Viêm họng là hiện tượng viêm niêm mạc họng và hầu khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu. Để bệnh nhanh khỏi, ngoài việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ bạn cũng cần phải kiêng những thực phẩm dưới đây:
Món cay
Món cay rất có tác dụng đưa đẩy, có lợi cho tiêu hóa. Tuy nhiên lại không có lợi với người viêm họng cấp. Lý do là vì viêm họng làm rát đỏ toàn bộ họng, tùy từng thể bệnh và từng người sẽ có mức độ rát đỏ khác nhau. Ăn món cay như ớt, tiêu, gừng thì sẽ làm cho họng cảm thấy bị rát sưng lên nhiều hơn. Về bản chất, các món cay này làm nóng đỏ phần viêm, chỉ làm nặng thêm cảm giác mà thôi.
Món nướng, chiên
Hai món không thích hợp với người viêm họng đó món nướng và chiên. Đặc biệt với người già, người bị viêm amidan thể phì đại. Vì triệu chứng của bệnh là đau. Các món cứng như nướng, chiên sẽ đi cả khối vào trong họng. Ngay cả khi đã được nhai nhưng chúng vẫn còn những thành cạnh rất cứng và sắc. Khi nuốt, những thành cứng này sẽ cọ xát va chạm với thành họng khiến bạn sẽ rất đau. Thậm chí chúng còn làm xước và làm tổn thương bề mặt, không có lợi cho sự hồi phục.
Các món trong nhóm này là thịt nướng, thịt xiên, thịt quay, tôm rán, cá rán.
Các món ăn đặc
Các món đặc, tắc cũng không thích hợp với người viêm họng. Vì họng bị viêm sẽ nổi xù xì, gồ ghề tạo ra các vết lồi lõm khác nhau. Khi ăn các món đặc, tắc sẽ dễ bị kẹt lại. Có hai khả năng xảy ra đó là họng của bạn bị các thực phẩm này vương lại. Sự tồn dư của thực phẩm sẽ kích thích và gây ho. Không những thế, những món đặc tắc thường khó nuốt. Khi bị viêm amidan hoặc viêm vòi nhĩ, sự đặc, tắc càng khiến người bệnh khó nuốt hơn. Kết quả, viêm họng ngày càng tồi tệ và các cơn ho kéo đến nhiều hơn.
Các món có đặc điểm tắc, đặc là lòng đỏ trứng, súp khoai tây, súp khoai môn, xốt có bột đao.
Thức uống có cồn
Nhiều người cho rằng rượu có cồn, cồn có tính sát khuẩn thì sẽ sát trùng họng. Trên thực tế, nhiều loại bệnh viêm họng do virus. Thứ hai, rượu không đủ nồng độ cồn để sát khuẩn. Ngược lại chúng chỉ làm tai hại thêm, gây ra cảm giác nóng rát ở họng. Thức uống có cồn sẽ gây ra các thay đổi đột ngột nhiệt độ như uống bia lạnh, rượu lạnh. Chúng càng làm cho tình trạng viêm họng diễn tiến nặng hơn. Người say rượu bia, cơ hô hấp trên thường dễ mất kiểm soát, dịch tiết ra nhiều, khi ngủ phải há miệng ra để thở. Không khí thở không đi qua mũi mà đi thẳng qua miệng, không được lọc, không được làm ấm hay làm ẩm sẽ gia tăng mức độ viêm họng hơn. Vì thế tránh các loại thức uống có cồn là việc bạn cần làm khi bị viêm họng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh