✴️ Suy dinh dưỡng bào thai: Tổng quan và hướng xử trí

Trong suốt thời kỳ mang thai, nếu bà mẹ ăn uống không đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý hoặc bị đau ốm bệnh tật sẽ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng bào thai dẫn đến việc những đứa trẻ sinh ra nhẹ cân, chiều dài kém hơn bình thường, gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ.

Suy dinh dưỡng bào thai là gì?

Suy dinh dưỡng bào thai (SDDBT) là thể suy dinh dưỡng thể hiện sớm nhất. Trẻ sinh ra bị nhẹ cân nếu đủ tháng (< 2,5kg). Suy dinh dưỡng xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ làm cho bộ não chậm phát triển sau này trẻ sẽ kém thông minh, mối quan hệ giữa suy dinh dưỡng bào thai với các bệnh mạn tính như: tim mạch ; bệnh chuyển hoá; bệnh máu; các dị tật bẩm sinh.

Suy dinh dưỡng bào thai được chia thành 3 mức độ:

  • Mức độ nhẹ: Trẻ có chiều dài bình thường, chỉ có cân nặng ít hơn những thai nhi có tuổi thai tương ứng.
  • Mức độ trung bình: Cân nặng và chiều dài của trẻ thấp hơn chỉ số bình thường, tuy nhiên vòng đầu vẫn bình thường.
  • Mức độ nặng: Vòng đầu, cân nặng và chiều dài của trẻ đều thấp hơn mức bình thường.

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai

Có 4 yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của bào thai, tác động đến sức khỏe sau này của đứa trẻ. Đó là:

Tuổi tác của người mẹ

Cơ thể của người phụ nữ từ 30 tuổi trở đi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa và già cỗi. Người mẹ sẽ không cung cấp cho thai nhi đầy đủ dinh dưỡng như khi còn trẻ. Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích phụ nữ nên sinh con trong giai đoạn từ 25 tuổi đến 30 tuổi.

Tuổi của người mẹ không những ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ mà còn có có nguy cơ cao sinh ra những đứa trẻ không bình thường, bị dị tật bẩm sinh, điển hình là hội chứng down, tim bẩm sinh, hở hàm ếch, sứt môi… Vì vậy, sinh con muộn sẽ không an toàn và phụ nữ cần hạn chế điều này.

Sức khỏe của người mẹ

Sức khỏe của mẹ có vai trò quan trọng, quyết định đến sức khỏe của con. Một người mẹ khỏe mạnh thường sẽ đẻ ra những đứa con khỏe mạnh và ngược lại.

Nếu trong thời gian mang thai, nếu người mẹ bị cúm, sốt phát ban hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp thì sẽ dễ đẻ ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh. Vì vậy, nếu mẹ đang có bệnh mãn tính như sốt rét, viêm gan, thấp tim, phù thận thì hãy chữa khỏi bệnh rồi mới mang thai để có thể sinh ra đứa con khỏe mạnh nhất.

Đặc biệt, có những bệnh lây truyền từ mẹ sang con như giang mai, AIDS nên mẹ cần phải khám sức khỏe trước khi mang thai. Nếu thật sự an toàn sức khỏe thì hãy sinh con để đứa bé có một cuộc đời khỏe mạnh và an vui.

Dinh dưỡng của người mẹ

Dinh dưỡng trong cơ thể của mẹ theo máu qua nhau thai đến nuôi dưỡng thai nhi. Vì vậy mà chế độ dinh dưỡng khi mang thai không phải chỉ cần số lượng, mà còn phải đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Vì vậy, mẹ cần ăn đầy đủ các chất bột, chất đạm, bao gồm thịt, trứng, đậu, tôm, cá… Những chất này sẽ xây dựng các tổ chức cơ quan cho trẻ như hệ thống não thần kinh trung ương, tim, gan, phổi, bộ máy tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn và tiết niệu…

Ngoài ra, mẹ bầu nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, vì trong đó sẽ có nhiều chất khoáng như sắt, đồng, kẽm, canxi, photpho cũng như các loại vitamin. Nếu thiếu những thứ này sẽ dễ bị thiếu máu, còi xương, mù lòa do thiếu vitamin A…

Nhau thai phát triển kém

Nhau thai là vật trung gian giúp truyền tải dinh dưỡng, oxy và máu từ mẹ đi nuôi thai nhi. Bên cạnh đó, nhau thai còn có chức năng kiểm soát vận chuyển hormone đến bào thai. Nếu bánh nhau bị nhỏ sẽ khiến cho các sản phẩm chuyển hóa ít đi, thai nhi không được cung cấp đủ nguồn sống cần thiết, dẫn đến tình trạng còi cọc, kém phát triển.

Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều mẹ bầu dù ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cân nhiều trong thai kỳ nhưng lại sinh ra một em bé suy dinh dưỡng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Bổ sung canxi sớm

Nhiều mẹ bầu cho rằng cần bổ sung canxi sớm để giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi. Tuy nhiên điều này lại không hề tốt. Việc bổ sung canxi quá sớm sẽ gây thừa canxi do giai đoạn đầu bé không hấp thu hết được lượng canxi ấy. 

Canxi sẽ lắng đọng ở bánh rau, khiến chất lượng rau thai giảm, sự trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi vì thế mà giảm sút. Bào thai không tiếp nhận được đủ dưỡng chất để phát triển, dẫn đến còi cọc, suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai

Điều kiện lao động của mẹ khi mang thai

Bình thường chúng ta lao động đã phải tiêu hao năng lượng, lao động càng nặng thì tiêu hao năng lượng càng nhiều. Khi có thai, ngoài năng lượng tiêu hao do lao động, người mẹ còn phải dành một phần đáng kể năng lượng cho phát triển thai nhi và dự trữ để sinh sữa cho con bú sau này. 

Vì thế, mẹ làm việc vất vả trong thời gian mang thai, mẹ sẽ không có đủ năng lượng để giúp thai nhi lớn lên và mẹ cũng có nhiều nguy cơ ít sữa, mất sữa sớm. Nếu đã mang thai, mẹ nên giảm bớt những việc làm nặng nhọc, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Chỉ khi mẹ khỏe mạnh thì thai nhi mới khỏe.

Nhận biết trẻ suy dinh dưỡng bào thai

Mẹ có thể phát hiện sớm thai nhi bị suy dinh dưỡng qua các kỳ khám thai. Dựa vào các thông số như chiều cao tử cung, vòng bụng, các bác sĩ có thể chẩn đoán kích thước vòng bụng có tương xứng với tuổi thai hay không để xác định kích thước thai nhi. 

Bên cạnh đó, qua mức độ tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai, mẹ cũng có thể nhận biết thai nhi có bị suy dinh dưỡng hay không. Thông thường, thai phụ tăng từ 10 – 12kg. Nếu trong suốt quá trình mang thai, người mẹ chỉ tăng dưới 6 kg thì rất có thể thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng.

Và dấu hiệu muộn nhất là khi trẻ ra đời, dù đủ tháng nhưng cân nặng của trẻ dưới 2500g, điều này có nghĩa là trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai.

Suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không?

Suy dinh dưỡng bào thai không chỉ khiến bé còi cọc khi ở trong bụng mẹ mà nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sau này của trẻ. 

Chậm phát triển

Khi bị suy dinh dưỡng bào thai, thai nhi sinh ra sẽ thấp còi, chiều cao, cân nặng phát triển kém, ảnh hưởng đến não bộ, gan, thận… và hầu hết tất cả các bộ phận của cơ thể. Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai có nguy cơ cao não chậm phát triển và trẻ không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác. Mẹ hãy cố gắng cho bé bú sữa mẹ trong 2 năm đầu đời.

Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn

Thông thường, những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ thiếu hụt các vitamin như vitamin A, C… Những vitamin này đặc biệt quan trọng với hệ miễn dịch. Nếu thiếu, hệ miễn dịch của bé sẽ suy giảm và dễ bị tấn công bởi virus, vi khuẩn gây bệnh. Trẻ bị suy dinh dưỡng khi còn là bào thai dễ bị các bệnh như tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp…

Dễ bị hạ đường huyết

Trẻ suy dinh dưỡng dễ bị hạ đường huyết hơn những đứa trẻ bình thường khác. Biểu hiện của hạ đường huyết ở trẻ là trẻ rên nhẹ. run rẩy, khóc thét lên, co giật, ngưng thở, tím tái… Hãy cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt.

Trẻ dễ bị hạ thân nhiệt

Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai khi sinh ra rất nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài. Nếu không ủ ấm cho bé, thân nhiệt của bé có thể giảm mạnh, dẫn đến những hậu quả khó lường. Mẹ nên mặc đủ ấm cho con, đeo tất chân, găng tay và đảm bảo phòng đủ ấm, không quá lạnh.

Lưu ý chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai

Với những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ có tầm quan trọng đặc biệt. Mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cần ủ ấm cho trẻ thường xuyên, tốt nhất hãy để bé nằm cạnh mẹ ngay sau khi sinh
  • Tắm rửa bằng nước ấm sạch, thay băng rốn hàng ngày
  • Cho trẻ bú mẹ sớm, trong nửa giờ đầu sau khi sinh. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đờivà hãy cho trẻ bú nhiều lần (kể cả ban đêm) hơn những trẻ có cân nặng bình thường khác
  • Theo dõi sát sao để phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu trẻ bị hạ thân nhiệt hay hạ đường máu, hạ canxi máu
  • Chỉ cho ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi , phải đảm bảo khẩu phần của trẻ có đủ dinh dưỡng cả về lượng và chất. Nên chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D… để giúp trẻ phát triển chiều cao, phòng ngừa suy dinh dưỡng thấp còi sau này.
  • Cho trẻ uống vitamin A, vitamin D và tiêm vắc-xin đầy đủ theo quy định của y tế
  • Ngoài chế độ ăn nên bổ sung các vi chất dinh dưỡng như: kẽm, canxi, vitamin D, A… dưới dạng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để giúp trẻ phát triển chiều cao, cân nặng và cả trí tuệ.

Nếu chẳng may con bị suy dinh dưỡng bào thai, mẹ hãy áp dụng những biện pháp trên đây để giúp con phát triển tốt hơn sau khi sinh ra. Tốt nhất, hãy đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để bé có thể phát triển toàn diện ngay từ khi còn là bào thai bởi giai đoạn này đặc biệt quan trọng.

Xem thêm: Thai chậm phát triển - Tổng quan và cách xử trí

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top