✴️ Tổng quan về ứ mật thai kỳ

Nội dung

Cholestosis thai kỳ còn được gọi là ứ mật trong thai kỳ xảy ra khi gan không thể bài tiết mật đúng cách. Điều này có thể gây ngứa dữ dội đặc biệt là ở tay và chân thường xảy ra muộn trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc trong ba tháng cuối của thai kỳ.

Tình trạng này thường không gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe lâu dài của người mẹ, nhưng nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho trẻ

Triệu chứng của ứ mật thai kỳ

Các dấu hiệu và triệu chứng sau đây có thể xuất hiện trong các trường hợp ứ mật của thai kỳ:

  • Ngứa dữ dội, nhất là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, tăng mức độ đặc biệt về đêm

  • Nước tiểu sậm màu.

  • Phân bạc màu.

  • Tròng trắng mắt, da và lưỡi có màu vàng

Nếu có bất kì triệu chứng nào ở trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị, tránh biến chứng cho thai nhi.

Nguyên nhân nào gây ra ứ mật thai kỳ

Mật là một chất dịch màu vàng xanh giúp tiêu hóa chất béo chủ yếu bao gồm cholesterol, muối mật và sắc tố bilirubin. Mật được sản xuất bởi gan và được lưu trữ trong túi mật. Từ túi mật đi qua ống mật chung vào tá tràng.

Đôi khi, tắc nghẽn bên ngoài gan ngăn không cho mật rời khỏi gan dẫn đến một tình trạng được gọi là ứ mật ngoài gan. Ứ mật trong gan xảy ra khi có vấn đề với quá trình tiết mật khỏi gan. Đây là loại ứ mật thường xảy ra trong thai kỳ.

Hormone thai kỳ và đặc biệt là estrogen bổ sung có thể ảnh hưởng đến việc hoạt động quá mức của túi mật và gan.

     ứ mật thai kỳ

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ứ mật của thai phụ bao gồm:

  • Có người thân bị ứ mật thai kỳ

  • Đã bị ứ mật trước khi mang thai, vì nguy cơ tái phát trong những lần mang thai là từ 45-90%

  • Đa thai.

  • Tiền sử tổn thương gan

  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Biến chứng của ứ mật thai kỳ là gì?

Người mẹ có thể có một số vấn đề với việc hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K. Tuy nhiên, sau khi sinh vài ngày, các vấn đề sẽ trở lại bình thường và không có thêm bất kỳ vấn đề về gan.

Đối với thai nhi có nguy cơ sinh non cao hơn đáng kể nếu người mẹ bị ứ mật khi mang thai mặc dù lý do vẫn còn chưa được nghiên cứu rõ ràng.

Trẻ sinh non có thể bị khó thở nếu phổi chưa phát triển đầy đủ dẫn đến nguy cơ tử vong thai nhi cũng cao hơn.

Trong thời kỳ mang thai, thai nhi phụ thuộc vào gan của người mẹ để loại bỏ axit mật ra khỏi máu. Nếu người mẹ có quá nhiều axit mật, điều này có thể truyền sang thai nhi. Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ hít phải phân su cao hơn dẫn đến khó thở.

Bác sĩ thường gây ra chuyển dạ sớm nếu người mẹ bị ứ mật trong thai kỳ, vì các biến chứng có thể nghiêm trọng cho em bé.

Nghiên cứu còn cho thấy ứ mật của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như béo phì và rối loạn tim mạch, khi trẻ đến tuổi trưởng thành.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chẳng hạn như xét nghiệm nước tiểu và màu phân kèm theo các triệu chứng khác như ngứa để đánh giá tình trạng sức khỏe chung.

Xét nghiệm máu để đánh giá chức năng hoạt động của gan, nồng độ mật trong máu cũng sẽ được tiến hành thực hiện kết hợp với  siêu âm có thể phát hiện những bất thường ở gan của thai phụ.

     chẩn đoán ứ mật thai kỳ

Điều trị

Trường hợp ứ mật nhẹ và xảy ra muộn trong thai kỳ có thể không cần phải điều trị. Mục đích của điều trị thông thường nhằm giảm các triệu chứng, chủ yếu là ngứa và để ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn.

Ngoài thuốc hỗ trợ điều trị, một số phương pháp có thể được sử dụng nhằm thuyên giảm các triệu chứng như:

  • Ngâm những vùng da bị ảnh hưởng trong nước ấm có thể giúp giảm đau tạm thời.

  • Thoa các khu vực bị ảnh hưởng bằng baking soda hoặc giấm táo kết hợp với bôi dầu dừa sau khi tắm.

  • Bệnh nhân bị ứ mật sẽ có lượng vitamin K thấp làm tăng nguy cơ xuất huyết, vì vậy người mẹ thường sẽ cần bổ sung Vitamin K trước và sau khi sinh.

Thay đổi chế độ ăn

Để giảm nguy cơ ứ mật và các vấn đề khác khi mang thai, cần  phải tuân theo chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả tươi.

Sử dụng sản phẩm hữu cơ ít bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu và các chất độc khác.

Tránh những điều sau đây:

  • Đường và thực phẩm tinh chế cao, chẳng hạn như bánh mì trắng và xi-rô

  • Sản phẩm làm từ đậu nành

  • Thịt đã qua chế biến

  • Sản phẩm sữa nhiều chất béo

  • Nên uống đủ nước mỗi ngày, và tránh đồ uống có cồn và nước có ga.

Uống rượu không gây ứ mật trong thai kỳ nhưng nên tránh uống rượu khi mang thai vì có thể dẫn đến một số biến chứng, bao gồm các bệnh gan khác.

Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về điều trị và chế độ ăn uống.

Ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn

  • Xét nghiệm máu sẽ theo dõi chức năng gan của bệnh nhân và nồng độ mật trong máu.

  • Siêu âm thường xuyên hơn để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

  • Thực hiện các bài kiểm tra tần suất thai nhi nhằm đánh giá nhịp tim của thai nhi liên quan đến chuyển động cơ thể người mẹ.

  • Chuyển dạ thường được can thiệp vào khoảng tuần 38 của thai kì. Nếu ứ mật nghiêm trọng, sự can thiệp này có thể được thực hiện sớm hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top