✴️ Coi chừng u xơ vòm mũi họng

Nội dung

Vì sao chảy máu mũi?

Niêm mạc mũi tập trung nhiều mạch máu và có mạng lưới mao mạch dày đặc nên rất dễ gây chảy máu nếu có viêm nhiễm, tác động hoặc mắc bệnh lý nào đó.

Chảy máu mũi do nhiều nguyên nhân, có thể do nguyên nhân tại chỗ như viêm mũi xoang cấp, dị vật mũi, chảy máu mũi do chấn thương hoặc sau phẫu thuật tai mũi họng – hàm mặt, do khối u lành tính như polyp mũi thể chảy máu, u xơ vòm mũi họng…, do khối u ác tính như ung thư vòm họng, u ác tính ở mũi…

Ngoài ra, chảy máu mũi cũng có thể do nguyên nhân toàn thân như bệnh nhiễm khuẩn ký sinh trùng, bệnh về máu, bệnh tim mạch.

U xơ vòm mũi họng

 

Dấu hiệu của u xơ vòm mũi họng

Chảy máu mũi có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nếu hay chảy thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh u xơ vòm mũi họng. U xơ vòm mũi họng thường gặp ở trẻ trai từ độ tuổi 6-15.

Triệu chứng ban đầu là ngạt, chảy nước mũi, kèm theo lợn cợn máu. Sau đó thường xuyên chảy máu mũi một hoặc cả hai bên và chảy đi chảy lại nhiều lần, có thể chảy với lượng nhiều trong một lần.

Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác như: đau đầu, giảm khứu hay mất hẳn khứu giác, tai đau, mắt lồi…

U xơ vòm mũi họng là một khối u lành tính nhưng có khả năng lan rất nhanh, lan vào các hốc mũi, xoang mặt, lan xuống vùng họng, miệng, vào hốc mắt. Hiện tượng chảy máu mũi nặng sẽ kèm theo nhiễm trùng.

Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của bệnh nhân, gây thiếu ôxy, thiếu máu, kém ăn, mất ngủ, làm cho bệnh nhân gầy gò, xanh xao.

Mặc dù, đây là u lành tính nhưng nếu người bệnh chảy máu nhiều, thường xuyên mà không biết cách cầm máu, hồi sức hoặc khi u lan vào nền sọ, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong.

Điều trị u xơ vòm mũi họng cần được tiến hành sớm, nếu khối u còn nhỏ, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để cắt bỏ u một cách dễ dàng, nguy cơ chảy máu rất ít.

Ngược lại, khi khối u lớn, nguy cơ chảy máu cao bác sĩ không thể phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, mà khi ấy phải cắt xương mặt để tiến vào hốc mũi cắt bỏ khối u nên dễ bị sẹo trên mặt sau phẫu thuật hoặc điều trị bằng tia xạ kết hợp với nội tiết tố giúp teo nhỏ khối u.  

Do vậy, để hạn chế u lan nhanh và tránh biến chứng, khi thấy có dấu hiệu chảy máu mũi nhiều lần số lượng máu chảy ngày càng lớn cần đưa ngay người bệnh đến chuyên khoa tai – mũi – họng để khám và điều trị sớm.

U xơ vòm mũi họng

 

Xử trí chảy máu mũi thế nào?

Lời khuyên của các chuyên gia y tế, trước một người chảy máu mũi trước tiên phải xử trí cầm máu trước, sau đó mới tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Sau đây là một số cách xử trí thông thường:

– Nếu máu chảy ít: Cho người bệnh ngồi cúi về trước, dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi trong 7 – 10 phút, máu có thể cầm. Ở những nơi có sẵn lá nhọ nồi hay lá chuối non có thể giã nhỏ rồi nhét vào bên mũi chảy máu.

– Nếu máu chảy nhiều: Lấy miếng vải mềm, sạch nhét sâu vào bên mũi chảy máu, tuyệt đối không để cho người bệnh nuốt máu. Sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cầm máu và tìm nguyên nhân gây bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top