Bệnh viêm amidan hốc mủ bã đậu được nhận định là một căn bệnh phổ biến và không giới hạn độ tuổi mắc bệnh. Căn bệnh này thường diễn ra do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, nó có thể dẫn tới các biến chứng nhiễm khuẩn tại chỗ, ở vùng lân cận và toàn thân ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân.
Amidan chính là tổ chức hạch bạch huyết giúp sản sinh ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể con người chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập thông qua đường ăn và đường thở. Amidan khẩu cái nằm ở 2 bên của vùng thành họng, đây là amidan lớn nhất cũng dễ bị viêm nhiễm nhất.
Do bề mặt của amidan không nhẵn mà có các khe hốc nên khi bị viêm nhiễm, vi khuẩn sẽ có thể ẩn náu lâu ngày ở trong hốc amidan đó mà gây nên tình trạng viêm cục bộ một số hốc. Sau đó, mủ đọng lâu ngày trong các hốc amidan vón lại thành kén, bản chất các nốt nhìn như bã đậu đó chính là vón mủ.
Như vậy, viêm amidan hốc mủ bã đậu (viêm amidan hốc bã đậu) là tình trạng bị viêm amidan mạn tính và ở trên bề mặt amidan có nhiều hốc chứa các chất như bã đậu.
– Người bệnh thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây hại như: khói bụi, chất thải, các tác nhân ô nhiễm môi trường… khiến quá trình xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn gia tăng vào cơ thể.
– Sức đề kháng suy giảm, cơ địa dễ dị ứng: Khi hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc chưa được hoàn thiện, cùng với sức đề kháng không đủ khả năng chống lại bệnh tật thì sẽ dẫn đến việc họ dễ mắc bệnh viêm amidan hốc bã đậu.
– Do xuất hiện các ổ viêm nhiễm ở vùng họng, miệng như: viêm V.A, sâu răng, viêm lợi, viêm xoang… Ngoài ra, còn do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe kẽ, hốc – đây là nơi cư trú, ẩn náu và dễ phát triển của vi khuẩn.
– Bệnh nhân không có thói quen vệ sinh răng miệng hằng ngày một cách cẩn thận và thường xuyên, ăn uống không hợp vệ sinh, hoặc bệnh amidan cấp tính dẫn đến biến chứng là bị viêm amidan hốc bã đậu…
– Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng sốt khoảng 38 độ
– Bị đỏ và sưng amidan
– Amidan và vùng vòm họng có xuất hiện nhiều đốm mủ trắng và xanh. Sau vài ngày, các đốm mủ này sẽ tự động bị bật ra khỏi vùng viêm và có mùi rất khó chịu.
– Cảm thấy bị đau vùng cổ họng hoặc khó nuốt.
– Hạch ở cổ bị sưng to, mềm và ấn đau.
– Bị khàn giọng và hôi miệng.
Căn bệnh này thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng nếu không được điều trị sẽ có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới cơ thể của chúng ta, một số biến chứng có thể gây nguy hiểm như sau:
– Khi hốc mủ bị vỡ ra sẽ gây nên chứng hôi miệng, làm giảm sự tự tin khi giao tiếp.
– Nếu kèm theo quá phát amidan do bị viêm tái phát nhiều lần sẽ dẫn tới ảnh hưởng việc ăn uống, đường thở và khả năng nói.
– Hốc mủ chính là ổ chứa vi khuẩn nên người bị bệnh sẽ thường xuyên bị nhiễm khuẩn ở vùng răng miệng, vùng hầu họng, bị viêm tai giữa và viêm đường hô hấp dưới.
– Đặc biệt, những biến chứng nguy hiểm khi bị viêm amidan hốc mủ khác bao gồm: Biến chứng tại chỗ gây tình trạng áp xe quanh vùng amidan, toàn thân nếu bị viêm nặng có thể gây ra nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp…
Căn bệnh này thường được cân nhắc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt amidan. Điều trị nội khoa chủ yếu giúp nâng cao thể trạng, điều trị triệu chứng và dùng kháng sinh khi có nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng. Cụ thể:
– Nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ nhàng, uống nước nhiều.
– Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt: paracetamol…
– Sử dụng kháng sinh: trong trường hợp bị nhiễm khuẩn dùng nhóm β lactam, nếu dị ứng thì sẽ dùng nhóm macrolid.
– Nhỏ mũi bằng dung dịch sát trùng nhẹ.
– Súc miệng bằng dung dịch kiềm ấm như: bicarbonat natri, borat natri… ( định lượng nửa thìa cà phê trong một cốc nước ấm).
– Sử dụng các loại vitamin và khoáng chất giúp nâng cao đề kháng.
Người bệnh sẽ được cân nhắc điều trị ngoại khoa cắt amidan khi có các dấu hiệu sau:
– Tình trạng viêm amidan hốc bã đậu gây nên chứng hôi miệng kéo dài.
– Amidan viêm mạn tính gây các biến chứng như viêm tấy, áp xe quanh amidan.
– Amidan viêm mạn tính gây nên các biến chứng như: viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch ở dưới hàm hoặc ở thành bên họng…
– Amidan viêm mạn tính gây các biến chứng xa như: viêm cầu thận, viêm màng trong tim, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.
– Amidan viêm mạn tính quá phát gây nên tình trạng người bệnh bị khó thở, khó nuốt và khó khăn khi nói chuyện.
Quá trình cắt amidan thường diễn ra không quá phức tạp và việc cắt amidan cũng không gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của cơ thể, do đó nếu dùng những phương pháp điều trị nội khoa thông thường không khỏi, bác sĩ có thể xem xét đến việc bạn có nên thực hiện phẫu thuật cắt amidan hay không.
Có thể thấy, viêm amidan hốc bã đậu sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bởi vậy, khi có những dấu hiệu của căn bệnh này, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và được chữa trị triệt để nhằm tránh những tác hại không mong muốn mà bệnh gây ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh