✴️ Phục hồi sau sinh

Giai đoạn phục hồi sau sinh thường được tính là 6 tuần đầu tiên sau khi sinh. Nhưng một số người cho rằng giai đoạn này có thể kéo dài cho tới 6 tháng hoặc thậm chí là một năm sau sinh.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phục hồi sau sinh và trải nghiệm của mỗi người là khác nhau. Một số yếu tố có thể kể đến như bạn đã từng sinh con trước đây chưa và gần đây bạn có sinh đa thai không, sinh thường hay sinh mổ.

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu các mốc thời gian điển hình của quá trình phục hồi sau sinh, cũng như các biện pháp chăm sóc bản thân và lời khuyên cho việc chăm sóc cho sản phụ.

Tuần đầu tiên sau sinh

Dịch tiết âm đạo xuất hiện sau khi sinh con được gọi là sản dịch, bao gồm máu và màng nhầy lót bên trong tử cung khi mang thai.

Cho dù sinh ngả âm đạo hay sinh mổ, bạn đều tiết sản dịch. Tránh sử dụng băng vệ sinh dạng cuộn (tampon) trong tối đa 6 tuần sau sinh vì chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Những cơn đau sau sinh cũng xảy ra đối với bất kỳ hình thức sinh nào. Những cơn đau này là do tử cung co lại về kích thước bình thường trước khi mang thai. Ngay sau khi sinh, tử cung tròn và cứng, nặng khoảng 1,13 kg nhưng sẽ co lại còn khoảng 60 gam trong vòng 6 tuần sau sinh.

Sữa mẹ sẽ về vài ngày sau khi sinh. Vú có thể căng, mềm hoặc khó chịu tùy thuộc vào lượng sữa.

Sức khỏe tinh thần

Lượng estrogen giảm mạnh sau khi sinh dẫn tới tình trạng “baby blues” hay nỗi buồn khi có bé. Cảm giác buồn bã, dễ cáu gắt hay lo âu ảnh hưởng đến 80% phụ nữ sau sinh.

Ở một số người, cảm giác này sẽ hết trong vài ngày và có thể biến mất hoàn toàn trong 2 tuần. Nếu không, tốt nhất hãy đi khám bác sĩ chuyên gia.

Sinh thường

Trong khi sinh, vùng giữa hậu môn và âm hộ - tầng sinh môn – có thể bị rách hoặc do bác sĩ tạo đường cắt. Trong trường hợp như vậy, bạn có thể thấy đau ở vùng này trong quá trình hồi phục sau sinh.

Một số sản phụ có thể thấy đau nhức toàn thân và có thể sẽ hết trong vài ngày nhưng cơn đau tầng sinh môn có thể kéo dài lâu hơn.

Việc tiểu tiện cũng có thể đau sau sinh. Thay vì dùng giấy vệ sinh để lau, hãy thử rửa vùng này bằng nước ấm.

Sinh mổ

Thời gian nằm viện trung bình sau sinh mổ là khoảng 3-5 ngày. Một vài người phụ nữ có thể sẽ cảm thấy đau khá nhiều sau khi sanh mổ.

Trong thời gian hồi phục, điều quan trọng là phải ra khỏi giường và đi lại để ngăn hình thành huyết khối.

Tuần thứ 2 sau sinh

Trong giai đoạn cho con bú sớm, vú bị đau là tình trạng thường gặp. Bạn cũng sẽ vẫn còn tiết sản dịch nhưng lượng dịch và màu sắc sẽ ít và nhạt hơn tuần trước đó.

Sức khỏe tinh thần

Nhiều phụ nữ có cảm giác buồn bã, lo âu và thay đổi tâm trạng ở tuần này hoặc sau khi sinh. Những cảm xúc này đôi khi còn được gọi là “baby blues” và có xu hướng biến mất trong 2 tuần.

Nếu có bất kỳ triệu chứng về tâm thần nào kéo dài hơn 2 tuần, hãy đến khám bác sĩ vì vấn đề này có thể là bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như trầm cảm sau sinh.

Sinh thường

Âm đạo có thể vẫn còn khó chịu vì vùng này vẫn đang trong quá trình lành thương. Nếu có khâu tầng sinh môn trong khi sinh, những vết khâu này có thể sưng tấy lên.

Sinh mổ

Vết mổ có thể bắt đầu ngứa nhưng tránh chạm vào vết mổ để phòng ngừa nhiễm trùng và giúp nhanh lành thương.

Bác sĩ có thể tư vấn đưa lời khuyên về việc chăm sóc vết mổ và làm giảm sưng tấy.

6 tuần sau sinh

Trong vòng 6 tuần sau sinh, tử cung đã trở lại kích thước trước khi mang thai. Bác sĩ khuyến nghị bạn có thể quan hệ tình dục trở lại. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ cảm thấy chưa sẵn sàng ngay và điều này là hoàn toàn bình thường.

Kinh nguyệt của bạn có thể có lại trong khoảng thời gian này và không có lý do gì phải lo lắng nếu không có kinh nguyệt (nhất là trong khi bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ).

Sức khỏe tinh thần

Về sức khỏe tinh thần và cảm xúc, bạn có thể cảm thấy bình thường trở lại hoặc gần như bình thường vào thời điểm này.

Tuy nhiên, cần lưu ý là trầm cảm sau sinh vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên sau sinh.

Nếu bạn nghĩ bạn có thể bị trầm cảm sau sinh hoặc lo âu sau sinh, bạn nên đến khám bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt.

Sinh thường

Vào thời điểm này, bạn có thể thấy bớt đau và dễ chịu hơn nhưng vùng sinh dục vẫn còn cảm giác đau. Điều này là bình thường nhưng hãy đến khám bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi nào.

Sinh mổ

Bạn không nên nâng vác vật nặng ở những tuần đầu tiên sau sinh. Đến tuần thứ 6, bác sĩ có thể cho phép bạn mang vác nặng trở lại.

Các mẹo và biện pháp chăm sóc bản thân

Để giúp kiểm soát cơn đau, cảm giác nhạy cảm sau sinh, hãy thử:

  • Miếng lót băng vệ sinh: Loại này giúp làm diu âm đạo và phần đáy chậu (vùng giữa hậu môn và bộ phận sinh dục). Để làm ra miếng lót này, hãy bôi tinh chất nha đam và cây phỉ vào miếng băng vệ sinh cho sản phụ và giữ chúng trong tủ đá;
  • Tắm ngồi (tắm Sitz): Nghỉ ngơi trong bồn tắm nông có thể giúp vùng đáy chậu dễ chịu hơn;
  • Bình xịt: Xịt nước ấm lên bộ phận sinh dục có thể là một cách nhẹ nhàng hơn để giữ vệ sinh nếu so với việc dùng giấy vệ sinh;
  • Miếng dán tạo nhiệt: Dán một miếng dán lên phần bụng có thể giúp giảm các cơn đau sau sinh;
  • Vắt sữa: Bạn có thể giảm đau do căng sữa bằng cách vắt sữa.

Trong quá trình phục hồi sau sinh, cũng cần phải nghỉ ngơi khi có thể và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bản thân.

Người thân có thể giúp gì cho bạn?

Để hỗ trợ người mẹ trong quá trình hồi phục sau sinh, bạn có thể:

  • Cung cấp bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng;
  • Đảm bảo rằng môi trường sống luôn an toàn và sạch sẽ;
  • Làm các công việc nhà, đặc biệt như việc đi chợ;
  • Đảm bảo rằng người mẹ có đủ các loại thuốc và thực phẩm bổ sung mà cô ấy cần;
  • Chăm sóc những người còn lại trong gia đình, như đưa trẻ đến trường;
  • Hỗ trợ tinh thần;
  • Kiểm tra bất kỳ dấu hiện trầm cảm sau sinh nào và giúp người mẹ nhận được sự hỗ trợ.

Tóm lại, cách tốt nhất là hỏi thăm người mẹ cần gì. Mục đích là giúp việc phục hồi về thể chất lẫn tinh thần của người mẹ suôn sẻ nhất có thể.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Hãy đến khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Đau đầu dữ dội, thay đổi thị giác hoặc nôn mửa;
  • Sốt cao trên 100.4oF (38oC);
  • Chảy máu âm đạo nhiều hoặc dịch tiết âm đạo có mùi hôi;
  • Mủ hoặc dịch có mùi hôi tiết ra từ vết thương, như ở vết mổ lấy thai hoặc vết rách tầng sinh môn;
  • Đau, sưng hoặc đỏ ở cơ bắp chân ;
  • Đau ngực hoặc khó thở.

Bất kỳ triệu chứng nào ở trên đều có thể cho thấy một vấn đề sức khỏe cần được chú ý ngay lập tức, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc huyết khối.

Ngoài ra, bạn nên đến khám bác sĩ ngay khi gặp phải các biểu hiện sau:

  • Lo lắng sau sinh;
  • Trầm cảm sau sinh;
  • Có ý nghĩ tự tử.

Tổng kết

Cơ thể trải qua nhiều thay đổi trong thai kỳ. Sau khi sinh, càng có nhiều thay đổi diễn ra nhanh chóng.

Điều quan trọng là cần phải nghỉ ngơi và tập trung cho việc lành thương, cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top