✴️ Màu sắc của lưỡi báo hiệu điều gì?

Nội dung

Sự thay đổi màu sắc của lưỡi có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng. Nhiều bệnh lý cũng có thể tác động lên hình dáng và bề mặt của lưỡi.

1. Đặc điểm của lưỡi bình thường

Thông thường, lưỡi có màu hồng với một lớp phủ mỏng màu trắng phía trên, Sắc thái màu hồng có thể nhạt hoặc đậm.

Lưỡi khỏe mạnh có nhiều nhú ở mặt trên và hai bên. Các u nhú là những nốt sần nhỏ, nhiều thịt, có kết cấu thô ráp ở đầu lưỡi.

2. Các màu sắc và bề mặt lưỡi bất thường

Các bệnh lý tiềm ẩn có thể khiến lưỡi có nhiều màu sắc khác nhau. Một số bệnh lý này có thể tự khỏi nhưng một số thì cần phải được điều trị.

Lưỡi màu đen

Sự tích tụ keratin có thể khiến lưỡi chuyển sang màu đen. Keratin là một loại protein có trong da, tóc và móng tay.

Theo Trung tâm thông tin về bệnh hiếm và Di truyền Hoa Kỳ, sự tích tụ keratin có thể khiến lưỡi trở nên đen và nhiều lông. Nguyên nhân có thể:

  • Vệ sinh răng miệng kém.
  • Thuốc, chẳng hạn như một số thuốc kháng sinh.
  • Hút thuốc lá.
  • Xạ trị.

Đồ uống sẫm màu - chẳng hạn như cà phê hoặc trà đen - cũng có thể làm đen lưỡi.

Trong một số trường hợp hiếm, lưỡi đen là kết quả của bệnh lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đái tháo đường hoặc HIV.

Lưỡi màu trắng

Nếu lưỡi nhạt màu và xuất hiện các mảng trắng, tình trạng này có thể là do nhiễm nấm, chẳng hạn như nấm miệng. Nấm miệng có thể gây đau và hình thành các mảng dày, trắng hoặc đỏ trên lưỡi. Người bệnh có thể khó nuốt hoặc khó ăn.

Một nguyên nhân khác có thể là do bạch sản. Tình trạng này gây ra các đốm hoặc mảng trắng hình thành trên lưỡi,nguyên nhân thường là do hút thuốc.

Ngoài ra, lưỡi có thể có màu trắng do bệnh lichen phẳng, một loại phát ban.

Lưỡi màu tím

Lưỡi có thể chuyển sang màu tím do lưu thông máu kém hoặc bệnh tim. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh của Mỹ, lưỡi tím cũng có thể là dấu hiệu của bệnh Kawasaki - một bệnh lý nguy hiểm hiếm gặp gây viêm mạch máu.

Lưỡi màu đỏ

Lưỡi cũng có thể chuyển sang màu đỏ và gồ ghề, có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B hoặc sốt ban đỏ. Ngoài ra, những thay đổi này có thể xảy ra do phản ứng dị ứng với thuốc hoặc thực phẩm.

Lưỡi đỏ, gồ ghề cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm lưỡi. Trong một số trường hợp hiếm, đây là một dấu hiệu khác của bệnh Kawasaki.

Lưỡi màu xám

Theo Tổ chức Quốc gia về Rối loạn hiếm gặp của Mỹ, lưỡi bản đồ có thể gây ra các đốm trắng xám hình thành trên lưỡi. Các đường viền trắng xuất hiện giữa các điểm này, tạo cho lưỡi có hình dạng như một bản đồ.

Bệnh chàm cũng có thể khiến lưỡi có màu xám. Một nghiên cứu năm 2017 với 200 người bệnh chàm cho thấy 43,5% người tham gia có lưỡi xám hoặc nhợt nhạt.

Lưỡi màu vàng

Lưỡi màu vàng thường là do vi khuẩn phát triển. Vệ sinh răng miệng kém và khô miệng có thể dẫn đến sự tăng sinh quá mức của vi khuẩn trên lưỡi.

Ngoài ra, lưỡi có thể chuyển sang màu vàng trước khi chuyển thành màu đen và có lông. Điều này xảy ra khi các nhú gai phát triển lớn hơn để “bẫy” vi khuẩn trên bề mặt lưỡi.

Trong một số trường hợp hiếm, có các bệnh lý nghiêm trọng hơn khiến lưỡi chuyển sang màu vàng. Một nghiên cứu năm 2019 đưa ra giả thuyết lưỡi màu vàng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Bệnh vàng da có thể được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Lưỡi màu cam

Nguyên nhân dẫn đến lưỡi màu cam có thể tương tự như lưỡi màu vàng, chẳng hạn như vệ sinh răng miệng kém hoặc khô miệng.

Một số loại thuốc kháng sinh và thực phẩm cũng có thể khiến lưỡi có màu cam, chẳng hạn như những loại chứa nhiều beta carotene - hợp chất tạo ra màu cà rốt.

Lưỡi màu xanh lá

Lưỡi có thể chuyển sang màu xanh lá do sự tích tụ của vi khuẩn và nguyên nhân có thể giống như lưỡi màu vàng hoặc trắng.

Trong một số trường hợp, trên bề mặt lưỡi có một lớp lông phủ xuất hiện.

Lưỡi màu xanh tím

Lưỡi có màu xanh tím có thể cho thấy tình trạng thiếu oxy trong máu. Nguyên nhân có thể do:

  • Thiếu oxy từ phổi.
  • Rối loạn đông máu.
  • Bệnh mạch máu.
  • Bệnh thận.

Nồng độ oxy trong máu thấp là tình trạng nguy hiểm và cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức. Bệnh chàm là một nguyên nhân khác có thể khiến lưỡi xanh.

3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi lưỡi thay đổi sắc thái màu sắc nhẹ thì tình trạng này vô hại. Ví dụ: lưỡi chúng ta có thể thay đổi màu sắc sau khi uống vang đỏ. Nếu tình trạng thay đổi về màu sắc, hình dáng hoặc kích thước kéo dài trong vài ngày thì cần đi khám bác sĩ. Sự thay đổi về lớp phủ trên lưỡi cũng báo hiệu tình trạng nhiễm trùng và có thể phải điều trị.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên đi khám khi tình trạng khô miệng ngày càng nghiêm trọng hơn.

4. Xem lưỡi đoán bệnh

Xem lưỡi đoán bệnh là một phương pháp y học cổ truyền, thông qua các đặc điểm của lưỡi, bác sĩ có thể đánh giá tổng trạng sức khỏe chung của người bệnh.

Bác sĩ đánh giá hình dáng, màu sắc, kích thước và lớp phủ của lưỡi, từ đó đưa ra chẩn đoán bệnh. Ví dụ: lưỡi ngắn, mỏng có thể gợi ý đến tình trạng mất nước.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top