Nạo VA bằng plasma là biện pháp tối ưu giúp điều trị loại bỏ triệt để ổ viêm VA. Vậy người bệnh cần lưu ý gì trước và sau khi phẫu thuật nội soi nạo VA bằng plasma?
Phương pháp nạo VA bằng plasma
Dao plasma giúp hạn chế hiệu quả vấn đề chảy máu trong phẫu thuật tai mũi họng, đặc biệt giảm thiểu đau đớn. Đối với trẻ nhỏ, những cơn đau trong phẫu thuật thường ảnh hưởng rất lớn, nên việc hạn chế đau luôn được coi trọng. Ứng dụng plasma giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật đáng kể, cầm máu dễ dàng ngay trong khi mổ và bệnh nhân sau mổ cũng hồi phục nhanh chóng hơn.
Phẫu thuật nội soi nạo VA bằng plasma được đánh giá một phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay, giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng này.
Lưu ý trước khi phẫu thuật nội soi nạo VA bằng plasma
Trước khi phẫu thuật khoảng từ 7-10 ngày, cha mẹ cần lưu ý không cho trẻ dùng các loại thuốc chống viêm nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt tuân thủ hướng dẫn về thời hạn cuối cùng trẻ được phép ăn, uống trước khi tới viện để phẫu thuật. Chú ý sau thời điểm này tuyệt đối không cho trẻ ăn hay uống thêm gì. Lưu ý nếu trẻ đã ăn hoặc uống gần thời gian chỉ định mổ, bác sĩ có thể yêu cầu phải trì hoãn ca mổ hoặc đổi lịch mổ sang ngày khác.
– Với trẻ dưới 12 tháng tuổi nên cho bé dùng sữa công thức trước giờ hẹn của bác sĩ là 6 tiếng. Chẳng hạn như khi bác sĩ yêu cầu bé có mặt ở viện lúc 8 giờ sáng thì cho bé dùng sữa công thức lần cuối vào 2 giờ sáng.
– Với trẻ em mọi lứa tuổi: Không được ăn uống bất cứ thứ gì từ 6 tiếng trước giờ phẫu thuật.
Lưu ý sau phẫu thuật nội soi nạo VA bằng plasma
Sau khi phẫu thuật, nội khí quản sẽ được rút ra và trẻ tiếp tục được theo dõi trong phòng hậu phẫu cho tới khi đủ tỉnh táo để chuyển sang phòng bệnh thông thường. Tuy nhiên, việc trẻ tỉnh sau gây mê có thể có nhiều phản ứng khác nhau như khóc, bối rối, khó chịu ở dạ dày hoặc buồn nôn. Đây là những phản ứng bình thường và cần tiếp tục theo dõi để thông báo với bác sĩ các vấn đề bất thường xảy ra.
Một số triệu chứng khi trẻ nạo VA cần lưu ý như cảm thấy khó nuốt, đau hoặc cứng ở cổ do khi nằm mổ. Đặc biệt, trẻ thường cảm thấy hơi đau ở họng, khó chịu trong vài ngày đầu, đau nhất vào khoảng ngày thứ 2 sau đó có thể giảm nhẹ dần.
Nhìn chung những ngày đầu sau mổ, cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn lỏng (cháo loãng, súp nguội, sữa mát…) Khoảng 3 ngày sau, khi sức khỏe và vết mổ đã dần ổn định, bắt đầu cho ăn đặc dần lên.
Tuyệt đối không cho trẻ ăn đồ ăn cay, nóng, chua hoặc có cạnh sần sùi, cứng, sắc nhọn… dễ gây chảy máu vết mổ. Súc miệng nhẹ nhàng sau khi ăn, không súc miệng quá mạnh.
Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, tránh không tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm, viêm họng, viêm amidan…Cố gắng giữ cho trẻ không gào thét, khóc quá nhiều.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh