✴️ Ðau họng – khi nào cần cấp cứu?

Nội dung

Nguyên nhân đau họng

Đau họng là bệnh thường gặp gây ra bởi vi khuẩn, virut, nấm… Thông thường, triệu chứng đau họng sẽ hết trong vòng 3-5 ngày sau khi được điều trị hoặc cơ thể tự điều chỉnh được.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như độc tố vi khuẩn cao, cơ thể suy giảm sức đề kháng, các nhiễm khuẩn vùng họng lan rộng toàn bộ vùng cổ gây nên viêm tấy lan tỏa vùng cổ ngực, có trường hợp lan xuống trung thất. 

Hoặc các nhiễm khuẩn nặng có thể gây nên tình trạng nhiễm độc. Một số biến chứng của viêm nhiễm vùng họng như: viêm amidan dẫn đến áp-xe amidan, từ những ổ nhiễm khuẩn của họng, quá trình viêm xâm nhập vào nhóm hạch bạch huyết ở khoang sau họng gây ra áp-xe thành sau họng, áp-xe thành bên họng.

Đây cũng là cấp cứu trong tai mũi họng. Người ta thấy sự xuất hiện của vi khuẩn gây bệnh trong những trường hợp này là tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, vi khuẩn kị khí và ái khí, trong đó có liên cầu bêta tan huyết nhóm A.

đau họng

Nhận biết đau họng biến chứng

Khi đau họng gây biến chứng: biểu hiện bệnh nhân đau họng ngày càng tăng, há miệng khó khăn dần dần dẫn đến khít hàm. Đau họng liên tục trong khi vẫn đang được sử dụng kháng sinh, mức độ đau tại họng giảm trong 1-2 ngày đầu sau đó lại tăng lên ngày một nặng. 

Đặc điểm đau họng trong áp-xe quanh amidan là đau lan lên tai khi nuốt, đau nhức vùng góc hàm. Người bệnh cảm thấy nuốt khó, nước bọt chảy nhiều, bẩn, hơi thở hôi, thối.

Khi nhiễm khuẩn lan rộng làm bệnh nhân có thay đổi giọng nói, giọng như ngậm hạt thị, đầy đầy khó nghe do eo họng bị thu hẹp. Giai đoạn muộn khi khối áp-xe lan ra vùng cơ cắn sẽ gây ra hiện tượng khít hàm. Khó thở xuất hiện khi khối áp-xe lấp kín họng miệng, lan dần xuống họng thanh quản. Khó thở thường nhanh nông, mạch nhỏ, khó bắt. 

Toàn thân biểu hiện tình trạng nhiễm khuẩn nặng hoặc nhiễm khuẩn kèm theo nhiễm độc: Sốt cao 39 – 40ºC, rét run, da xanh xám. Khám họng niêm mạc xung huyết đỏ, nhiều giả mạc bẩn vàng xanh. Phần trước amidan căng phồng, phía dưới có thể chứa mủ. Lưỡi gà mọng nước, di động kém. Áp-xe amidan thường bị một bên. Hạch cùng bên cũng sưng to, ấn đau do phản ứng viêm lan tới hạch.

Điều trị áp xe amidan

Biến chứng của viêm họng liên cầu khuẩn hoặc viêm amidan là áp xe amidan

Các xét nghiệm cần làm giúp chẩn đoán và điều trị đúng

Xét nghiệm máu cho kết quả là bạch cầu đa nhân trong máu tăng cao, nhất là bạch cầu đa nhân trung tính (trên 80%). Chụp X-quang cổ nghiêng có thể nhìn thấy hình ảnh mức nước mức hơi trên phim (một biểu hiện của khối áp-xe). 

Có thể tiến hành chụp cắt lớp vi tính vùng cổ nếu tình trạng bệnh nhân cho phép và ở cơ sở có điều kiện để có thể đánh giá được chính xác vị trí, kích thước, mức độ nặng của nhiễm khuẩn lan rộng. 

Lấy mủ đi nuôi cấy tìm vi khuẩn và loại kháng sinh đồ thích hợp nhất, giúp điều trị có hiệu quả. Viêm tấy vùng cổ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể lan vào khoang sau tạng, áp-xe lan vào trung thất, phổi. Nhiễm khuẩn huyết… thậm chí tử vong, do đó rất nguy hiểm.

Nội khoa kết hợp với ngoại khoa (rạch rộng dẫn lưu mủ). Điều trị nội khoa bằng kháng sinh kết hợp theo kháng sinh đồ, chống cả vi khuẩn hiếu khí và kị khí đường tiêm truyền, hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Thời gian điều trị kéo dài ít nhất 10 ngày. Bệnh nhân có chỉ định cắt amidan, nạo V.A sau khi hết dấu hiệu viêm nhiễm tại chỗ và toàn thân khoảng một tháng.

Phòng biến chứng nguy hiểm của đau họng

Khi bị đau họng, bệnh nhân cần đi khám và điều trị theo đúng chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng. Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc sử dụng không đúng thuốc, không đúng cách dùng cũng như thời gian uống mà bác sĩ đã kê đơn. 

Nếu người bệnh phát hiện được giai đoạn trung gian giữa viêm amidan cấp và áp-xe quanh amidan là hiện tượng viêm tấy quanh amidan, điều đó có ý nghĩa rất quan trọng, tránh cho bệnh nhân phải can thiệp thủ thuật, thời gian điều trị được rút ngắn. 

Ở giai đoạn viêm tấy quanh amidan, thường chỉ cần sử dụng kháng sinh, chống viêm liều cao đường uống hoặc tiêm, đồng thời hạ sốt, giảm đau tốt cho bệnh nhân trong khoảng một tuần là khỏi. Giữ họng thường xuyên sạch bằng cách súc họng hàng ngày bằng những thuốc có tính kiềm nhẹ (nước muối loãng), ăn uống hợp vệ sinh…  

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top