✴️ Xét nghiệm máu giúp kiểm tra những gì?

Các loại xét nghiệm máu

Công thức máu toàn phần

Công thức máu toàn phần (CBC) giúp kiểm tra nhiều thành phần của máu, chẳng hạn như:

  • Tế bào hồng cầu;

  • Tế bào bạch cầu;

  • Huyết sắc tố;

  • Tiểu cầu;

  • Thể tích tiểu thể trung bình (MCV) - kích thước trung bình của tế bào hồng cầu;

  • Hematocrit - lượng tế bào hồng cầu chiếm thể tích bao nhiêu trong máu.

Xét nghiệm công thức máu toàn phần có thể giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán các bệnh hoặc rối loạn về máu như thiếu máu, các vấn đề về đông máu, viêm nhiễm, nhiễm trùng hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch.

Xét nghiệm men trong máu

Xét nghiệm men trong máu đo mức độ của các enzym cụ thể trong cơ thể. Các enzyme này có nhiệm vụ giúp kiểm soát các phản ứng hóa học bên trong cơ thể.

Xét nghiệm máu bằng enzym có thể giúp xác định các vấn đề sức khỏe cụ thể ví dụ như các cơn đau tim. Nếu bác sĩ nghi ngờ một cơn đau tim, enzym troponin - loại enzym mà tim tiết ra khi bị tổn thương sẽ được chỉ định xét nghiệm để kiểm tra.

Xét nghiệm đông máu

Xét nghiệm đông máu được tiến hành kiểm tra nếu nghi ngờ có thể có tình trạng rối loạn đông máu.

Nếu một người đang dùng warfarin hoặc các loại thuốc làm loãng máu khác, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm đông máu như là một phần của việc theo dõi định kỳ.

Kiểm tra tình trạng rối loạn mỡ máu

Nếu muốn đánh giá nguy cơ phát triển bệnh tim mạch hoặc các vấn đề về xơ vữa động mạch sẽ cần thực hiện xét nghiệm kiểm tra tình trạng rối loạn mỡ máu trong đó có các chỉ số như:

  • Cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL);

  • Cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL);

  • Cholesterol total;

  • Triglycerides.

Thông thường, một người sẽ cần phải nhịn ăn trong 8 đến 12 giờ trước khi tiến hành xét nghiệm này.

Nếu kết quả cho thấy mức độ bất thường của các chỉ số trên, điều này có thể cho thấy người đó có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn.

xét nghiệm máu

Bảng chuyển hóa cơ bản

Bảng chuyển hóa cơ bản (BMP) đo mức độ của các chất khác nhau trong phần huyết tương của máu giúp đánh giá các tình trạng về xương, cơ và các cơ quan khác. Các thử nghiệm BMP cho biết các tình trạng như:

Mức canxi chưa được điều chỉnh: Mức canxi bất thường có thể cho thấy có tình trạng liên quan đến thận hoặc xương, ung thư, suy dinh dưỡng hoặc các bệnh khác.

Mức đường huyết: Mức đường huyết cao hơn bình thường có thể cho thấy một người mắc bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Thông thường xét nghiệm này cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm.

Thận: Sự hiện diện của các chất thải dư thừa trong máu như urê máu (BUN) và creatinine có thể cho thấy các vấn đề về thận.

Chất điện giải: Sự hiện diện của nồng độ chất điện giải bất thường có thể cho thấy vấn đề về mất nước, thận hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn khác.

Tại sao một số xét nghiệm yêu cầu nhịn ăn?

Những thực phẩm ăn vào sẽ ảnh hưởng đến mức độ của các thành phần cụ thể trong máu của một người. Ví dụ: mức đường trong máu sẽ tạm thời tăng sau khi ăn.

Thông thường, bệnh nhân sẽ cần nhịn ăn trong vài giờ trước khi xét nghiệm đường huyết. Các xét nghiệm cần nhịn ăn như kiểm tra tình trạng rối loạn mỡ máu khi đói. Vì vậy để có kết quả xét nghiệm chính xác, nên hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề nhịn ăn trước khi tiến hành lấy mẫu.

Đối tượng nào nên xét nghiệm máu định kỳ?

Các xét nghiệm máu định kỳ hằng năm giúp kiểm tra sự thay đổi của các chỉ số trong máu. Bác sĩ khám có thể tư vấn những xét nghiệm nào cần thực hiện hoặc để kiểm tra những vấn đề bạn đang cảm thấy lo lắng.

Những người dùng một số loại thuốc làm loãng máu có thể cần thực hiện xét nghiệm máu thường xuyên. Những yếu tố nguy cơ và tần suất thực hiện xét nghiệm sẽ do bác sĩ quyết định.

Thời gian trả kết quả có thể thay đổi tùy theo loại xét nghiệm mà một người đã thực hiện.

Tóm lược

Xét nghiệm máu thường là một phần của cuộc khám sức khỏe thông thường. Bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm máu nếu nghi ngờ một người có thể có các bệnh lý tiềm ẩn khác.

Đây là một kỹ thuật ít xâm lấn và ít có rủi ro. Nên nói chuyện với bác sĩ về các vấn đề còn thắc mắc hoặc lo lắng trước khi tiến hành lấy máu xét nghiệm để có kết quả chính xác nhất.

Xem thêm: Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm y học

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top