✴️ Những giải pháp thay thế cho việc dùng thuốc để giảm đau sau sinh mổ

1. Giải pháp thay thế cho việc dùng thuốc để giảm đau sau sinh mổ

Nhờ vào tác dụng của thuốc gây mê, gây tê nên trong quá trình sinh mổ, sản phụ sẽ không thấy đau. Tuy nhiên, khi thuốc gây mê, gây tê đã hết tác dụng thì những cơn đau sẽ quay trở lại. Tùy vào cơ địa mỗi người, thời gian phục hồi sẽ khác nhau. 

Để giảm đau, không nhất thiết phải sử dụng thuốc kháng sinh, bạn có thể áp dụng một số cách như sau: 

Nghỉ ngơi hợp lý, khoa học

Sau khi “vượt cạn”, dù sinh thường hay sinh mổ, người mẹ cũng đã bị hao tổn nhiều sức khỏe vì thế họ cần được nghỉ ngơi thật nhiều để nhanh chóng lấy lại sức. Đây cũng là cách giúp giảm đau tự nhiên rất hiệu quả. 24 giờ đầu tiên sau khi sinh, sản phụ chỉ nên nằm nghỉ, thư giãn, không nên vận động vì nếu vận động sẽ ảnh hưởng đến cơ bụng và gây đau. 

Mẹ nên hít thở sâu và tránh gồng cơ bụng dưới. Nên tập đi tiểu để tránh tình trạng bí tiểu sau sinh và cũng để giảm áp lực ở bàng quang. Nếu bàng quang đầy thì có thể làm tăng nguy cơ co thắt tử cung và làm tăng mức độ đau cho bệnh nhân. 

Nên ăn sau khi đã “xì hơi” được

Trong vòng 6 giờ sau sinh mổ, mẹ chỉ nên uống nước hoặc ăn cháo loãng để dễ tiêu hóa. Đến khi cơ thể bắt đầu xảy ra tình trạng “xì hơi”, mới bắt đầu ăn đa dạng hơn nhưng không được ăn quá no vì lúc này dạ dày hoạt động còn rất yếu có thể gây ra tình trạng khó tiêu, táo bón và gây đau. Chính vì lý do này, ăn uống hợp lý, đúng cách, chỉ nên ăn khi đã đánh hơi được cũng là cách giảm đau rất hiệu quả. 

Vận động sớm

Việc nghỉ ngơi có thể giúp giảm đau. Nhưng vận động sớm cũng có tác dụng giảm đau cho cơ thể sản phụ. Điều này được các chuyên gia giải thích như sau: Vận động sớm sau sinh giúp cơ thể người mẹ được lưu thông khí huyết và cũng là phương pháp hạn chế tình trạng hình thành máu đông và giúp giảm đau hiệu quả. Một số bài tập nhẹ nhàng có thể kể đến như tập ngồi, tập đi nhẹ nhàng hoặc chỉ là động tác buông 2 chân xuống giường. 

2. Phương pháp chăm sóc sản phụ sau mổ

Sau mổ, sản phụ cần được chăm sóc chu đáo, cẩn thận để nhanh hồi phục sức khỏe và phòng tránh biến chứng, nguy cơ rủi ro về sức khỏe. 

Đối với vết mổ

Trong thời gian đầu sau mổ, việc chăm sóc vết mổ rất quan trọng vì lúc này vết mổ chưa lành và nếu không cẩn thận, bạn có thể gây nhiễm trùng vết mổ, để lại những hậu quả vô cùng nguy hiểm. 

Khi vết mổ đã khô, bạn vẫn nên cẩn thận, giữ gìn vết mổ luôn sạch sẽ và khô ráo, có thể tắm nhưng không được ngâm mình trong bồn tắm, mỗi ngày cần vệ sinh vết mổ. Không nên nghe truyền miệng, bôi kháng sinh hoặc một số loại lá như trầu không, đắp tỏi lên vết mổ. 

Phương pháp chăm sóc sản phụ sau mổ

Về chế độ dinh dưỡng

Những giờ đầu, bệnh nhân nên uống nước hoặc ăn cháo loãng. Nếu đã đánh hơi được, người nhà cần bổ sung cho bệnh nhân một số thực phẩm giàu dinh dưỡng như thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin, nhiều đạm,… Tuy nhiên, sản phụ không nên ăn quá no và cần tránh những loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao chẳng hạn như các loại hải sản. Nên tránh ăn rau muống, thịt gà, lòng trắng trứng,… để làm giảm nguy cơ sẹo lồi. 

Cho con bú

Việc cho con bú không chỉ giúp gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng mà còn là một việc rất quan trọng để giúp bé tăng cường sức hễ miễn dịch cho trẻ và giúp tử cung của sản phụ nhanh chóng được hồi phục. Vì thế, bạn nên cho con bú càng sớm càng tốt. 

Những bất thường không được chủ quan sau mổ

Sau sinh mổ, nếu cơ thể gặp phải những vấn đề sau, chị em cần được đi thăm khám càng sớm càng tốt, tránh chủ quan để xảy ra những biến chứng nguy hiểm: 

Sốt: Tình trạng sốt sau mổ có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như mặc quá ấm gây nóng, cương vú sữa, bị thiếu nước,… nguy hiểm hơn là sốt do nhiễm trùng vết mổ. Vì thế, cần đưa sản phụ đến các cơ sở y tế nếu xảy ra tình trạng sốt. 

Sản dịch: Sản dịch thường sẽ được đẩy qua đường âm đạo cho dù bạn sinh thường hay sinh mổ. Trong những ngày đầu, sản dịch có thể màu đỏ và sau đó lượng sản dịch sẽ giảm dần và chuyển sang màu nâu, hoặc không màu. Chị em cần quan sát nếu sản dịch có màu bất thường hoặc có mùi hôi thì cần phải báo với bác sĩ ngay lập tức. Nếu là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng hậu sản, băng huyết thì sẽ rất nguy hiểm. 

Vết mổ sưng đỏ hoặc tiết dịch, chảy mủ: Bình thường, vết mổ sẽ ngày càng khô, nhưng nếu vết mổ có biểu hiện tiết dịch hoặc sưng đỏ thì rất có thể sản phụ đã bị nhiễm trùng vết mổ. Khi phát hiện tình trạng này cần phải báo với bác sĩ càng sớm càng tốt. 

Sau khi sinh, các bà mẹ cũng có rất nhiều thay đổi về cảm xúc, tâm lý thay đổi thất thường, dễ suy nghĩ tiêu cực. Chính vì thế, họ luôn cần sự động viên, an ủi từ những người thân trong gia đình. Chị em cùng nên chủ động chia sẻ những vấn đề của mình để được giải tỏa căng thẳng và hướng đến những suy nghĩ tích cực hơn. 

Hi vọng những thông tin về giải pháp thay thế cho việc dùng thuốc để giảm đau sau sinh mổ sẽ giúp các sản phụ biết cách chăm sóc tốt hơn cho bản thân, phòng tránh được những rủi ro về sức khỏe. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top