✴️ Những dấu hiệu chuyển dạ phổ biến là gì?

Nội dung

Khi mang thai được 38 tuần, thai nhi đã gần đủ tháng và trưởng thành hoàn toàn. Ở thời điểm này, sản phụ có thể sinh con bất kỳ lúc nào.  Khi thai được 38 tuần, các dấu hiệu chuyển dạ có thể bắt đầu. Một số dấu hiệu chuyển dạ tuần 38 bao gồm:

1. Mất nút nhầy

Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy em bé sắp chào đời ở tuần thứ 38 là mất nút nhầy bịt kín cổ tử cung, còn được gọi là ra máu báo hoặc ra máu cá. Nút nhầy này có tác dụng ngăn cản các mầm bệnh xâm nhập vào tử cung. Chất bảo vệ này sẽ rụng khi cổ tử cung bắt đầu mỏng và mở ra để chuẩn bị cho việc sinh nở. Mặc dù một trong những triệu chứng mang thai tuần 38 là tăng tiết dịch âm đạo, nhưng nếu chất tiết ra nhiều hơn và đổi màu thì đó là dấu hiệu chuyển dạ. Lúc này, cơ thể sẽ tiết ra dịch nhầy dạng chuỗi hoặc đặc và có màu nâu, đôi khi còn có lẫn máu.

2. Bụng tụt, sa xuống thấp

Một trong những dấu hiệu chuyển dạ tuần 38 dễ thấy là bụng bầu tụt thấp xuống. Nguyên nhân là do thai nhi dịch chuyển xuống phía dưới trong khung xương chậu. Lúc này, nếu đầu của em bé đã xoay xuống dưới để chuẩn bị cho việc chào đời. Hiện tượng này có thể xảy ra một vài ngày hoặc thậm chí vài giờ trước khi sắp sinh thật, đặc biệt dễ nhận biết đối với trường hợp sinh con đầu lòng.

3. Thay đổi độ rộng cổ tử cung

Một trong những dấu hiệu chuyển dạ lớn nhất là những thay đổi ở cổ tử cung. Cổ tử cung bắt đầu từ 0 cm hoặc đóng hoàn toàn. Trong khi tử cung co lại trong quá trình chuyển dạ, cổ tử cung ngày càng mở ra nhiều hơn cho đến khi độ mở là 10 cm. Sự giãn nở và mở rộng cũng làm cho cổ tử cung mỏng đi. Trong các lần khám phụ khoa cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ khám vùng chậu để kiểm tra xem cổ tử cung của thai phụ đang giãn và nở ra đến mức nào.

4. Buồn nôn

Một dấu hiệu chuyển dạ tuần 38 khác mà phụ nữ mang thai có thể gặp phải là đột ngột buồn nôn như lúc ốm nghén. Đây không phải là một dấu hiệu chuyển dạ có thể đo lường được, nhưng nhiều phụ nữ cho biết họ cảm thấy buồn nôn ngay trước khi bắt đầu chuyển dạ.

5. Tiêu chảy

Khi mang thai những tháng cuối cùng, phụ nữ thường hay bị táo bón. Tuy nhiên, nếu bị tiêu chảy ở tuần thai thứ 38, đó là dấu hiệu cho thấy hormone đang thay đổi. Quá trình chuyển dạ có thể sắp xảy ra, mẹ bầu cần chuẩn bị tinh thần chào đón con ra đời.

6. Các cơn co thắt ngày càng mạnh và liên tục

Khi mang thai được 38 tuần, các cơn co thắt có thể là một phần bình thường trong ngày của thai phụ. Tuy nhiên, nếu sự thắt chặt và làm mềm các cơ tử cung diễn ra đều đặn, thường xuyên và ngày càng phát triển về cường độ thì đây là dấu hiệu chuyển dạ tuần 38. Các cơn đau này dữ dội hơn, khoảng cách giữa các lần đau ngắn hơn và không hề biến mất kể cả khi mẹ bầu nằm xuống hay thay đổi tư thế. Điều này báo hiệu thai phụ đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ. Nếu những cơn đau này kéo dài hơn 30 giây trong liên tục hơn 2 giờ, mỗi lần đau cách nhau khoảng 5 phút, thì rất có thể sản phụ đang chuyển dạ.

Để phân biệt với triệu chứng đau thắt bình thường khi mang thai tuần 38, cần chú ý sự khác biệt sau:

  • Cơn gò Braxton Hicks: Có xu hướng thất thường hơn và cơn co thắt có thể kết thúc khi thay đổi tư thế.
  • Các cơn co thắt chuyển dạ thực sự: Trở nên dữ dội dần dần và diễn ra đều đặn, có thể đo lường được, không hề biến mất khi thay đổi tư thế.

7. Đau lưng, chuột rút thắt lưng

Khi mang thai được 38 tuần, phụ nữ thường cảm nhận được những cơn đau lưng nhẹ. Tuy nhiên, khi những cơn đau lưng và chuột rút thắt lưng trở nên dữ dội và đột ngột, đây là một dấu hiệu chuyển dạ tuần 38. Nguyên nhân là vì các cơ và khớp đang bắt đầu thay đổi và căng ra để chuẩn bị cho việc đón em bé chào đời.

8. Vỡ nước ối – Dấu hiệu chắc chắn của việc chuyển dạ

Nếu phụ nữ mang thai tuần thứ 38 cảm thấy phía dưới đang rỉ nước hoặc đáy quần lót bị ướt dù không phải do mắc vệ sinh, điều đó rất có thể là do túi ối đã bị vỡ và nước ối đang chảy ra. Đây là một dấu hiệu chính xác cảnh báo quá trình chuyển dạ sẽ diễn ra khá sớm ngay sau đó. Vì vậy, khi bị vỡ nước ối, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay để tránh tình trạng cạn ối và sẵn sàng cho quá trình sinh nở. Nếu sản phụ không chuyển dạ sớm sau khi vỡ nước ối, bác sĩ có thể phải gây chuyển dạ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng cho người mẹ và bảo vệ tính mạng cho em bé.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top