✴️ Phụ nữ mang thai có thể hiến máu không?

Nội dung

Vì sao thai phụ không nên hiến máu?

Thiếu máu thường xảy ra trong thai kỳ, trong đó dạng thiếu máu thiếu sắt là phổ biến nhất. Trong một báo cáo năm 2015 tại Hoa Kỳ, người ta ghi nhận có tới 52% thai phụ khắp thế giới bị thiếu hụt sắt vi lượng.

Thiếu máu xảy ra khi cơ thể không tạo đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh hoặc chúng không hoạt động hiệu quả, và điều này có thể do cơ thể không có đủ lượng sắt. Trong khi đó, thai phụ có một nhu cầu sắt cao hơn bình thường để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Trong thai kỳ, trung bình người phụ nữ cần bổ sung thêm 350 - 500mg để ngăn ngừa thiếu hụt.

Hiến máu có thể làm tăng nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt. Một tổ chức từ thiện dành cho các thai phụ ở Anh lưu ý rằng, mặc dù nguy cơ thấp nhưng thiếu máu thiếu sắt nếu không điều trị có thể dẫn đến:

  • Sinh non;
  • Em bé nhẹ cân;
  • Nhau thai bong non. Đó là tình trạng nhau thai sớm tách ra khỏi thành tử cung.

Vậy khi nào bà bầu có thể hiến máu?

Tổ chức Chữ thập đỏ của Mỹ nói rằng thai phụ phải đợi ít nhất 06 tuần sau khi sinh con mới đủ điều kiện hiến máu. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo không nên hiến máu khi cho con bú. Các chuyên gia của tổ chức này khuyến nghị nên đợi ít nhất 09 tháng sau khi thai kỳ kết thúc hoặc 03 tháng sau khi trẻ gần như cai sữa mẹ mới được bú mẹ. Điều này dựa vào chất dinh dưỡng trong sữa mẹ để trẻ tăng trưởng.

Hiến máu cuống rốn

Ngay sau khi sinh, người phụ nữ có thể hiến máu còn trong dây rốn và nhau thai. Nguồn cung cấp máu này đặc biệt vì nó chứa các tế bào gốc, có thể đóng một vai trò trong các phương pháp điều trị một số bệnh lý đặc biệt như:

  • Bệnh bạch cầu (leukemia);
  • Ung thư hạch (lymphoma);
  • Suy tủy xương;
  • Bệnh hồng cầu hình liềm;
  • Rối loạn suy giảm miễn dịch.

Các trung tâm hiến máu có xét nghiệm có thai không?

Không, trung tâm hiến máu sẽ không thử xem bạn có thai hay không.

Nhân viên trung tâm sẽ hỏi người hiến về tiền sử bệnh của họ, những chuyến đi du lịch gần đây và liệu có đang uống bất kỳ loại thuốc nào hay không. Họ cũng đo các dấu hiệu quan trọng cơ bản, chẳng hạn như mạch, huyết áp và nhiệt độ, đồng thời thực hiện xét nghiệm để kiểm tra nồng độ hemoglobin trong máu.

mang thai có nên hiến máu

Tổn thương phổi cấp tính liên quan đến truyền máu

Mặc dù các trung tâm hiến máu không thử thai người hiến nhưng họ có thể hỏi người phụ nữ hiến máu đã mang thai bao nhiêu lần. Mục đích là để kiểm tra nguy cơ chấn thương phổi cấp liên quan đến truyền máu (TRALI), một biến chứng có thể phát triển ở một người đã được truyền máu.

Theo Hội Chữ Thập Đỏ, mặc dù TRALI hiếm gặp, nhưng đây là một trong những nguyên nhân tử vong phổ biến nhất liên quan đến truyền máu. Huyết tương và tiểu cầu gây ra TRALI chứa các kháng thể đối với kháng nguyên bạch cầu của con người.

Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ tiếp xúc với máu của thai nhi và do đó có thể phát triển các kháng thể này. Điều quan trọng cần lưu ý là những kháng thể này không ảnh hưởng đến người phụ nữ, nhưng chúng có thể gây hại cho người nhận máu của cô ấy sau này.

Không phải tất cả phụ nữ đã từng mang thai đều phát triển kháng thể bạch cầu ở người. Một trung tâm hiến máu có thể xét nghiệm máu của một phụ nữ hiến máu. Thử nghiệm này sẽ được lặp lại nếu số lượng thai đã thay đổi.

Nếu kết quả xét nghiệm kháng thể bạch cầu người âm tính, người phụ nữ có thể tiếp tục hiến huyết tương và tiểu cầu trong tương lai.

Tổng kết

Phụ nữ mang thai không đủ điều kiện để hiến máu. Cơ thể người mẹ cần máu và chất sắt để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Hiến máu khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ biến chứng như thiếu máu và ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

Hội Chữ thập đỏ Mỹ nói rằng người phụ nữ phải đợi ít nhất 06 tuần sau khi sinh con để có thể hiến máu. Tuy nhiên, các cơ quan y tế khác khuyến cáo nên đợi lâu hơn, sau khi trẻ đã được cai sữa mẹ. Thay vào đó, ngay sau khi sinh, một phụ nữ có thể hiến máu từ dây rốn và nhau thai vì chúng có chứa tế bào gốc.

Bác sĩ có thể tư vấn cho mỗi phụ nữ về thời điểm thích hợp để tiếp tục hiến máu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top