✴️ Nhiễm trùng tai trong

Nội dung

Nhiễm trùng tai trong có thể khiến một số bộ phận của tai trong bị viêm, gây ảnh hưởng đến thính giác và sự thăng bằng của người bệnh . Bệnh này thường xảy ra khi bị cảm, cúm hoặc nhiễm trùng tai giữa lan vào tai trong.

Tai trong là bộ phận sâu nhất của tai người, nằm ở cuối ống tai. Đây là phần tai biến sóng âm thanh thành các xung thần kinh, đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp giữ thăng bằng.

Nhiễm trùng tai trong có thể khiến các cấu trúc của tai trong bị viêm, dẫn đến một số triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, cảm giác mất cân bằng và suy giảm thính lực.

Bài viết này nói về các loại nhiễm trùng tai trong, triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, lựa chọn điều trị và biện pháp khắc phục tại nhà. Ngoài ra, bài viết cũng đề cập đến các yếu tố nguy cơ, biến chứng và nhiễm trùng tai trong ở trẻ em.

Các loại nhiễm trùng tai trong

Có hai loại viêm tai trong chính là viêm mê đạo tai và viêm dây thần kinh tiền đình.

Viêm mê đạo tai

Viêm mê đạo tai là một bệnh do vi rút hoặc vi khuẩn gây ra viêm mê đạo, là cấu trúc ống và khoang chứa đầy chất lỏng ở tai trong.

Tình trạng viêm này có thể làm gián đoạn việc truyền thông tin từ tai trong đến não. Chính sự gián đoạn này có thể gây ra một số triệu chứng của bệnh viêm mê đạo.

Nhiễm virus là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm mê đạo. Viêm mê đạo do virus thường gặp nhất ở người lớn từ 30–60 tuổi, phổ biến ở nữ gấp đôi so với nam.

Viêm mê đạo thường xảy ra sau các bệnh thông thường, như cảm lạnh hoặc cúm. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra viêm mê đạo.

Viêm dây thần kinh tiền đình

Viêm dây thần kinh tiền đình là tình trạng dây thần kinh tiền đình bị nhiễm trùng. Dây thần kinh này nằm ở tai trong và đóng vai trò giữ thăng bằng bằng cách gửi tín hiệu từ tai trong đến não.

Viêm dây thần kinh tiền đình có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt và buồn nôn.

Nhiễm trùng thường đến trước hoặc cùng với nhiễm vi rút. Theo một bài báo cáo từ 2009, sự tái hoạt động của vi rút herpes simplex có thể là nguyên nhân gây ra viêm dây thần kinh tiền đình.

Viêm dây thần kinh tiền đình là một bệnh lý lành tính, có xu hướng kéo dài một thời gian ngắn rồi tự khỏi mà không cần điều trị. Bệnh này cũng có thể là một di chứng của một bệnh lý hoặc chấn thương trước đó.

Triệu chứng

Các loại nhiễm trùng tai trong khác nhau thường có các triệu chứng tương tự nhau. Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng là mất thính lực xảy ra với viêm mê đạo tai nhưng không xảy ra với viêm dây thần kinh tiền đình.

Viêm mê đạo tai

Các triệu chứng viêm mê đạo có thể xuất hiện đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Ù tai
  • Mất hoặc suy giảm thính giác

Các triệu chứng này có thể kéo dài vài ngày và khá nặng. Chúng thường tự biến mất sau 1–2 tuần. Tuy nhiên, nếu triệu chứng duy trì trong thời gian dài hơn, người bệnh có thể cần được điều trị triệu chứng.

Viêm dây thần kinh tiền đình

Người bị viêm dây thần kinh tiền đình có thể gặp một số triệu chứng sau đây:

  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Mất thăng bằng

Các triệu chứng viêm dây thần kinh tiền đình thường phát triển trong vòng vài giờ và đạt đỉnh điểm trong 1–2 ngày đầu. Chúng thường xuất hiện liên tục và có xu hướng xấu đi khi cử động đầu.

Tình trạng này thường kéo dài trong vài ngày. Sau giai đoạn này, các triệu chứng thường biến mất mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để các triệu chứng biến mất hoàn toàn.

Nhiễm trùng tai trong ở trẻ em

Nhiễm trùng tai trong phổ biến nhất ở những người từ 30–60 tuổi và ít phổ biến hơn ở trẻ em so với viêm tai giữa.

Trẻ em có thể bị nhiễm trùng tai trong từ bệnh viêm màng não do vi khuẩn. Khoảng 20% trẻ em bị viêm màng não do vi khuẩn phát triển các vấn đề về thính giác hoặc thăng bằng và chóng mặt.

Cốt hoá ốc tai cũng là một vấn đề ở trẻ em sau khi bị viêm màng não. Lúc này, xương sẽ thay thế dịch bạch huyết trong ốc tai của tai trong, bệnh này thường xảy ra sau một cuộc phẫu thuật hoặc nhiễm trùng.

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng phẫu thuật cấy ốc tai điện tử có thể là một lựa chọn điều trị thành công cho bệnh nhân bị cốt hóa ốc tai.

Do nguy cơ bị điếc, bác sĩ thường sẽ tiến hành kiểm tra thính lực ở trẻ nhỏ đã khỏi bệnh viêm mê đạo do vi khuẩn. Người bệnh có thể chọn cách điều trị chứng mất thính lực nghiêm trọng bằng phương pháp cấy ốc tai điện tử.

Ốc tai điện tử là một thiết bị điện nhỏ không chữa được bệnh điếc nhưng giúp xử lý âm thanh thành tín hiệu điện tử, tạo ra các xung động thần kinh truyền lên não.

Có nhiều lý do khiến người bệnh không thích hợp để cấy ốc tai điện tử. Thời điểm cũng đóng một vai trò quan trọng. Vì bệnh viêm mê đạo có thể bắt đầu ngay sau viêm màng não và tiến triển nặng hơn theo thời gian, nên thực hiện sớm là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng sau này.

Yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng tai trong. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm :

  • Mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm lạnh thông thường hoặc cúm
  • Nhiễm trùng tai giữa
  • Viêm màng não
  • Chấn thương đầu
  • Mắc bệnh đường hô hấp như viêm phế quản
  • Nhiễm virus như herpes hoặc sởi
  • Bệnh tự miễn

Biến chứng

Nguy cơ tổn thương tai trong vĩnh viễn của bệnh này thấp. Tuy nhiên, nhiễm trùng tai trong nặng có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho các bộ phận khác nhau của tai trong.

Tổn thương vĩnh viễn các bộ phận của tai trong có thể gây mất thính lực ở các mức độ khác nhau cũng như các vấn đề về giữ thăng bằng.

Một biến chứng khác của nhiễm trùng tai trong nặng có thể xảy ra là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV). Đây là một dạng chóng mặt do cử động đầu đột ngột.

BPPV không phải là một tình trạng đe dọa tính mạng, nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ té ngã, dẫn đến các chấn thương khác. BPPV cũng có thể gây khó chịu nghiêm trọng và hạn chế hoạt động thể chất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top