1. Tìm hiểu cấu tạo của cơ quan thính giác
Cơ quan thính giác của con người bao gồm 3 phần là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Mỗi bộ phận đảm nhận 1 vai trò khác nhau, trong đó, tai trong là đảm nhận vai trò cảm nhận vị trí khi di chuyển. Ngoài ra, tai trong cũng có thêm chức năng thu nhận và kích thích sóng âm.
Tai trong là bộ phận nằm sâu nhất trong hốc tai, ít phải tiếp xúc với các yếu tố tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, tai trong lại bao gồm cả ốc tai có chứa nhiều màng dịch – 1 trong những yếu tố nguy cơ dễ gây viêm nhiễm nếu bị virus xâm nhập.
Tai trong bao gồm ốc tai, ống bán khuyên và khu vực tiền đình (chứa dây thần kinh số 8). Khu vực này không có dạng hình ống như mọi người vẫn nghĩ. Nhiều người vẫn thường gọi khu vực tai trong là ống tai trong. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi vẫn sẽ sử dụng đồng thời 2 cụm tai trong và ống tai trong với ý nghĩa tương đương nhau để bạn đọc dễ hình dung.
2. Bệnh viêm ống tai trong là gì?
Viêm tai trong là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở khu vực tai trong. Vì đây là nơi có chứa dây thần kinh tiền đình và dây thần kinh cảm giác nên bệnh có thể gây rối loạn chức năng thăng bằng và các biến chứng nguy hiểm hơn.
2.1. Dấu hiệu của bệnh viêm ống tai trong
Các bệnh viêm tai đều ảnh hưởng tới khả năng nghe, do đó thính lực giảm là biểu hiện đầu tiên của các loại viêm tai. Bên cạnh đó, vì dây thần kinh tiền đình nằm trong khu vực này nên tình trạng viêm cũng sẽ khiến bạn cảm thấy chóng mặt, mất thăng bằng.
Các triệu chứng khác của bệnh viêm tai trong bao gồm:
– Suy giảm thị lực
– Cảm thấy lâng lâng, dễ mất thăng bằng
– Cảm giác buồn nôn và nôn
– Mất thính giác hoặc cảm giác có tiếng trống trong tai
– Người bệnh có thể phát sốt trong một vài trường hợp
Các triệu chứng trên đây có thể xuất hiện và kết thúc bất cứ lúc nào. Chẳng hạn như triệu chứng sẽ xuất hiện đột ngột vào buổi sáng và mất đi ngay sau đó. Một số người bị viêm tai trong có thể gặp các dấu hiệu kéo dài trong một vài tuần hoặc lâu dài hơn. Đôi khi, triệu chứng sẽ tái phát khi họ di chuyển đột ngột.
Tuy nhiên, các triệu chứng này khá dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác, nên thường mọi người sẽ khó phát hiện bệnh nếu không đi thăm khám và kiểm tra với các thiết bị chuyên môn. Bạn nên để ý, theo dõi các triệu chứng trên nếu xuất hiện đồng thời thì nên gặp bác sĩ để khám điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.
2.2. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm ống tai trong
Vì nằm sâu trong khoang tai nên nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây ra tình trạng viêm, nhiễm trùng tai trong là virus. Các virus liên quan tới bệnh có thể bao gồm:
– Virus cúm
– Virus Herpes
– Virus Epstein Barr
– Virus bệnh bại liệt
Ít phổ biến hơn nhưng nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể là tác nhân gây nên tình trạng viêm tai trong. Ngoài ra, những nguyên nhân dưới đây cũng có thể là nguyên nhân gây nên bệnh viêm tai trong:
– Hút thuốc lá thường xuyên
– Uống nhiều rượu
– Có tiền sử bị bệnh dị ứng
– Thường xuyên căng thẳng cực độ
– Tác dụng phụ của thuốc
3. Điều trị bệnh viêm tai trong thế nào?
Thực tế, bệnh viêm tai giữa không gây nguy hiểm tới tính mạng. Trong đa số các trường hợp, thính giác và khả năng thăng bằng sẽ trở lại trạng thái bình thường theo thời gian. Các triệu chứng chóng mặt cũng thường chỉ kéo dài trong một vài ngày. Đây là cơ chế miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh viêm tai trong cũng có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống tiền đình,làm giảm khả năng thính lực với các mức độ khác nhau. Người bị bệnh viêm tai trong cũng có thể tăng nguy cơ té ngã, dẫn tới các tổn thương thể chất.
Vì thế, người bệnh không nên chủ quan, đặc biệt là khi bệnh có thể ảnh hưởng tới các dây thần kinh quan trọng. Bạn nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc uống không kê đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh bởi chúng có thể gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Trong quá trình điều trị, bạn có thể áp dụng một số nguyên tắc dưới đây để làm giảm triệu chứng chóng mặt, tránh gây ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày:
– Tránh chuyển động hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
– Ngồi yên, hạn chế cử động mạnh khi đang bị chóng mặt.
– Hạn chế nhìn vào tivi, màn hình máy tính, các thiết bị điện tử hoặc các nguồn sáng nhấp nháy khi đang bị chóng mặt.
– Nếu bạn bị chóng mặt khi đang trong tư thế nằm, hãy thử ngồi lên ghế và giữ yên đầu trong giây lát.
Bệnh viêm tai trong có thể bình phục hoàn toàn sau 1 vài tuần đến vài tháng. Bệnh có thể tái phát nhưng triệu chứng sẽ thường biểu hiện nhẹ hơn. Tuy nhiên, vì cấu tạo nằm sâu trong hốc tai nên chúng ta thường không thể phát hiện sớm bệnh, khiến bệnh có thể biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn cần chú ý theo dõi sự thay đổi của cơ thể và duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh, giúp quá trình điều trị mang lại hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh