của cơ thể. Sau khi sinh, một số phụ nữ bị tụ huyết ở vùng âm đạo hoặc âm hộ. Bệnh Von Willebrand là một rối loạn chảy máu khiến việc cầm máu trở nên khó khăn hơn. DIC gây ra cục máu đông hình thành trong các mạch máu nhỏ và có thể dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng. Một số biến chứng thai nghén và sinh đẻ (như rau cài răng lược), phẫu thuật, nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu) và ung thư có thể gây ra DIC.
  • Nhiễm trùng, như viêm màng ối.
  • Béo phì. Béo phì có nghĩa là bạn có một lượng chất béo thừa. Nếu bạn béo phì, chỉ số khối cơ thể (còn gọi là BMI) là 30 hoặc cao hơn.
  • Tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ. Tiền sản giật là một tình trạng có thể xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc ngay sau khi mang thai. Đó là khi phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp và có các dấu hiệu cho thấy một số nội tạng, như thận và gan, có thể không hoạt động bình thường. Dấu hiệu tiền sản giật bao gồm việc có protein trong nước tiểu, thay đổi thị lực và đau đầu nghiêm trọng. Tăng huyết áp thai kỳ là huyết áp cao bắt đầu sau 20 tuần mang thai và biến mất đi sau khi sinh. Một số phụ nữ bị tăng huyết áp trong thai kỳ bị tiền sản giật ở thời kỳ mang thai.

 

Xuất huyết sau sinh được điều trị như thế nào?

Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu, và có thể bao gồm:

  • Bù chất lỏng, thuốc (như Pitocin) hoặc truyền máu.
  • Phẫu thuật, như phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc phẫu thuật mở bụng. Cắt bỏ tử cung chỉ áp dụng nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, toàn bộ tử cung sẽ bị cắt bỏ để cầm máu. Phẫu thuật mở bụng là khi bác sỹ tiến hành mở bụng để kiểm tra nguyên nhân gây chảy máu và cầm máu.
  • Xoa bóp tử cung bằng tay: là thủ thuật bác sỹ đưa tay vào trong tử cung, xoa bóp để giúp tử cung co lại, giảm chảy máu hạn chế hình thành cục máu đông.
  • Thở oxy qua mặt nạ
  • Loại bỏ phần còn sót lại của nhau thai từ tử cung, băng tử cung bằng gạc, bóng đặc biệt hoặc bọt biển, hoặc khâu để ngăn chặn chảy máu từ các mạch máu.
  • Tạo huyết khối các mạch máu cung cấp máu tới tử cung. Trong thủ thuật này, bác sỹ sẽ sử dụng các xét nghiệm đặc biệt để tìm ra mạch máu đang chảy máu và tiêm chất vào trong mạch để ngăn chặn chảy máu. Nó được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt và có thể ngăn bạn không cần phải cắt bỏ tử cung.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top