✴️ 7 dấu hiệu viêm xoang bướm điển hình cần biết sớm

Nội dung

1. Viêm xoang bướm – Nguyên nhân do đâu?

Xoang bướm nằm ở vị trí gắn liền với tuyến yên cùng xoang tĩnh mạch hang. Đồng thời cũng gắn liền với ổ mắt và dây thần kinh thị giác. Khi vùng xoang bướm bị viêm nhiễm, phù nề, xuất hiện dịch, mủ thì chính là tình trạng viêm xoang bướm.

Nguyên nhân chính gây ra viêm xoang bướm là do bít tắc lỗ thông xoang, gây ra tình trạng viêm xoang cấp tính và mãn tính. Bên cạnh đó, bệnh viêm xoang bướm cũng do một số nguyên nhân khác như:

– Ô nhiễm môi trường. Môi trường ô nhiễm tập hợp rất nhiều vi khuẩn, nấm tấn công vào cơ thể. Với hành động hít vào sẽ khiến cho các loại nấm, vi khuẩn bám vào các xoang, trong đó có xoang hốc mũi tạo cơ hội phát triển thành bệnh.

– Cấu trúc mũi không phù hợp nên không thể bảo vệ được khoang mũi. Từ đó tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng xoang và khả năng tiết dịch của xoang trở nên yếu đi.

– Vách ngăn mũi bị lệch: là hậu quả của quá trình sau phẫu thuật hoặc bị tai nạn. Điều này ảnh hưởng tới lỗ thông xoang dẫn đến tình trạng vẹo vách ngăn mũi, kén hơi vách ngăn mũi, kén hơi cuốn mũi giữa hoặc cuốn mũi trên.

– Do biến chứng của bệnh polyp mũi, viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, viêm amidan,…

– Mắc một số bệnh lý khác như: Bệnh tiểu đường, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, bệnh xơ nang, hội chứng Kartagener.

lệch vách ngăn mũi

Lệch vách ngăn cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm xoang bướm

 

2. Những dấu hiệu viêm xoang bướm không thể bỏ qua

Đối với các bệnh viêm xoang thì triệu chứng thường khá giống nhau. Tuy nhiên vẫn có thể phân biệt được dấu hiệu viêm xoang bướm qua 7 triệu chứng điển hình sau:

– Nghẹt mũi, sổ mũi – triệu chứng xuất hiện đầu tiên của bệnh. Vì vi khuẩn tấn công và phát triển làm cho dịch mũi xuất hiện, chảy ra ngoài theo đường mũi. Tùy vào tình trạng bệnh mà dịch mũi có màu sắc khác nhau.

– Hắt hơi là triệu chứng kèm theo sau khi nghẹt mũi, sổ mũi. Bởi mũi luôn trong trạng thái bị kích thích do viêm nhiễm, dịch ứ đọng trong hốc xoang khiến người bệnh hắt hơi liên tục.

– Sốt nhẹ – biểu hiện cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động, chống lại sự tấn công của các vi khuẩn, nấm.

– Đau nhức vùng mặt và đầu, đặc biệt là vùng giữa hai mắt, đỉnh đầu và gáy. Tình trạng đau nhức càng tăng dần nếu bệnh nặng hơn.

dấu hiệu viêm xoang bướm

Người bệnh đau nhức vùng mặt và đầu

– Thị lực bị ảnh hưởng khi tình trạng viêm nhiễm lây lan. Người bệnh bắt đầu thấy tình trạng nhìn mờ, không rõ các vật xung quanh. Điều này là do xoang bướm nằm gần hệ thống dây thần kinh thị giác.

– Khứu giác giảm, thậm chí là điếc mũi. Khi hiện tượng chảy dịch ở vùng mũi kéo dài, người bệnh không còn phân biệt được mùi vị như trước.

– Viêm thanh quản, viêm họng với mức độ khác nhau. Điều này là hệ quả viêm nhiễm của dịch/đờm từ xoang bướm chảy xuống vùng sau họng.

 

3. Điều trị và phòng ngừa viêm xoang bướm hiệu quả

3.1. Điều trị viêm xoang bướm

Viêm xoang bướm để lâu sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người bệnh. Một số biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra bao gồm:

– Biến chứng ở mắt: áp xe mí mắt, áp xe tú lệ, viêm dây thần kinh thị giác.

– Biến chứng ở tai: viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, điếc tai.

– Biến chứng nội sọ: áp xe não, viêm màng não, viêm não,…

Do đó ngay khi nghi ngờ, nhận thấy những dấu hiệu viêm xoang bướm xuất hiện, người bệnh cần tới gặp bác sĩ để kiểm tra, chẩn đoán. Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm xoang bướm hiện nay gồm:

– Nội soi mũi

– Chụp CT hoặc MRI

– Xét nghiệm vi sinh mũi và xoang

– Xét nghiệm dị ứng

Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng bệnh một cách chính xác nhất. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp trong các phương pháp điều trị sau:

– Sử dụng thuốc để giảm triệu chứng bệnh (thường được chỉ định ở người bệnh có mức độ nhẹ).

– Phẫu thuật: nhằm mục đích loại bỏ viêm của ổ hang, lưu thông lỗ khí và dẫn lưu phức hợp lỗ thông mũi xoang. Thường được áp dụng với trường hợp người bệnh dùng thuốc không hiệu quả hoặc tình trạng bệnh ở giai đoạn nặng.

3.2. Phòng ngừa viêm xoang bướm

Bệnh viêm xoang bướm hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu:

– Tránh xa môi trường bụi bẩn, khói bụi, ô nhiễm… Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

– Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Nước muối sinh lý có khả năng ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn, virus gây bệnh.

– Tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ khi mắc bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng,…

– Xây dựng chế độ ăn khoa học và chế độ tập luyện để tăng cường sức khỏe. Điều này giúp cho cơ thể hình thành “lá chắn” bảo vệ từ bên trong, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

– Chủ động và duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần. Thói quen này sẽ giúp phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng xấu xảy đến.

viêm xoang bướm

Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài để ngăn ngừa vi khuẩn tấn công

Trên đây là 7 dấu hiệu viêm xoang bướm điển hình cần nắm rõ. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích để có thể bảo vệ mình khỏi bệnh lý tai mũi họng này nhé.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top