Nhiệt miệng là những vết loét nông và nhỏ, xuất hiện ở các mô mềm bên trong má và môi, bên dưới lưỡi hoặc trên nướu. Xuất phát từ những dạng đốm trắng sau phát triển to dần, hơi mọng nước và có thể vỡ ra sau vài ngày. Lúc này, vết loét gây cảm giác đau nhẹ, khó chịu. Người bệnh gặp khó khăn trong ăn uống và nói chuyện.
Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng nhiệt miệng, phổ biến nhất là:
– Thói quen ăn đồ cay, nóng với tần suất nhiều lần. Bởi tính cay/nóng quá mức gây bỏng miệng và kích ứng tổn thương vùng niêm mạc miệng.
– Chăm sóc răng miệng hàng ngày sai cách và vô tình gây tổn thương. Hành động đánh răng mạnh tưởng chừng sẽ làm sạch bề mặt nhưng thực tế lại gây tổn thương các mô trong khoang miệng. Hay lạm dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa Sodium lauryl sulfate cũng sẽ gây nhiệt miệng.
– Cơ thể thiếu hụt vitamin gây ra tình trạng miệng, môi lở loét và vi khuẩn dễ xâm nhập.
Vitamin là một dưỡng chất quan trọng, đóng góp vào các hoạt động sống của cơ thể và duy trì sự sống. Nếu thiếu vitamin có thể nảy sinh nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, trong đó có nhiệt miệng. Vậy khi bị nhiệt miệng thiếu vitamin gì?
Là một trong những dưỡng chất có khả năng tạo lá chắn cho cơ thể từ bên trong, vitamin C là dưỡng chất thiết yếu và cần được bổ sung hàng ngày. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin C sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và giảm sức đề kháng. Lúc này các vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào bên trong khoang miệng và gây ra nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có nhiệt miệng.
Do sức đề kháng giảm, hệ thống miễn dịch của cơ thể trở nên yếu ớt và không thể ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn bên ngoài. Vết loét sẽ ngày càng nặng hơn, khó có thể lành lại nếu tình trạng vitamin C không được bổ sung kịp thời
Vitamin PP hay còn được gọi là vitamin B3 – là thành phần của hai coenzym tham gia vào vận chuyển hydro và điện tử trong phản ứng oxy hóa khử. Do đó vitamin PP đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tổng hợp hoặc phân hủy các chất như acid béo, glucid, quá trình chuyển hóa cholesterol và các hợp chất khác.
Cơ thể thiếu vitamin PP dễ rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể, dễ viêm da, viêm lưỡi và nhiệt miệng. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn tâm thần,… Đặc biệt, vì vitamin PP tan trong nước nên không thể có tình trạng thừa vitamin PP. Nếu nhiệt miệng xảy ra chính là lời cảnh báo ngầm cho việc thiếu hụt vitamin PP.
Vitamin B2 cũng là một dưỡng chất cần được nghĩ đến khi người bệnh bị nhiệt miệng. Bởi vitamin B2 đóng góp nhiều vai trò quan trọng như:
– Tham gia vào sự phản ứng ôxy hóa hoàn nguyên.
– Chuyển hóa các chất đạm, đường, béo ra năng lượng phục vụ hoạt động sống của cơ thể.
– Tác động đến việc hấp thụ, tồn trữ và sử dụng sắt trong cơ thể.
– Khống chế các phản ứng hô hấp chuyển hóa của tế bào.
Khi thiếu vitamin B2, cơ thể sẽ biểu lộ các dấu hiệu điển hình như mệt mỏi, viêm mép, viêm lưỡi, phù niêm mạc môi, vết thương lâu lành,… Bên cạnh đó, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức răng, viêm lợi – đều là những nguyên nhân gián tiếp gây nên nhiệt miệng.
Để bổ sung vitamin hiệu quả nhất người bệnh nên bổ sung qua những bữa ăn hàng ngày. Thiết lập một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, đủ chất sẽ giúp vết loét mau lành và rút gọn thời gian tự khỏi. Người bệnh có thể bổ sung các loại vitamin thiết yếu qua các loại thực phẩm, đồ uống như:
– Vitamin C: chanh, dâu tây, kiwi, cà chua, đu đủ, các loại rau xanh (súp lơ trắng, bông cải xanh), ổi,…
– Vitamin PP: ngũ cốc (gạo, đậu, mè, vừng,..), trong phủ tạng động vật (thận, gan,…), thịt, cá
– Vitamin B2: thịt bò, sữa đậu nành, hạnh nhân, dầu mè, cá thu,…
Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều gây dư thừa vitamin cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe. Do đó, người bệnh cần điều chỉnh, bổ sung vừa đủ để đảm bảo cơ thể đủ dưỡng chất và không thiếu hụt bất kỳ loại vitamin nào.
Bên cạnh bổ sung các loại vitamin thiết yếu thì người bệnh cần hạn chế đồ ăn cay/nóng quá mức. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối loãng 2 lần/ngày và vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng. Nếu tình trạng nhiệt miệng kéo dài không khỏi, người bệnh cần tới cơ sở y tế kiểm tra với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Qua quan sát vết thương, nếu tình trạng nhiệt miệng tiến triển nặng thì bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm cần thiết.
Có thể thấy, nhiệt miệng xảy ra chính là thông báo ngầm cho việc cơ thể đang thiếu hụt các dưỡng chất vitamin C, vitamin B2, vitamin PP,..Hy vọng các thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc “nhiệt miệng thiếu vitamin gì?” và biết được cách bổ sung vitamin đúng cách, hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh