Nhiệt miệng là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong những ngày hè nắng nóng. Bệnh nhiệt miệng có ảnh hưởng không nhỏ tới việc ăn uống, hoạt động hàng ngày và có thể dẫn đến một số bệnh lý tai mũi họng. Để cải thiện tình trạng này, các bậc phụ huynh có thể sử dụng các loại thuốc bôi nhiệt miệng cho bé.
Nhiệt miệng rất dễ nhận biết thông qua những mụn nước nhỏ hình tròn hoặc bầu dục. Nốt nhiệt miệng có đáy màu vàng hoặc xám nhạt, bờ vết loét sưng đỏ. Các vết loét này thường xuất hiện ở khoang miệng: mặt trong của má, nướu, môi hay đầu lưỡi.
Tuy là là một chứng bệnh lành tính nhưng những vết loét thường gây ra đau đớn. Đặc biệt là khi ăn uống, bé sẽ có cảm giác bỏng rát, khó chịu do chạm vào vết loét. Trẻ không có khả năng chịu đau như người trưởng thành nên mức độ đau nhức, khó chịu sẽ cao hơn. Do đó, trẻ thường có phản ứng quấy khóc, chán ăn khi bị nhiệt, khiến trẻ sụt cân, kém hoạt động và suy giảm sức đề kháng.
Bên cạnh những dấu hiệu trên, bệnh nhiệt miệng ở trẻ còn có thêm những triệu chứng như:
– Trẻ chảy nước dãi nhiều.
– Nướu lợi bị sưng hoặc chảy máu.
– Có thể sốt cao hoặc nổi hạch ở cổ.
Cũng giống như diễn tiến bệnh ở người lớn, các triệu chứng nhiệt miệng ở trẻ có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Tuy vậy, việc để tình trạng loét miệng kéo dài sẽ gây khó chịu cho trẻ nên các bậc phụ huynh thường áp dụng nhiều cách khác nhau để giúp điều trị bệnh nhanh khỏi.
Nhiều phụ huynh thường không muốn sử dụng thuốc để trị bệnh nhiệt miệng bởi lo ngại việc phụ thuộc vào thuốc. Thay vào đó, các gia đình thường áp dụng các mẹo vặt như sử dụng nước muối súc miệng, mật ong, sắn dây… Trong đa số trường hợp, những phương pháp dân gian này đều cho hiệu quả tốt. Nhưng chúng ta không loại trừ khả năng trẻ bị dị ứng với những nguyên liệu tự nhiên hoặc tình trạng bệnh nặng, không thể tự điều trị tại nhà.
Do đó, phụ huynh cần phải xem xét, đánh giá đúng tình trạng của bé để có thể áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nhiệt miệng kéo dài trên 2 tuần, phụ huynh nên đưa trẻ tới khám chuyên khoa để được điều trị hợp lý.
Các loại thuốc điều trị nói chung để được cấp phép đều phải đạt tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng. Do đó, bé cũng có thể sử dụng các loại thuốc uống hoặc thuốc bôi để giảm nhanh cảm giác khó chịu vì nhiệt miệng.
Việc sử dụng thuốc uống hoặc thuốc bôi sẽ dựa trên nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh của trẻ.
Với các nguyên nhân do lực cơ học như cắn lưỡi trong quá trình nhai, đánh răng quá mạnh hay do niềng răng thì chỉ cần sử dụng các loại thuốc bôi. Dạng thuốc bôi sẽ làm giảm cảm giác bỏng rát, khó chịu gần như ngay lập tức, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Trong khi đó, với tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn, virus thì bạn nên cân nhắc sử dụng thêm thuốc uống để có thể điều trị bệnh triệt để. Điều này càng cần thiết khi tình trạng nhiệt miệng ở trẻ diễn tiến nặng, vết loét lớn, gây sốt cho cơ thể.
Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân do thiếu vi chất B12, axit folic và sắt thì các bậc phụ huynh có thể bổ sung thêm cho trẻ thông qua thực phẩm chức năng hoặc đường ăn uống.
Thuốc bôi được nhiều người sử dụng để trị nhiệt miệng bởi có công dụng làm dịu vết loét hiệu quả. Hiện nay, thuốc bôi trị nhiệt miệng có nhiều dạng điều chế, ví dụ như dạng thuốc mỡ, dạng gel, dạng kem hay dạng bột. Trong đó, dạng gel được sử dụng nhiều nhất.
Thuốc bôi dạng gel tạo nên một lớp màng bám trên niêm mạc của vùng bị tổn thương, giúp duy trì hiệu quả lâu dài. Dạng tuýp cũng giúp thuốc có thể lấy dễ dàng, đảm bảo vệ sinh cho người sử dụng. Giá thành tốt cũng là một ưu điểm lớn của thuốc bôi trị nhiệt miệng nói chung.
Đa số thuốc dạng bôi đều có thể sử dụng không cần chỉ định của bác sĩ và có thể mua ở nhiều nhà thuốc. Tuy nhiên, phụ huynh nên chú ý lựa chọn nơi cung cấp thuốc uy tín và theo dõi bé trong quá trình sử dụng. Nếu xảy ra tình trạng kích ứng hoặc thuốc không hiệu quả, bạn nên đưa bé tới khám chuyên khoa để được điều trị phù hợp.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bạn cũng cần chú ý bổ sung dưỡng chất cho trẻ để tăng sức đề kháng, giúp bệnh mau lành. Gia đình nên chia nhỏ bữa ăn và cho bé ăn từ từ để tránh chạm phải vết loét. Trong bữa ăn của bé cũng nên hạn chế các thực phẩm có tính chất cay, nóng.
Đồng thời, bạn nên cho bé bổ sung thêm các loại vitamin C hoặc A thông qua nước hoa quả như cam, bưởi, cà rốt… hoặc hoặc các loại rau xanh. Uống nước đầy đủ và chú ý vệ sinh răng miệng cũng là cách đơn giản và hiệu quả giúp hỗ trợ điều trị bệnh nhiệt miệng.
Bệnh nhiệt miệng tuy không quá nguy hiểm nhưng cũng sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới sinh hoạt của trẻ nhỏ. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có thể nắm được các biện pháp điều trị nhiệt miệng ở trẻ để giúp bảo vệ sức khỏe của bé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh