✴️ Chẩn đoán và điều trị bệnh ménière

Không có một xét nghiệm nào có thể cho phép chẩn đoán được bệnh Ménière. Bác sĩ sẽ phải thăm khám lâm sàng, hỏi về các tiền căn bệnh lý của cá nhân hay gia đình, và cân nhắc các dấu hiệu và triệu chứng.

Các câu hỏi thường bao gồm:

  • Độ nặng của các triệu chứng
  • Tần suất xuất hiện của triệu chứng
  • Các loại thuốc đang sử dụng
  • Các vấn đề trước đây của tai
  • Tổng trạng sức khỏe
  • Tiền căn mắc bệnh truyền nhiễm hoặc dị ứng
  • Các tiền căn gia đình về bệnh tai trong

Có nhiều bệnh khác cũng có triệu chứng tương tự, điều này khiến cho việc chẩn đoán Ménière thêm khó khăn.

Mất thính giác

Để đánh giá được độ nặng của việc mất thính giác thì bệnh nhân sẽ được thực hiện đo thính lực.

Một âm kế sẽ sản sinh ra các âm thanh với đủ cường độ và cao độ. Bệnh nhân sẽ được nghe thông qua tai nghe và sẽ ra dấu khi nghe được cũng như không nghe được một âm thanh.

Đánh giá thăng bằng

Nhiều bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng. Cảm giác thăng bằng có thể sẽ trở lại bình thường ở giữa từng đợt chóng mặt.

Điện ký rung giật nhãn cầu

Nước hoặc khí ấm và lạnh sẽ được đưa vào bên trong ống tai. Sau đó một thiết bị sẽ ghi nhận lại các cử động không tự chủ của mắt do đáp ứng lại với các tác nhân kích thích này. Các phản xạ này có thể chỉ điểm được vấn đề ở tai trong.

Nghiệm pháp ghế xoay

Bệnh nhân được cho ngồi lên một chiếc ghế nhỏ có gắn máy bên dưới. Các điện cực sẽ được đặt gần vùng mắt bệnh nhân và máy điều khiển chiếc ghế sẽ dần dần xoay ghế qua lại với nhiều tốc độ khác nhau.

Sự chuyển động sẽ kích thích hệ thống giữ thăng bằng bên trong và gây ra co giật mắt. Máy tính và thiết bị ghi hình sẽ ghi nhận lại các hình ảnh này bằng camera hồng ngoại.

Nghiệm pháp điện thế sinh cơ tiền đình

Nghiệm pháp này đo lường chức năng của một số cảm ứng ở tai trong mang nhiệm vụ phát hiện sự gia tốc.

Biểu đồ tư thế

Bệnh nhân được mặc một dụng cụ bảo hộ, không mang giày dép và đứng trên một mặt phẳng đặc biệt cùng lúc đó sẽ phải cố gắng giữ thăng bằng trước nhiều trạng thái khác nhau.

Các nghiệm pháp khác

Cần phải loại trừ các chẩn đoán khác ví dụ như u não hay bệnh đa xơ cứng, do đó các kỹ thuật sau có thể sẽ được thực hiện:

  • MRI
  • CT
  • Điện thính thân não, dùng để đo lường chức năng của tai và não trong việc đáp ứng lại với âm thanh nhằm loại trừ u não

ĐIỀU TRỊ

Mặc dù không có biện pháp điều trị triệt để nhưng có những biện pháp có thể làm giảm triệu chứng.

Thay đổi lối sống

Bệnh Ménière có mối liên hệ với các stress và lo âu. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ràng là stress và lo âu gây ra triệu chứng của bệnh hay bệnh gây ra stress và lo âu.

Dù là chiều hướng nào thì việc kiểm soát stress và lo âu cũng có thể làm giảm mức độ nặng của triệu chứng. Yoga, thiền và khí công có hiệu quả ở nhiều trường hợp.

Các nghiên cứu gợi ý rằng có mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ù tai, do đó bỏ thuốc lá có thể làm giảm triệu chứng này.

Thuốc điều trị chóng mặt

Một vài loại thuốc có thể được dùng để làm giảm triệu chứng chóng mặt:

  • Thuốc giảm say tàu xe: Bao gồm các loại thuốc như meclizine (Antivert) và diazepam (Valium). Thuốc có thể làm giảm cảm giác chóng mặt, buồn nôn và nôn ói.
  • Thuốc giảm buồn nôn: Prochlorperazine (Compazine) có tác dụng điều trị nôn ói do chóng mặt.
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc làm giảm sự tích tụ dịch bên trong cơ thể. Thường sẽ kết hợp giữa triamterene và hdrochlorothiazide (Dyazide hoặc Maxzide) để điều trị Ménière.

Giảm lượng dịch tích tụ trong cơ thể có thể làm cải thiện lượng dịch và áp lực ở tai trong, từ đó làm giảm độ nặng và tần suất xuất hiện của triệu chứng.

Tiêm tại giữa

Một số loại thuốc, ví dụ như kháng sinh gentamicin và streroid, có thể được tiêm vào vùng tai giữa để làm cải thiện các triệu chứng của chóng mặt.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được thực hiện nếu như các biện pháp khác không có tác dụng hoặc nếu như triệu chứng nặng. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Giảm áp túi cùng nội bạch huyết: Một phần nhỏ của xương xung quanh túi cùng nội bạch huyết sẽ được lấy ra. Phần màng này nằm ở vùng tai trong có chức năng kiểm soát áp lực dịch ở trong tai. Nếu như cấu trúc này không hoạt động bình thường thì có thể gây ra chóng mặt.
  • Cắt bỏ mê nhĩ: Một phần của tai trong sẽ được cắt bỏ.
  • Cắt dây thần kinh tiền đình
  • Liệu pháp phục hồi chức năng tiền đình: Bệnh nhân có thể bị mất khả năng thăng bằng giữa các đợt chóng mặt. Một chuyên viên y tế có thể hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập và hoạt động để giúp cơ thể và não bộ hồi phục lại chức năng thăng bằng.

Các bệnh nhân bị mất thính giác có thể sử dụng máy trợ thính.

Các biện pháp khác

Ngoài thay đổi chế độ ăn và phong cách sống thì có một vài biện pháp tự nhiên khác có thể được sử dụng trong điều trị Ménière.

Một vài thảo dược như rễ gừng hay bạch quả có thể làm giảm các triệu chứng của chóng mặt.

Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có các bằng chứng cụ thể nào ủng hộ cho việc sử dụng thực phẩm chức năng có chứa thảo dược, châm cứu, và giác hơi để điều trị Ménière.

Các thực phẩm chức năng có chứa thảo dược có thể gây ảnh hưởng lên các thuốc đang sử dụng. Nếu như có mong muốn sử dụng thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

Biện pháp áp lực dương

Một vài năm trước, hiệp hội FDA đã cấp phép sử dụng cho một thiết bị hỗ trợ bệnh nhân Ménière.

Thiết bị này sẽ phát ra các xung áp lực khí vào phần tai giữa. Các xung này tương tác với dịch bên trong tai để làm giảm chóng mặt.

CHẾ ĐỘ ĂN

Một vài sự thay đổi trong chế độ ăn có thể làm giảm lượng dịch tích tụ. Nhìn chung thì giảm được lượng dịch tích tụ càng thấp thì độ nặng và tần suất của các triệu chứng cũng sẽ giảm theo.

Các phương pháp dưới đây có thể có ích:

  • Ăn nhiều bữa ăn nhỏ: Chia đều các bữa ăn ra trong 1 ngày có thể giúp điều hòa lượng dịch trong cơ thể. Thay vì ăn ba bữa lớn mỗi ngày, hãy thử chia ra thành sáu bữa nhỏ hơn.
  • Hạn chế muối: Càng ăn ít muối thì dịch càng ít tích tụ. Nên hạn chế thêm muối vào thức ăn và không nên ăn vặt, bởi các món ăn vặt thường chứa rất nhiều muối.
  • Hạn chế lượng thức uống có cồn: Thức uống có cồn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên thể tích và thành phần của dịch trong tai.
  • Uống nước thường xuyên: Bệnh nhân nên uống nước nhiều khi hoạt động thể chất nặng hoặc trong mùa nóng.
  • Tránh dùng tyramine: Đây là một amino acid có mặt ở trong nhiều loại thức ăn, bao gồm gan gà, thịt xông khói, rượu đỏ, phô mai chín, các loại hạt và sữa chua. Chất này có thể gây đau nửa đầu và những người có bệnh Ménière nên tránh dùng các thức ăn có chứa nó.

TÓM TẮT

Bệnh Ménière có nhiều triệu chứng phức tạp và rất khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị.

Các cơn cấp thường xảy ra thường xuyên hoặc không thường xuyên và có thể gây ra stress, lo lắng, mất thính giác. Có các khoảng không triệu chứng ở giữa các đợt cấp.

Bệnh nhân nên đi khám do có nhiều phương pháp có thể giúp kiểm soát được triệu chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top