✴️ Hội chứng bỏng rát miệng

1. Định nghĩa

Hội chứng bỏng rát miệng là tình trạng bỏng rát trong miệng không rõ nguyên nhân. Thông thường, cơn đau xảy ra ở đầu lưỡi hoặc vòm miệng nhưng thỉnh thoảng, tình trạng cũng xuất hiện ở cung răng lợi hoặc bề mặt phía trong của môi và thường kéo dài trong nhiều năm.

Khoảng 1/3 số trường hợp có hội chứng bỏng rát miệng nói rằng điều này xảy ra sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa, sau đợt bệnh hoặc một chu trình điều trị bệnh. Tuy nhiên hầu hết có thể không thể tìm thấy mối liên quan với bất kỳ lý do nào.

 

2. Triệu chứng

Nếu bạn bị hội chứng bỏng rát miệng, miệng của bạn có thể có cảm giác như vừa ăn hoặc uống đồ nóng. Cảm nhận khác nhau ở mỗi người. Nói chung, các triệu chứng của hội chứng miệng bỏng rát có thể bao gồm:

  • Cảm giác bỏng rát trên lưỡi, vòm miệng, lợi, bên trong má và phía sau cổ họng. Mức độ có thể khác nhau khi ăn hoặc uống
  • Tê hoặc châm chích ở lưỡi, có thể xuất hiện và biến mất
  • Khó nuốt
  • Khô miệng
  • Viêm họng
  • Thay đổi mùi vị, chẳng hạn như miệng có vị kim loại gây khó chịu

Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn trong suốt cả ngày. Nếu tình trạng bỏng rát không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn cần đi gặp nha sĩ hoặc bác sĩ để kiểm tra.

 

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nguyên phát: không tìm thấy nguyên nhân cụ thể. Tổn thương thần kinh vị giác hoặc thần kinh cảm giác (đau) được xem là nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này

Nguyên nhân thứ phát: Đôi khi, hội chứng bỏng rát miệng là hậu quả của các vấn đề sức khỏe khác. Trong trường hợp này, nó được gọi là hội chứng bỏng rát miệng thứ phát. Nguyên nhân của hội chứng miệng bỏng thứ phát bao gồm:

  • Trào ngược axit dạ dày
  • Dị ứng với chất liệu làm răng giả
  • Lo lắng hoặc trầm cảm
  • Thay đổi nội tiết tố do bệnh tuyến giáp, tiểu đường hoặc mãn kinh
  • Khô miệng do bệnh hoặc phương pháp điều trị. Ví dụ, hội chứng Sjogren và xạ trị
  • Thuốc điều trị huyết áp
  • Răng giả không phù hợp
  • Thiếu sắt, vitamin B12 hoặc axit folic
  • Kích ứng với một số loại kem đánh răng hoặc nước súc miệng
  • Căng thẳng
  • Tưa miệng

 

4. Yếu tố nguy cơ

Hội chứng bỏng rát miệng xảy ra ở nữ giới hơn nam giới. Một số yếu tố nguy cơ khác như: nữ giới trong độ tuổi 50 – 70 và đang trong thời kỳ mãn kinh.

Yếu tố nguy cơ

 

5. Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và thời điểm xuất hiện triệu chứng, tiền sử dị ứng, tiền sử sử dụng các loại thuốc, tình trạng hút thuốc hay uống rượu. Bác sĩ sẽ kiểm tra khoang miệng và kiểm tra xem có nhiễm trùng hay không.

Một số xét nghiệm có thể được tiến hành để loại trừ các vấn đề sức khoẻ khác như:

  • Kiểm tra phản ứng dị ứng
  • Sinh thiết
  • Xét nghiệm máu: kiểm tra tình trạng tuyến giáp hoặc bệnh tiểu đường
  • Chụp CT
  • MRI
  • Định lượng nước bọt

 

6. Điều trị

Nếu bác sĩ tìm thấy nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng bỏng rát miệng thì đây là hội chứng bỏng rát miệng thứ phát. Lúc này, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân và các triệu chứng sẽ được cải thiện. Trong khi đó, nếu hội chứng bỏng rát miệng nguyên phát thì không có cách điều trị, tuy nhiên vẫn có nhiều cách giúp làm giảm và kiểm soát triệu chứng.

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra một hoặc một vài phương pháp điều trị, như:

  • Các loại thuốc giúp giảm đau liên quan đến thần kinh như Amitriptyline (Elavil) và Nortriptyline (Aventyl, Pamelor)
  • Capsaicin
  • Clonazepam (Klonopin) dùng với liều lượng thấp
  • Sử dụng nội tiết tố nữ thay thế
  • Nước súc miệng
  • Sản phẩm thay thế nước bọt
  • Bổ sung Vitamin

Ngoài ra, một số biện pháp có thể giúp cải thiện triệu chứng như:

  • Tránh thực phẩm có tính axit như cà chua, nước cam, nước chanh.
  • Tránh uống rượu, kể cả nước súc miệng có cồn.
  • Tránh các sản phẩm có quế và bạc hà.
  • Tránh ăn đồ cay.
  • Không hút thuốc lá.
  • Nhai kẹo cao su không đường vì nó tiết nhiều nước bọt hơn.
  • Uống nhiều nước.
  • Giảm căng thẳng bằng yoga hoặc các sở thích khác.
  • Tham gia hoạt động xã hội hoặc tham gia nhóm hỗ trợ giảm đau.
  • Ngậm nước đá.

 

7. Biến chứng

Hội chứng bỏng rát miệng là một tình trạng đau mãn tính và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc chẩn đoán có thể mất nhiều thời gian. Cơn đau có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Một số người bị đau mỗi ngày.

Cơn đau có thể khiến bạn cảm thấy chán nản, căng thẳng hoặc lo lắng. Điều này làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và khó ngủ. Bất kỳ loại đau mãn tính nào cũng có thể dẫn đến lo lắng, nó được xem là nguyên nhân gây ra các vấn đề về giấc ngủ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top