✴️ Bị viêm xoang mũi có chữa được không?

Viêm xoang mũi đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng hiểu rõ về các nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách điều trị. Vậy bị viêm xoang mũi có chữa được không, cách xử trí như thế nào, cùng tìm hiểu các thông tin cần biết về bệnh qua bài viết dưới đây nhé!

 

1. Tìm hiểu về bệnh viêm xoang mũi

Trước khi tìm hiểu bệnh, cần hiểu rõ khái niệm về “xoang”. Xoang là hốc xương rỗng có lớp niêm mạc bên trong, đảm nhiệm vai trò thực hiện chức năng thông khí và phát âm. Cơ thể con người có 4 cặp xoang và được chia làm 2 phần là xoang trước và xoang sau. Tình trạng lớp niêm mạc xoang bị viêm nhiễm gây ảnh hưởng đến các chức năng hoạt động bình thường được gọi là viêm xoang mũi.

Bị viêm xoang mũi là tình trạng lớp niêm mạc xoang bị viêm nhiễm gây ảnh hưởng tới các chức năng hoạt động bình thường

Bị viêm xoang mũi là tình trạng lớp niêm mạc xoang bị viêm nhiễm gây ảnh hưởng tới các chức năng hoạt động bình thường

 

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang mũi, trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm virus, vi khuẩn làm tổn thương các tế bào ở lớp niêm mạc xoang gây viêm mũi xoang cấp tính. Ngoài ra, có thể kể đến một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh như: Dị ứng do thời tiết lạnh, phấn hoa, môi trường khói bụi…

Ngoài ra, ở một vài trường hợp khi bệnh nhân gặp các bất thường sau khi giải phẫu mũi xoang như: Lệch vách ngăn mũi, Polyp mũi, phì đại cuốn mũi khiến cho lưu thông mũi xoang kém… cũng có thể gây viêm xoang mũi.

 

2. Một số triệu chứng điển hình của viêm xoang mũi

Một số triệu chứng ban đầu của viêm xoang mũi là hắt hơi, sổ mũi như những bệnh nhiễm cúm thông thường khác. Ở thời gian sau, ở người bệnh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng khác như: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, dịch tiết ở nước mũi có thể trong hoặc có màu xanh.

Bên cạnh đó, ở một số trường hợp khi viêm xoang mũi trở nặng, người bệnh còn có thể sốt, ho, đau nhức ở vùng mũi đồng thời giảm khả năng cảm nhận mùi, gặp khó khăn trong việc ngửi thấy mùi.

Hắt hơi, sổ mũi là một số dấu hiệu đặc trưng khi bị viêm xoang mũi

Hắt hơi, sổ mũi là một số dấu hiệu đặc trưng khi bị viêm xoang mũi

 

3. Viêm xoang mũi có chữa được không?

Đối với thắc mắc viêm xoang mũi có chữa được không, câu trả lời còn tùy thuộc vào loại viêm xoang mà bạn mắc. Đối với viêm xoang cấp tính thì việc điều trị hoàn toàn có thể mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên nếu như không được điều trị, khi viêm xoang cấp tính trở thành viêm xoang mãn tính, lúc này bệnh hầu như không thể chữa khỏi được mà thay vào đó chỉ có thể sử dụng một số biện pháp nhằm giảm các triệu chứng để cải thiện bệnh. Ngoài ra, nếu như các yếu tố dị ứng vẫn tồn tại trong môi trường sống của người bệnh thì các bệnh lý viêm xoang cũng sẽ trở nên khó kiểm soát.

3.1. Điều trị nội khoa

Với hình thức điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, hoặc thuốc co mạch chống xuất tiết. Lúc này, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định về cách thức cũng như liều lượng sử dụng được bác sĩ được đưa ra để tránh tình trạng kháng thuốc gây ra viêm xoang mạn tính. Trong trường hợp cần phải rửa xoang hoặc bơm thuốc vào để điều trị, bệnh nhân lưu ý nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, đảm bảo để tránh những biến chứng đáng tiếc như: Viêm đường hô hấp dưới, một số biến chứng ở vùng mắt, tai…

3.2. Phẫu thuật điều trị viêm xoang mũi

Phẫu thuật viêm xoang mũi thường được chỉ định trong các trường hợp dưới đây:

– Điều trị nội khoa tuy nhiên không đem lại hiệu quả

– Viêm xoang mũi kéo dài trong nhiều năm

– Viêm xoang mũi xuất hiện các biến chứng như: Viêm ổ mắt, chèn vào dây thần kinh thị giác

– Xuất hiện các bất thường về giải phẫu như: Lệch vách ngăn mũi, polyp quá to…

Lúc này, thủ thuật phẫu thuật có tác dụng làm sạch xoang, đồng thời loại bỏ các khối Polyp hoặc điều chỉnh vách ngăn bị lệch

 

4. Biện pháp giảm triệu chứng viêm xoang mũi

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng có thể áp dụng một số biện pháp sau nhằm giảm các triệu chứng viêm xoang mũi:

– Tăng lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày bởi uống nhiều nước có tác dụng làm loãng chất nhầy, từ đó giảm bớt tình trạng đau hoặc ngạt mũi

– Chườm khăn ấm nhiều lần trong ngày, xông mũi khoảng từ 1 đến 2 lần/ngày

– Chú ý luôn phải đeo khẩu trang khi ra đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm

– Tránh tuyệt đối với các chất độc hại như khói thuốc lá hoặc mùi hóa chất mạnh

– Có thể trang bị máy tạo ẩm có tác dụng giữ ẩm trong không khí

– Sử dụng nước muối để rửa, xịt mũi nhiều lần trong ngày

– Bổ sung các chất vitamin có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể.

– Xây dựng chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Trong quá trình nghỉ ngơi, lúc này cơ thể sẽ sản sinh các bạch cầu để chống lại vi khuẩn và virus, bên cạnh đó, nghỉ ngơi cũng đem lại tác dụng giúp giảm áp lực xoang, đồng thời tăng thời gian hồi phục

– Áp dụng một số bài tập thiền hoặc yoga để thư giãn và giảm đau.

– Giữ ấm khi thời tiết trở lạnh, cần phòng ngừa cảm cúm chuyển thành viêm mũi xoang.

Viêm xoang mũi có thể nói là một bệnh lý vô cùng phổ biến, đặc biệt là với khí hậu nhiệt đới gió mùa như ở nước ta. Chính vì vậy, mỗi chúng ta nên trang bị những kiến thức cần thiết để phòng tránh cũng như điều trị bệnh hiệu quả. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bị viêm xoang mũi, để tránh tình trạng bệnh tiến triển thành viêm xoang cấp tính, người bệnh cần ngay lập tức thăm khám để được tư vấn và lên phương án chữa bệnh kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top