✴️ U xơ tử cung và vấn đề mang thai

Nội dung

Mắc u xơ tử cung có mang thai được không?

Những khối u xơ được phát triển từ các lớp cơ. Chúng có thể nằm ở bên trong thành tử cung, bên ngoài thành tử cung hoặc nằm ở thành tử cung và có thể mang những kích thước khác nhau. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu mắc u xơ tử cung, chị em cũng không nên quá lo lắng. Cụ thể, những trường hợp bệnh dưới đây vẫn có thể mang thai: 

Phụ nữ mắc u xơ tử cung hoàn toàn có thể mang thai được trong các trường hợp sau :

- Trường hợp khối u xơ có kích thước <5cm và không có triệu chứng biến chứng thì  hoàn toàn có thể mang thai được bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai cần được theo dõi chặt chẽ và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

- Trường hợp người bệnh có khối u xơ >5cm hoặc khối u nhỏ <5cm nhưng lại có nhiều triệu chứng, biến chứng u xơ tử cung thì cần điều trị mổ bóc tách khối u xơ trước khi mang thai. 

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được bảo toàn tử cung thì vẫn có thể mang thai. Người bệnh cần khoảng một năm để tử cung phục hồi tổn thương thì mới có thể mang thai trở lại. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể cần nhiều thời gian hơn, điều này tùy thuộc vào khả năng phục hồi vết thương của người bệnh. Không nên mang thai quá sớm vì có thể làm tăng nguy cơ sảy thai khi tử cung chưa được phục hồi hoàn toàn. 

Phụ nữ mắc u xơ tử cung có thể gặp nguy cơ gì khi mang thai

Phụ nữ bị u xơ tử cung có thể đối mặt với những nguy cơ sau: 

Gây hiếm muộn (đặc biệt với các khối u xơ tử cung nằm gần sát nội mạc tử cung): do lớp nội mạc tử cung bị thay đổi, không thuận lợi cho sự làm tổ của phôi.

Sảy thai: Do khối u ảnh hưởng đến nội mạc tử cung, do buồng tử cung bị chèn ép.

Nguy cơ sinh non: Những bệnh nhân mắc u xơ tử cung thường có ngôi thai bất thường do nhau thai bám ở những vị trí bất thường. Vì thế, nguy cơ sinh non sẽ rất cao. Ngoài ra, do khối u chèn ép buồng tử cung, nên nguy cơ sinh non cũng cao hơn.

Chuyển dạ khó khăn hơn: Những mẹ bầu bị u xơ tử cung thì quá trình chuyển dạ sẽ thường rất khó khăn và mất nhiều thời gian và tăng nguy cơ mổ lấy thai.

Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn: Sau khi sinh, gây bế sản dịch, nhiễm khuẩn hậu sản thời kỳ sau sinh.

Trên thực tế, để đưa ra phác đồ điều trị và lời khuyên có nên mang thai hay không, bác sĩ cần dựa vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như độ tuổi, sức khỏe của bệnh nhân, tình trạng mang thai,…

Phụ nữ mắc u xơ tử cung nên sinh thường hay sinh mổ?

Trước hết cần đánh giá nguy cơ giữa u xơ và thai, cụ thể là trong thai kỳ, nội tiết tố estrogen sẽ tăng cao. Điều này gây ra tác động đối với u xơ tử cung, làm thay đổi kích thước và mật độ của khối u xơ:

  • U xơ tử cung sẽ trở nên mềm hơn. Do đó, u sẽ ít cản trở đường ra của bé trong quá trình mẹ chuyển dạ vì khi đó u xơ dễ bị ép dẹp lại, trong trường hợp u nằm ở vị trí thấp;
  • Kích thước khối u thường to ra do sự tăng sinh của sợi cơ, kể cả những tế bào mô cơ ở thành tử cung. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện ra u xơ tử cung trong khi đang mang thai. Sau thời kỳ hậu sản, khối u xơ sẽ teo trở về như kích thước lúc đầu;
  • Khi mắc u xơ tử cung trong thai kỳ, dưới phúc mạc có cuống có thể bị đầy lên cao đến ổ bụng hoặc chui vào túi cùng Douglas, dễ bị xoắn hay kẹt lại tại đây.

Nhiều trường hợp mắc u xơ tử cung khi mang thai sẽ không đáng lo ngại nếu nguy cơ biến chứng khi sinh thấp và họ có thể sinh con bình thường. 

Bên cạnh đó, một số trường hợp u xơ khác lại được bác sĩ chỉ định sinh mổ. Nguyên nhân có thể là do những khối u xơ này có thể khiến tử cung không co thắt và chặn đường sinh của bệnh nhân khiến cho quá trình chuyển dạ kéo dài và khó khăn hơn. Vì thế, để quyết định sinh thường hay sinh mổ thì bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của thai phụ trong suốt thai kỳ. Đây là phương pháp tốt nhất để đảm bảo cho sự an toàn của cả mẹ và bé. 

Xem thêm: Điều trị u xơ tử cung

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top