✴️ Phương pháp khám và chẩn đoán bệnh theo y học cổ truyền (P2)

Rêu lưỡi và mầu sắc của rêu lưỡi

Rêu lưỡi do vị khí mà hình thành: bình thường ở người khoẻ mạnh rêu trắng sáng bóng, mà ướt, mỏng. Cũng có khi màu hơi vàng nhạt, mỏng, khô vừa phải. Mùa hè rêu dày hơn một chút. Khi xem bệnh phải xem rêu lưỡi dày hay mỏng, màu sắc gì, nhuận hay khô, nhờn dính hay nát vụn…Khi khám lưỡi phải phân biệt với một số biểu hiện giả vì một số thức ăn, một số vị thuốc có thể làm cho mầu sắc rêu lưỡi thay đổi.  Theo Mã Triệu Nhi (1959), khi cạo rêu lưỡi mà vẫn thấy còn rêu ở mặt bề mặt lưỡi đó là rêu thực. Rêu thực do vị khí mà có, rồi tà khí kết lại mà hình thành. Rêu giả khi cạo lưỡi thì rêu mất hẳn, lưỡi sạch. Rêu giả do trọc khí ngưng tụ mà có hoặc do vị khí hư suy nên các lớp rêu mới không hình thành được vì thế trên mặt lưỡi không còn được nối tiếp liên tục (không có rễ nối với sinh khí ở trong).

Tiên lượng bệnh thuận lợi hơn khi có rêu thực. Song khi đã có rêu thực rồi, sau đó diễn biến xấu không có rêu mới sau khi cạo lưỡi là vị âm đã khô kiệt, khí sinh phát đã không còn nữa, đó là biểu hiện của bệnh nặng. Khi chỉ có rêu giả nhưng sau đó hình thành rêu thực là trọc khí ở vị tràn lên hoặc nhiệt tà thịnh lên dần.

Rêu lưỡi hình thành trên khắp bề mặt lưỡi mỏng là tà khí ở biểu, rêu lưỡi dày là tà khí vào lý, nếu rêu đang dày trở nên không có rêu là sức khoẻ tốt, bệnh giảm hoặc có thể rêu đang dày trở nên trắng mỏng là tà khí đã lui.

Vì vậy quan sát sự hình thành và biến đổi của rêu lưỡi cũng có thể giúp thêm cho tiên lượng bệnh.

Nếu rêu lưỡi lúc đầu dầy, sau mỏng dần và thưa, rồi dần dần rêu lưỡi hết từ gốc trước rồi dần dần ra đầu lưỡi, sau đó xuất hiện một rêu lưỡi non mới màu trắng, mỏng sáng bóng, ướt cũng từ phía trong ra như thế là hiện tượng tốt vì vị khí hồi phục dần, cốc khí tiến bộ dần.

Nếu rêu mọc dầy rồi đột nhiên biến mất, lưỡi trở nên bóng, sáng, khô, trơn (như vecni) đó là vị khí đã tuyệt, bệnh nguy kịch (chứng nghịch).

Bệnh mới phát, còn nhẹ có rêu mỏng, khi rêu trở nên dày là tà khí đã vào lý, sâu hơn là ở trong có sự ngưng trệ.

Rêu lưỡi ướt nhuận là có thấp, rêu lưỡi khô ráo là có nhiệt. Nhưng cũng có khi thấp tà truyền vào khí phận, khí không hóa được tân thì rêu lưỡi cũng khô, hoặc nhiệt tà vào huyết phận nhiễu động âm khí thì rêu lưỡi cũng trở nên nhuận, do đó phải kết hợp với tứ chẩn mới có thể xác định đúng được.

Rêu nhuận là tân dịch chưa bị hao tổn, rêu khô là tân dịch đã bị hao tổn.

Rêu nát như bã đậu, cạo chùi đi là sạch ngay là dương khí hữu dư còn có thể hóa được trọc khí ở vị.

Rêu nhờn dính, trơn, che kín cả lưỡi, cạo không hết, chùi không sạch, thấy có niêm dịch, đó là dương khí bị đàm ẩm, thấy trọc tính trệ ức chế.  Màu sắc rêu lưỡi: do bệnh tình có hàn, có nhiệt nên màu sắc rêu cũng có sự thay đổi khác nhau; rêu lưỡi có thể trắng, vàng, màu xám tro, màu đen.

Rêu lưỡi trắng: là thuộc chứng hàn, chứng hư hàn cũng có thể thuộc chứng nhiệt nếu có chất lưỡi đỏ. Rêu màu trắng mỏng là bệnh tà còn ở phần biểu, chủ về phong hàn.

Rêu trắng mỏng là ngoại cảm phong hàn. Nếu ở trong có nhiệt mà ngoài bị cảm phong hàn thì rêu trắng mỏng mà chất lưỡi đỏ hồng.

Rêu trắng dày, khô là nhiệt tà nhẹ, làm hao tân dịch mà trọc khí chưa hóa được.

Rêu trắng như phấn đọng là biểu hiện của bệnh ôn dịch nhẹ hoặc là do thử tà với thấp tà ở kinh phế sinh ra.

Rêu lưỡi vàng: thuộc chứng nhiệt, màu vàng càng thẫm thì nhiệt càng cao. Rêu vàng là tà đã vào lý. Rêu vàng mỏng là do ngoại cảm phong nhiệt; rêu vàng, nhờn, dính là thấp nhiệt hoặc đàm nhiệt thực trệ ở trung tiêu. Rêu vàng mỏng, khô là tân dịch đã bị tổn thương, nhưng tà còn nhẹ (rêu mỏng), nếu rêu vàng dầy, khô là bệnh nặng hơn, thường có kèm theo chứng đại tiện bí kết. Rêu vàng mà khô là màu xám tro, trơn, ướt là hàn thủy hại thổ, thường gặp ở các chứng ỉa lỏng, thổ tả và có kèm theo đầu chi lạnh, mạch trầm tế. Rêu màu xám tro, khô, chất lưỡi đỏ xẫm là nhiệt thịnh hại tâm.

Rêu lưỡi đen: thuộc lý chứng, biểu hiện bệnh nặng. Khi khám thấy rêu đen phải phân tích hư thực, hàn nhiệt.

Rêu đen, trơn ướt, nhuận, chất lưỡi hồng nhạt là chứng hàn mà dương hư. Nếu rêu đen, nhuận khắp cả bề mặt lưỡi mà người bệnh không có các triệu chứng gì nguy nặng thì là do đàm ẩm phục ở lồng ngực. Nếu rêu đen như mầu mực, đen nhợt, đồng thời khám thấy đầu chi lạnh, mạch nhỏ, nhanh, yếu là chứng hư hàn.

Rêu đen, khô, chất lưỡi đỏ hoặc đỏ thẫm là tổn thương âm, hoả nhiệt hại âm. Nếu ở lưỡi có gai nhọn nổi cao, rêu đen nứt là chân thủy ở thận sắp kiệt, bệnh đang nguy nặng, khô là do nhiệt nhưng cũng có khi vì hàn ở thiếu âm làm cho chân dương không trưng bốc được tân dịch làm lưỡi khô có nổi gai nhọn đen. Rêu đen khô thấy ở vùng giữa lưỡi khi bụng chướng đau cần xem xét hiện tượng phân táo bón, bế tắc đại tiện kéo dài. Rêu lưỡi đen khô kèm theo lợi, môi, miệng, răng đều có màu đen là vị khí sắp bại, tiên lượng nguy kịch. Rêu lưỡi đen là hoả thịnh âm hao. Rêu đen khô, chỉ có ở cuống lưỡi là nhiệt ở hạ tiêu. Rêu đen, khô chỉ có ở đầu lưỡi là tâm hoả tự đốt ở trong. Khi thấy rêu lưỡi đen, nếu người bệnh tỉnh táo là hư, nếu hôn mê cuồng sảng là thực, nếu người bệnh khát nước nhiều là nhiệt, nếu không đòi hỏi uống nước là hàn.

Sự diễn biến về màu sắc rêu lưỡi.

Rêu lưỡi từ trắng biến thành vàng, sau lại từ vàng chuyển thành màu xám tro rồi hình thành các gai nhọn có điểm đen là nhiệt tà từ nông đã dần dần vào sâu hơn.

Rêu lưỡi từ  trắng biến thành vàng, sau khi rêu vàng biến đi thì tái sinh rêu trắng mỏng là chứng thuận, rêu lưỡi từ trắng biến thành xám và từ xám thành đen là chứng nghịch. Rêu lưỡi giảm hoặc mất đi đột ngột cũng là biểu hiện của bệnh đã nặng lên.

Chất lưỡi và động thái lưỡi.

Người bình thường, khoẻ mạnh, lưỡi mềm mại, linh hoạt, màu hồng tươi sáng nhuận, động thái lưỡi thè ra thụt lại dễ dàng, không lệch vẹo, không liệt, không xiên. Chất lưỡi là chỉ thể chất của lưỡi có liên quan đến quá trình bệnh lý nhất định. Ví dụ: đầu lưỡi đỏ là tâm hoả vượng (đầu lưỡi chủ yếu phản ảnh sự biến đổi của tâm và phế). Viền lưỡi hoặc bên có những nốt tím hoặc tĩnh mạch dưới căng đầy, uất, thường mặt bên lưỡi chủ yếu phản ánh sự biến đổi của can đởm. Bệnh của tỳ vị được thể hiện bằng những biến đổi ở giữa lưỡi. Còn bệnh ở thận được phản ảnh bằng những biến đổi ở phần gốc lưỡi. Khám lưỡi cần quan sát chất lưỡi trên các mặt sau đây; màu sắc và độ nhuận, hình thái và động thái.

Độ nhuận và màu sắc của lưỡi.

Sắc lưỡi nhợt (hồng ít trắng nhiều) là huyết hư, dương hư hoặc hàn chứng, sắc lưỡi nhợt mà không rêu thường thường là dương khí suy, khí huyết hư, sắc lưỡi nhợt mà ướt; trơn là hàn ở các rối loạn dinh dưỡng, thiếu máu và một số bệnh nội tiết như phù niêm dịch…có thể thấy loại lưỡi trắng dầy.

Sắc lưỡi hồng tươi mà khô là âm hư, đỏ mà không có rêu là âm hư hỏa vượng, ở các thời kỳ tiến triển của bệnh lao phổi, cường giáp trạng, đái đường… có thể thấy âm hư nội nhiệt. Sắc lưỡi đỏ (đỏ tức là hồng thẫm) thuộc về thực nhiệt. Sắc lưỡi đỏ thẫm là cực nhiệt. Bệnh truyền nhiễm cấp tính hoặc những bệnh truyền nhiễm dẫn đến nhiễm khuẩn huyết đều thấy lưỡi đỏ thẫm.

Trong y học dân tộc sắc lưỡi đỏ là dấu hiệu quan trọng của bệnh ôn nhiệt từ phần khí chuyển đến phần doanh, đỏ mà có gai là nhiệt thịnh ở phần doanh; đỏ thẫm là nhiệt làm tổn thương đến tâm bào lạc gặp ở bệnh nhiễm khuẩn huyết và truyền nhiễm mức độ nặng; sắc lưỡi đỏ, hồng mà không rêu là vị âm đã mất; nếu khô, không tươi nhuận là thận âm đã suy, bệnh tình nguy hiểm. Sắc lưỡi chuyển sang đỏ thẫm, khô là dấu hiệu quan trọng thể hiện nhiệt tà đã vào doanh (dinh), huyết. Sắc lưỡi tím, lưỡi tím đen, ướt, nhuận thường do huyết ứ, còn gặp ở các giai đoạn suy thở, suy tuần hoàn. Sắc lưỡi tím nhợt mà ướt là do chứng hàn.

Sắc lưỡi màu xanh lam: lưỡi xanh là khí huyết lưỡng hư (hao tổn nặng) nếu còn rêu lưỡi là tiên lượng nặng; nếu sắc lưỡi xanh bóng, không rêu là tiên lượng rất xấu (thấy ở suy tuần hoàn, suy thở nặng, thiếu ôxy nặng).

Sắc lưỡi đen thể hiện cực hàn hoặc cực nhiệt: lưỡi đen mà trơn nhuận là cực hàn, lưỡi đen mà khô là cực nhiệt.

Hình thái của lưỡi.

Quan sát lưỡi to hoặc nhỏ, có các vết nứt, các gai nổi cao. Lưỡi to bè, nếu to bệu, mầu hồng nhạt, viền lưỡi có các dấu hằn của các răng là chứng hư hàn. Nếu lưỡi to, mầu hồng thẫm là tâm tỳ có nhiệt, nếu lưỡi to màu nhợt là ở trong có đờm ẩm. Nếu lưỡi to đầy miệng, màu đỏ làm khó thở là huyết hao, nhiệt thịnh, khí huyết ngưng trệ. 

Lưỡi teo nhỏ (mỏng và thon); nếu lưỡi màu hồng nhạt là khí huyết thiếu. Nếu màu đỏ là tân dịch hao tổn nhiều, âm hư nhiệt thịnh. Nếu lưỡi teo khô, sắc tối, không tươi, nói giọng hoặc không nói được là bệnh nặng, ở thời kỳ nguy kịch. Trên mặt lưỡi có gai nổi lên cao là nhiệt uất (nhiệt tà kết bên trong), gai mọc càng nhiều, càng to là nhiệt kế càng sâu (sốt rất cao), thường gặp ở viêm phổi cấp… trên mặt lưỡi có vết nứt phần nhiều là âm huyết hư và nhiệt thịnh (sốt cao, mất nước, suy dinh dưỡng…)  Động thái của lưỡi, quan sát trạng thái vận động của lưỡi.

Nếu đầu lưỡi cứng, cử động vướng ngượng, mỗi khi nói thường vướng rít, sắc lưỡi dổ thẫm là nhiệt tà vào tâm bào, nhiễu loạn thần minh làm cho lưỡi mất linh hoạt; khô hao tân dịch, sự nuôi dưỡng của lưỡi bị giảm sút, lưỡi đẩy lên mà cứng, rêu lưỡi mà đen đục do đờm trở tắc đường lạc mạch của lưỡi, nếu sắc lưỡi trắng nhợt là khí huyết hư  suy, nếu sắc lưỡi đỏ hồng là do nhiệt thịnh hao âm (gây âm hư), lưỡi thè dài ra được nhưng đầu và thân lệch về một bên được gọi là lưỡi lệch gặp ở người bị trúng phong. Lưỡi thè dài ra được mà bệnh nhân có cảm giác tê dại phần thò ra ngoài miệng là do khí hư; nếu người bệnh có cảm giác nóng do tâm kinh có đàm nhiệt, nếu khó rụt lưỡi lại là bệnh nặng. Lưỡi rụt vào được mà không thè dài ra được gọi là lưỡi rụt. Nếu lưỡi ướt nhuận là hàn ngưng ở cân mạch, nếu đỏ là nhiệt bệnh hại tâm, nếu lưỡi to bệu, nhờn, dính là đờm thấp trở tắc. Nếu lưỡi rụt không nói được là bệnh nguy kịch.

Đầu lưỡi cứ rung, không yên gọi là lưỡi run, nếu run nhẹ là do hư suy, huyết ít, can phong động ở trong hoặc do tâm tỳ hư; nếu lưỡi run mạnh bần bật mà sắc lưỡi đỏ hồng là can nhiệt phong động.

Liên quan của lưỡi với kinh lạc và tạng phủ.

Lưỡi liên quan với kinh lạc.

Đường mạch túc thiếu âm xuyên qua thận nối ở cuống lưỡi (túc thiếu âm chi mạch quản thận hệ thiệt bản)

Đường mạch túc thiếu âm đi kèm hai bên cuống lưỡi (túc thiếu âm hiệp thiệt bản)

Đường mạch túc thiếu âm đi dưới lưỡi (túc thiếu âm thiệt hạ)

Đầu ngọn là túc thiếu âm ở bối du và có hai đường mạch dưới lưỡi (túc thiếu âm chi tiêu tại bối du, hữu thiệt hạ lưỡi mạch)

Đường mạch túc thiếu âm đi lên nối ở lưỡi (túc chi thiếu âm thượng hệ ư thiệt)

Đường kinh biệt túc thái âm liền với cuống lưỡi tản ra ở dưới lưỡi (túc thái âm chi biệt liên thiệt bản tán thiệt hạ)

Đường kinh cân thủ thiếu dương có nhánh vào chằng ở cuống lưỡi (túc thái dương chi cân, chi gia biệt thiệt bản). Quyết âm là đường của can, can hợp với cân, cân tụ hội ở âm khí mà đường mạch nối ở cuống lưỡi (quyết âm giả, can mạch giả, can giả chi cân hợp giả, cân giả tụ ở âm khí, nhi mạch lạc, ư thiệt bản)

Nắm được sự liên quan của các chính kinh liên quan với lưỡi theo sự phân vùng kết hợp với triệu chinh kinh lạc (kinh lạc chẩn) sẽ giúp thêm cho chẩn đoán đúng bệnh ở tạng phủ hoặc tổ chức cơ quan.

Lưỡi liên quan với phủ tạng.

Tinh hoa của thực ăn từ vị đi ra, đi ra môi lưỡi mà thành vị khí. Tâm khí thông ra lưỡi, tâm khí hòa thì lưỡi biết được ngũ vị (tâm khí thông ư thiệt, tâm hoà tắc thiệt năng chi ngũ vị). Lưỡi là cửa ngõ của tâm (thiệt giả tâm chi quan dã). Tỳ khai khiếu ở miệng, bệnh biểu hiện ở cuống lưỡi (tỳ khai khiếu ư khẩu, có bệnh tại thiệt bản). Thượng tiêu ở trên đến lưỡi (thượng tiêu thượng chi thiệt). Lưỡi để rung động âm thanh (thiệt giả âm thanh chi cơ)

Căn cứ vào những điểm trên, y học cổ truyền đã xác định lưỡi ở trong miệng để nếm, để rung chuyển âm thanh, để đưa đẩy thức ăn nhưng thông hệ thống kinh lạc, lưỡi luôn có liên quan với các hệ thống phủ tạng ở trong. Phủ tạng ở trong có được bình thường thì lưỡi mới được nuôi dưỡng và sự điều chỉnh bình thường. Khi tạng phủ có bệnh thường có những biểu hiện ở chất lưỡi và rêu lưỡi.

Phân khu vực theo tam tiêu: đầu lưỡi thuộc thợng quản, cuống lưỡi thuộc hạ quản, giữa lưỡi thuộc trung quản. Cách phân chia này để áp dụng với bệnh trường vị.

Phân khu vực theo tạng phủ: cuống lưỡi thuộc thận; giữa lưỡi thuộc tỳ vị, trong đó vị ở giữa tỳ ở chung quanh, hai bên can đởm, đầu lưỡi thuộc tâm phế.

Phân chia thuộc tính ngũ hành: lưỡi thuộc hoả, nước miếng thuộc thổ (hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, thủy khắc hỏa, hoả khắc kim, mộc sinh hỏa)

Như vậy khám lưỡi trong vọng chẩn bao gồm khám về rêu lưỡi, chất lưỡi, hình thể lưỡi. Rêu lưỡi là đánh giá tình trạng mới cũ, nông sâu, tiến triển của bệnh, là yếu tố gợi ý để khám sâu thêm về chất lưỡi; chất lưỡi là đánh giá bản chất hoạt động của tâm, mạch huyết, huyết dịch. Chất lưỡi luôn là yếu tố quyết định rêu lưỡi. Chất lưỡi có ảnh hưởng đến hình thể lưỡi.

Tổng hợp tư liệu đánh giá khách quan rêu lưỡi, chất lưỡi và hình thể lưỡi còn giúp ta phân biệt được bệnh tà đang ở tạng phủ nào và tạng phủ nào đang bị bệnh, sau nữa là mức độ nặng nhẹ, tính chất hàn nhiệt, xu thế khỏi bệnh hay tiên lượng nguy kịch dẫn đến tử vong.

Vọng về chỉ văn ở tiểu nhi.

Đối với bệnh nhi thường quan “chỉ văn” nhánh tĩnh nhỏ, mạch nổi lên mé trong ngón tay chỏ (giữa vùng da mu tay và da bàn tay), da ấu nhi mềm mỏng, tĩnh mạch dễ nổi lên, vì vậy chỉ văn tương đối rõ, khi tuổi càng lớn, da dầy lên thì xem chỉ văn không rõ nữa. Trong điều kiện, mức độ nhất định chỉ văn có thể phản ánh tính chất và mức độ nặng nhẹ của bệnh tật, vì phần mạch của bệnh nhi ngắn và nhỏ, khi chẩn bệnh đôi khi còn phải vuốt ngón tay, co duỗi ngón tay để khỏi ảnh hưởng đến tính chân thực của mạch tượng. Trên các khoa lâm sàng với trẻ em dưới ba tuổi thường dùng chỉ văn để hỗ trợ thêm cho thiệt chẩn.

Vọng chỉ văn chủ yếu là quan sát sự lưu thông hay ứ trệ và màu sắc của đường tĩnh mạch nhỏ nổi lên. Ngón tay có ba đốt.

Đốt ngón tay thứ nhất được gọi là phong quan

Đốt ngón tay thứ hai được gọi là khí quan

Đốt ngón tay thứ ba được gọi là mệnh quan.

Phương pháp vọng chỉ văn là giơ ngón tay hướng ra sáng, y sinh dùng tay phải cầm lấy đốt thứ hai của ngón tay chỏ của bệnh nhi, vuốt, xoa, co, duỗi cho tính mạch nổi rõ, để đánh giá chính xác hơn. Bình thường chỉ văn có màu tía nhạt mà tươi sáng, nói chung không vượt nổi khỏi phong quan, khi có bệnh chỉ văn thường có những biến đổi cả về sự lưu thông cũng như màu sắc. Chỉ văn đặc biệt nổi rõ lên đa phần là biểu chứng, chỉ văn trầm (chìm) bệnh tà ở lý, chỉ văn sắc nhợt là chứng hư, chứng hàn, sắc đỏ tía là chứng nhiệt, sắc xanh thường là phong hàn hoặc kinh phong hoặc chứng đau hoặc thương thực (tổn thương do ăn uoóng) hoặc là đàm khí thượng nghịch, sắc đen là huyết ứ. Chỉ khi uất trệ, khi co duỗi huyết dịch không lưu thông tốt thường do đàm thấp, thực thấp hoặc tà nhiệt uất kết, đó là chứng thực. Về vị trí mà nói, chỉ văn ở phong quan bệnh nhẹ, nếu kéo dài đến khí quan bệnh tương đối nặng, nếu kéo dài đến mệnh quan và hết ngón, người xưa gọi “thấu quan tạ giáp” là bệnh tình thường nguy, nặng. Tóm lại: điểm chủ yếu của vọng chỉ văn là phù trầm để phân biệt biểu hay lý; màu đỏ tía, tím tái, phân biệt nhiệt hay hàn màu nhợt trệ quyết định thực hư.

Tư liệu hiện đại nghiên cứu chỉ văn: người ta cho rằng mức độ biến đổi, co dãn của chỉ văn liên quan với áp lực tĩnh mạch ở những bệnh nhân như sức bóp của tim yếu và sự lưu thông của phế kém (phế viêm). Đại bộ phận thấy chỉ văn dẫn đến mệnh quan, chính là do tuần hoàn máu bị cản trở và áp lực tĩnh mạch tăng cao mà dẫn đến. Khi áp lực tĩnh mạch không cao, chỉ văn co nhỏ lại vị trí bình thường là bệnh khỏi. Màu sắc của chỉ văn ở mức độ nào đó sẽ phản ánh tình trạng thiếu ôxy ở trong cơ thể; thiếu ôxy nặng, trong huyết còn có lượng hồng cầu, bạch cầu không cao, chỉ văn có sắc xanh tía. Sắc chỉ văn tía hoặc xanh tía thường thấy ở bệnh nhi bị phế viêm hoặc tâm khí bị suy kiệt, tâm lực yếu. Chỉ văn chuyển thành màu trắng nhợt thường gặp ở những bệnh nhi có số lượngt ế bào hồng cầu và huyết sắc tố giảm.

Văn chẩn

Bao gồm hai phơng diện là nghe âm thanh và văn về khí vị.

Nghe âm thanh: hơi thở, ợ nấc, khái thấu (ho), tiếng nói. Âm thanh của người bệnh nói nhỏ nhẹ, không liên tục, thiếu khí có khi loạn ngôn đa phần là hư chứng, hàn chứng. Âm thanh đột nhiên lạc giọng hoặc mất tiếng hoặc khàn trầm phần nhiều do phong hàn hoặc do đàm trệ là thực chứng. Âm thanh giảm từ từ phần nhiều là phế viêm tân khô thuộc hư chứng. Âm thanh cao to, có lực hoặc phiền táo, đa ngôn phần nhiều thuộc chứng thực, chứng nhiệt. Khi mắc bệnh lâu ở phế và ở thận chức năng đều giảm có thể thấy khí thô nhưng không thường xuyên là hư chứng; tiếng ho vô lực là phế nhiệt. Tiếng nấc; tiếng nấc mạnh, có lực, mạch hoạt thực, phần nhiều là thực ách; nấc to, ngắn (nấc cụt), táo khát, mạch sác là nhiệt ách (nấc nhiệt chứng); tiếng nấc nhỏ, mạch vô lực kèm theo triệu chứng hư là hư ách (nấc hư chứng). Lâm sàng bệnh nặng, lâu ngày xuất hiện ách nghịch là triệu chứng nguy.

Văn về khí vị: tức là văn khí vị của các chất bài tiết, hơi thở ở khoang miệng và toàn thân. Khí vị của cơ thể người bệnh ở một số bệnh có giá trị đặc thù. Ví dụ: trong bệnh ôn nhiệt (ôn dịch), khi bệnh nhân mắc bệnh can thận lâu năm, tiến triển nặng: miệng hôi, hơi thở hôi uế thường là phế vị có nhiệt, hơi chua là vị có thực tích, đàm tan hôi là phế nhiệt, hôi nhiều có mủ như phế ung, đại tiểu tiện, kinh đới cũng có thể tham khảo ở phần vấn bổ xung thêm và văn (nghe, ngửi). Y học cổ truyền cho rằng âm thanh chỉ bản (bản chất tiếng nói trong, đục, khàn, trầm, to rõ hoặc nhỏ nhẹ đều thuộc tỳ), thận vị thanh âm chi căn (gốc rễ của giọng nói to khoẻ, âm sắc rõ, nói lâu không nghỉ mà âm sắc vẫn tốt đều do thận quyết định). Vì vậy, lâm sàng có thể thông qua sự thay đổi của âm thanh, âm sắc mà đánh giá tình hình hư thực, hàn nhiệt của tạng phủ…

Thiết chẩn

Bao gồm toàn bộ súc chẩn thân mình, tứ chi và xem mạch.

Thiết mạch (bắt mạch ở thốn khẩu): y học cổ truyền rất coi trọng khám mạch để chẩn bệnh, nhiều tài liệu ghi lại việc khám rất tỉ mỉ, hiện nay được chia ra hai mươi tám loại mạch khác nhau thường được sử dụng trong lâm sàng.

Phương pháp khám bệnh: thường được thao tác ở chỗ đập của động mạch quay trên mặt trước khớp cổ tay của người bệnh (được gọi là mạch thốn khẩu), động mạch này được chia làm ba phần (bộ), bộ thốn, bộ quan và bộ xích. Bộ quan ở ngang mỏm châm xương quay, trên bộ quan là bộ xích, dưới bộ quan là bộ thốn. Trước khi khám mạch phải yêu cầu bệnh nhân thư thái tinh thần yên tĩnh, nếu vừa sau hoạt động, lao động nặng phải nghỉ ngơi rồi mới khám mạch. Khi chẩn mạch tay bệnh nhân ở tư thế ngửa thoải mái, bàn tay duỗi, thầy thuốc lần lượt đặt ngón tay giữa vào bộ quan, sau đó đặt ngón tay chỏ vào bộ thốn, và ngón tay nhẫn (ngón vô danh) vào bộ xích, khoảng cách của ba ngón tay phải linh hoạt, nếu người bệnh cao to, khoảng cách của ba ngón tay phải xa hơn với người thấp bé. Thốn khẩu của bệnh nhi mạch ngắn nên cả ba bộ chỉ có thể dùng một ngón cái đặt ở bộ quan, còn bên phải, bên trái để đánh giá bộ thốn và bộ xích (cũng chỉ dùng một ngón cái), nếu bệnh nhi trên 8 tuổi, có thể thích hợp chẩn mạch (một ngón tay cái dùng cho cả ba bộ). Khi chẩn mạch quan trọng là lực ấn của các ngón tay, phải khám ở  ba động tác (tam cử) sơ án để các ngón tay tiếp xúc với mặt da, trung án là ấn nhẹ, trọng án là ấn mạnh sát xương quay. Sau khi khám mạch chung ở ba động tác (tam cử) thì xem vi khán từng bộ mạch, y sinh phải tập trung vào cảm giác tinh tế ở các đầu ngón tay, từ các đầu ngón tay biết được sóng mạch nổi chìm (phù, trầm), mạch yếu vơi đầy. Do ba bộ thốn quan xích có giá trị chẩn mạch tương ứng với các tạng phủ khác nhau và khác nhau cả bên phải bên trái. Mạch bên trái (bên tả) thứ tự ba bộ thốn quan xích là tương ứng với tạng tâm, can, thận, còn bên mạch phải thứ tự ba bộ thốn quan xích là tương ứng với ba tạng phế, tỳ và mệnh môn hỏa. Người xưa cho rằng gợn sóng khí huyết, nó có thể đánh giá trung thành hoạt động của tạng phủ (do tạng phủ có tương quan biểu lý với nhau).

Đặc điểm của mạch và chủ bệnh của mạch: trong phần này sẽ giới thiệu những hình mạch thường gặp trên lâm sàng, đặc điểm của hình mạch về tần số nhanh chậm, biên độ mạch cao thấp, sóng mạch mạnh hay yếu, hình thái mạch to hay nhỏ… bình thường tần số mạch đều đặn 4 - 5 lần trong một nhịp thở (nhất tức) gần tương đương với 72 - 80 lần trong một phút, không phù, không trầm, không nhỏ, đều đều hoà hoãn gọi là mạch hoãn, nhưng nếu khí huyết có thấp trở ngại cũng có thể thấy mạch hoãn, cũng có thể thấy mạch hoãn kèm theo phù, hoãn kèm theo trầm, hoãn kèm theo đại hoặc tiểu đó là mạch bệnh lý.

Mạch phù và mạch trầm: là hai chỗ mạch cao thấp tương phản, mạch phù là mạch nổi cao, để tay tiếp xúc với mặt da đã thấy mạch đập rõ, dùng lực tây ấn mạnh thấy sóng mạch giảm yếu, mạch trầm là mạch chìm sâu, để tay tiếp xúc mặt da không thấy mạch đập, ấn nhẹ cũng không thấy mạch đập, phải ấn mạnh mới thấy rõ mạch đập. 

Biểu hiện bệnh lý của mạch phù: bệnh thuộc biểu chứng, mạch phù mà có lực là biểu thực, phù mà không có lực là biểu hư. Nếu như bệnh ngoại cảm mà sợ lạnh, phát sốt không có mồ hôi, mạch phù khẩn là chứng biểu thực hàn, còn bệnh ngoại cảm phát sốt có mồ hôi, sợ gió, mạch phù nhược là chứng biểu hư hàn, với những bệnh nhân có thể chất hư nhược, khi bị bệnh ngoại cảm mạch thường không phù. Thời kỳ đầu của các bệnh truyền nhiễm cấp tính thường có mạch phù.

Biểu hiện bệnh lý của mạch trầm: bệnh thuộc lý chứng, trầm mà có lực là lý thực, trầm mà có lực là lý hư, nếu ho (khái thấu) vô lực, đàm lỏng trắng, khí đoản, sắc mặt trắng, ăn ít, gầy gò, mạch trầm nhược là phế khí hư thuộc về chứng khí hư. 

Mạch trì và mạch sác: đặc điểm hai loại trì và sác là hai loại mạch nhanh chậm tương phản mạch trì nhất tức (một lần thở) có ba lần mạch đập “nhất tức là tam lai thị mạch trì” tương đương với mỗi phút 90 lần trở lên.

Biểu hiện bệnh lý của mạch trì: là chứng hàn, phù mà trì là biểu hàn, trầm mà trì là lý hàn, trì mà có lực là thực chứng, vô lực là hư hàn thuộc về lý chứng.

Biểu hiện bệnh lý của mạch sác: là chứng nhiệt, sác mà có lực là dương thịnh, sác mà có lực là âm hư nội nhiệt, nếu như mặt đỏ, họng khô, tâm trạng phiền nhiệt, mạch sách có lực là tâm hoả vượng thuộc chứng dương thịnh. Mồm lở loét, sưng đau, ăn không tiêu, mạch tế sách là vị âm hư, hư hoả thượng viêm thuộc hư nhiệt. 

Mạch hư và mạch thực: đặc điểm mạch hư và mạch thực là hai loại mạch có lực đập mạnh yếu tương phản.

Mạch hư là mạch phù, cả trung, trọng án đều vô lực, mạch thực là phù, trung, trọng án đều có lực. Mạch hư chủ bệnh khí huyết đều hư, mạch hư phù là thương thử.

Mạch thực chủ bệnh chứng thực, sốt cao, trằn trọc không yên, đại tiện bí kết, mạch thực mà hoạt là ngoan đàm ngưng kết tụ, thực mà huyền là can khí uất kết. 

Mạch hoạt và mạch sáp: là hai trạng thái mạch tương phản.

Mạch hoạt là sóng mạch đi lại lưu lợi dưới tay có cảm giác như hạt trâu lăn, mạch sáp là mạch đi lại sáp trệ (dung lai nhi mạt tức lai, dung khí nhi mạch tức khứ) nghĩa là sóng mạch muốn tới lại không tới cùng, muốn đi mà không đi hết. ứng với điện tâm đồ mạch sóng có hiện tượng dẫn truyền bị trở lại, mạch đồ cũng có biểu hiện to nhỏ không đều. 

Mạch hoạt thường gặp trong chứng đàm thấp, nếu như tiếng ho khàn, đàm nhiều trắng, dễ khạc, tức ngực, ăn kém, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch hoạt đó là chứng đàm thấp khái thấu, khi có thai thờng thấy mạch hoạt.

Mạch sáp thường gặp trong thiếu máu, khí trệ huyết ứ.

Mạch hồng và mạch tế: đặc điểm mạch tượng, mạch hồng và mạch tế là hai loại mạch tượng to, nhỏ và mạch yếu tương phản nhau.

Mạch hồng, mạch to, sóng mạch mạnh, cuồn cuộn như hồng thủy phù và đàm rõ, nmạch tế là mạch nhỏ như sợi dây, lực mạch không mạnh, khi ấn nặng tay (trọng án) mới thấy mạch đập.

Mạch hồng thường gặp trong trạng thái nhiệt thịnh, nếu như bệnh ôn nhiệt phần khí có mạch hồng đại nhiệt thịnh, sốt cao, phiền khát, đại hãn, mạch hồng đại, như vậy mạch hồng đại thường gặp trong chứng nhiệt thịnh. Nhiệt thịnh thương âm, khi âm hư ở trong thì dơng phù ở ngoài cũng có thể thấy mạch hồng.  thời kỳ toàn phát của các bệnh truyền nhiễm thường thấy mạch hồng.

Mạch tế thường gặp trong hư chứng hư lao, suy nhược cơ thể , phần nhiều thấy mạch tế hoặc khi thấp khí ở dưới, khi thấp tà trở ngại mạch đạo cũng có thể thấy mạch tế, như vậy mạch tế cũng có thể thấy trong thực chứng. Ví dụ: sắc mặt trắng bủng, môi lưỡi trắng nhợt, đầu choáng mắt hoa, tâm quí thấy mạch tế là huyệt hư. Khi đại tiện có nhầy mũi, mệt mỏi, ăn kém, bụng chướng, tứ chi không ấm, mạch đa phần là huyền tế mà hoãn thường gặp trong hàn thấp ly tật, bệnh thuộc thực chứng. 

Mạch huyền và mạch khẩn: có đặc điểm giống nhau, sóng mạch liền một mạch ở cả ba bộ thốn quan xích, cảm giác dưới ba đầu ngón tay sóng mạch đi khẩn trương, khác nhau là mạchk huyền thấy căng khi ấn, mạch khẩn khi ấn không căng, lực mạch khẩn cấp cảm thấy có lực ở dưới tay, lực của mạch huyền không cương cấp như của mạch khẩn, trên hình mạch đồ mạch khẩn có sóng mạch cao hơn, to hơn mạch huyền.

Mạch khẩn thường gặp ở chứng hàn, chứng đau, khi ngoại cảm phong hàn thấy mạch phù khẩn, khi lý hàn có mạch trầm khẩn, ví dụ: trong chứng hàn tý (thống tý), các khớp của chi thể đau mỏi dữ dội, đau cố định khi thấy sốt đau giảm, đa phần thấy mạch huyền khẩn.

Mạch huyền thường gặp trong chứng thống (đau), phong chứng ngược tật và đàm ẩm, âm hư dương vượng đa phần thấy mạch huyền, ví dụ: trong chứng cao huyết áp (can dương thiên vượng) thường là mạch huyền có lực, nhóm can âm bất túc thường là mạch huyền tế, trong chứng can vị bất hòa thường thấy mạch huyền, trong các bệnh về gan, loét hành tá tràng, viêm túi mật, kinh nguyệt không đều, ung thư cổ tử cung, bệnh thuộc tạng thận đều có thể thấy mạch huyền.

Ở trên đã nếu 12 loại mạch thường gặp trên lâm sàng, sau đây là một số loại mạch ít gặp trên lâm sàng.

Mạch súc, mạch kết, mạch đại.

Mạch súc là mạch hoà hoãn, không có qui luật, đôi lúc hẫng nhịp, không đều, chủ mạch của chứng thực nhiệt, khí trệ huyết ứ.

Mạch kết là mạch hoà hoãn, không có qui luật, đôi khi không đều, có nhịp hẫng chủ mạch của chứng âm thịnh, khí kết, hàn đàm huyết ứ.

Mạch đại là mạch nhanh chậm như thường nhưng tự ngừng có qui luật, đập lại sau khi ngừng nhịp, chủ mạch của chứng tạng khí suy vi hoặc do kinh sợ, chấn thương, ngoài ra các chứng nôn, ỉa lỏng nhiều cũng có thể thấy mạch đại.

Ba loại mạch súc, kết, đại có thể thấy các loại bệnh ở tạng tâm, ví dụ: trong thấp tim, hẹp ống thông động mạch, thiếu máu tâm cơ.

Mạch nhu là mạch phù nhỏ mà mềm, ấn nhẹ thấy mạch đập mềm như màng nước, ấn mạnh thì thấy mất mạch. Mạch nhu chủ bệnh của chứng thấp, chứng hư, ví dụ: thủy thũng và khí huyết đều hư nhược.

Mạch nhược là mạch trầm nhỏ mà mềm, chủ bệnh của chứng khí huyết bất túc.

Mạch vi là mạch rất nhỏ, rất mềm, như có, như không có mạch, khó đếm, chủ bệnh của chứng đại hư, các triệu chứng nguy kịch, bệnh nặng lâu ngày.

Mạch to (đại) mạch có hình to hơn bình thường, nhưng sóng mạch không căng, không trào dâng như mạch hồng, chủ bệnh của chứng tà thịnh, mạch to mà không có lực là chứng hư.

Mạch khâu là mạch phù đại mà rỗng, sờ mạch chỉ thấy thành mạch, không thấy sóng mạch ở giữa như ấn vào dọc hành, chủ bệnh của chứng mất máu nhiều, thiếu máu.

Trên lâm sàng thường đa phần là kiêm mạch còn ít thấy đơn thuần một loại mạch. Qua thực tế thường chia làm ba loại sau đây.

Loại mạch thứ nhất: xuất hiện đơn thuần một loại mạch, còn loại mạch thứ hai và ba là kiêm mạch.

Mạch kiêm thường thấy: mạch phù sác, phù hoãn, phù khẩn, trầm trì, trầm huyền, trầm tế, huyền tế, tế sác, hoạt sác, huyền tế sác…chủ bệnh của mạch kiêm tương ứng với các loại mạch tổng hợp chủ bệnh.

Mạch trầm thể hiện bệnh ở lý, mạch trì chủ hàn, nếu trầm đi với trì là lý hàn.

Mạch tượng xuất hiện đơn độc ở một số phần khi bị bệnh. Ví dụ: đau đầu thấy bộ thốn mạch phù…

Trong quan hệ giữa mạch và bệnh có thể thấy bệnh nào mạch ấy, nhưng cũng có thể thấy nhiều lạoi mạch khác nhau ở một bệnh, ví dụ: mạch huyền chủ về đau, về phong, về ngược tật còn chứng hàn thường thể hiện mạch trì hoặc mạch khẩn.

Những điểm cần chú ý khi chẩn mạch cụ thể.

Biểu hiện mạch bình thường: mạch hoãn là một nhịp thở có 4 - 5 lần mạch đập, không phủ, không trầm, đều đều hoà hoãn, tuy nhiên do ảnh hưởng hoàn cảnh bên ngoài với bên trong của từng cơ thể có thấy một số biến đổi sinh lý: sau khi ăn mạch có lực hơn, sau khi vận động mạnh mạch thường hồng sác hoặc sau uống rượu mạnh phần nhiều là sác, lao động mạch đại có lực, vận động viên thể thao thường có mạch trì, thường có tới 50% người bình thường mạch thiên về trầm tế, và một số người có mạch phù đại. Phụ nữ thường có mạch hơi tế nhược, khi hành kinh thường mạch ở bộ quan bên trái hồng hoặc trì, mạch trẻ con thường nhanh, ở trẻ 5 tuổi trở xuống một nhịp thở có thể tới 6 lần mạch đập cũng là bình thường. Mạch người già thường cứng chắc hơn (xơ), một số người do vị trí giải phẫu bẩm sinh, động mạch quay không ở trong rãnh quay mà ở phía sau ngoài gọi là “mạch phản quan” cũng là bình thường.

Người xưa thường có ba căn cứ để phân biệt giữa mạch bình thường và mạch bệnh lý đó là “vị, thần, căn”.

Mạch không phù, không trầm, đều đều hoà hoãn là vị khí tốt (hay là có bị khí).

Sóng mạch đến nhu hoà, bên trong có lực là mạch có thần.

Khám mạch ở cử trầm (ấn các ngón tay sát xương) mạch vẫn đập rõ là vì mạch hữu căn (có rễ).

Thường mạch hữu căn, hữu vị, hữu thần là mạch tốt, con người khoẻ mạnh, khi bệnh nghiêm trọng hoặc sau bệnh thoái lui cũng thường phải dựa vào ba loại căn cứ này để suy đoán và tiên lượng tốt hay không tốt.

Hai mươi tám loại mạch là trải qua quá trình nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của y học cổ truyền phương đông nói chung và y học dân tộc Việt Nam nói riêng, trong khi ứng dụng vào chẩn trị có thể tóm lược trên các mặt sau đây:

Về đại thể đều có quan niệm giống nhau, mạch thường là do các yếu tố: vị trí, tần số, nhịp, cường độ, biên độ, hình thái quyết định, nói chung vị trí mạch đập nông hay sâu có thể liên hệ phù hay trầm, từ tần số nhịp đập của mạch có thể liên hệ với hư, thực, từ hình thái mạch đập có thể liên hệ với mạch huyền, hồng, hoạt, vi, sáp, từ nhịp đập của mạch đều hay hẫng nhịp không đều có thể liên hệ với mạch súc, mạch kết, mạch đại…

Đối chiếu mạch với bát cương trên đại thể có thể xếp tương ứng:

Mạch phù là biểu chứng, mạch trầm là lý chứng

Mạch sác là nhiệt chứng, mạch trì là hàn chứng

Mạch có lực là thực chứng, mạch vô lực là hư chứng

Thông qua phân tích sáu loại mạch trên có thể kết luận tình hình mạch yếu xu thế chung của chính khí và tà khí, đưa đến tổng cương “âm dương”.

Đối chiếu giữa mạch với chứng bệnh tương ứng, có thể khái quát quy luật chung là mạch và chứng là tương hợp, chứng nào có mạch ấy, tuy nhiên có một số ít trường hợp không tương ứng giữa mạch tượng và triệu chứng bệnh. Như vậy, việc bỏ mạch lấy chứng, hay bỏ chứng lấy mạch cần phải dựa trên cơ sở phân tích toàn diện những yếu tố chính quyết định trong chẩn đoán.

Liên hệ với y học hiện đại, còn một số vấn đề chưa phù hợp, ví dụ: như bệnh viêm ruột thừa triệu chứng thực thể về cơ bản đã hết nhưng mạch vẫn sác (nhanh).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top