Viêm đại tràng đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Phần lớn người bệnh chưa hiểu đúng về bệnh cũng như không biết phương pháp nào có thể điều trị bệnh tốt nhất.
1. Định nghĩa về viêm đại tràng
Viêm đại tràng hay “hội chứng” đại tràng là biểu hiện chủ yếu với triệu chứng rối loạn đại tiện có thể xảy ra cấp tính hay mạn tính chỉ điểm cho một bệnh lý tại đại tràng. Danh từ “viêm” không thực sự chuẩn xác lắm. Vì ngoài tổn thương viêm còn có nhiều những tổn thương khác như u lành tính, u ác tính,… gây ra hội chứng này.
Có trường hợp rối loạn đại tiện chỉ là do rối loạn chức năng mà không có tổn thương nào ở đại tràng (hội chứng ruột kích thích). Hội chứng đại tràng có thể là hậu quả của một bệnh lý khác của bộ máy tiêu hóa như gan, mật,… hoặc bệnh lý toàn thân như bệnh lý tuyến giáp.
2. Nguyên nhân
Viêm đại tràng là hệ quả của nhiều bệnh lý và vi khuẩn khác. Cụ thể những lý do dẫn tới viêm đại tràng cấp tính bao gồm:
- Do lỵ amip (entamoeba histolytica).
- Do lỵ trực khuẩn (shigella).
Một số nguyên nhân gây ra viêm mạn tính đại tràng có thể kể đến gồm:
- Lao đại tràng.
- Bệnh viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh crohn có nguy cơ dẫn đến viêm đại tràng mãn tính không đặc hiệu.
- Polyp đại tràng.
- Hội chứng ruột kích thích.
3. Viêm đại tràng biểu hiện ra sao?
Các dấu hiệu bệnh có thể xảy ra cấp tính hoặc mãn tính với những đợt tái phát. Triệu chứng xảy ra có thể liên quan đến ăn uống. Hoặc do thời tiết, trạng thái tinh thần như lo âu, trầm cảm,… Những triệu chứng chính báo hiệu bệnh bao gồm:
- Đau bụng kèm rối loạn đại tiện: phân lỏng, phân táo, đại tiện máu, đại tiện nhầy mũi, đại tiện không hết, cảm giác mót rặn,…
- Bên cạnh đau bụng, người bệnh có thể gặp thêm rối loạn triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác. Tiêu biểu như: khó tiêu, đầy bụng, chướng bụng, sôi bụng, kém ăn,…
- Người bệnh cũng gặp các rối loạn toàn thân bao gồm: sốt, gầy sút, thiếu máu,…
- Cảm giác buồn nôn, ợ hơi ợ chua cũng nhen nhóm xuất hiện và rõ rệt hơn sau mỗi khi dùng bữa.
- Khi bác sĩ thăm khám bằng tay có thể sờ thấy khối u chướng ở ổ bụng.
- Người bệnh có thể gặp tình trạng thiếu máu, hoa mắt ù tai.
Khi xuất hiện các biểu hiện bất thường báo hiệu bệnh, bạn cần đến thăm khám ở địa chỉ thăm khám càng sớm càng tốt. Đặc biệt lưu tâm đến những cơn đau bụng. Đi kèm với đó là tình trạng rối loạn đại tiện gây nhiều phiền toái. Bạn cũng không nên buông lỏng cảnh giác trước các dấu hiệu như nôn nao, chướng bụng, sút cân. Khám sớm giúp giảm những lo lắng nghi ngờ và chẩn đoán bệnh sớm. Từ đó giúp quá trình điều trị thuận lợi và ít tốn kém hơn.
4. Chẩn đoán
Có nhiều phương pháp để có thể chẩn đoán được bệnh. Bác sĩ sẽ thăm khám rồi chỉ định người bệnh tiến hành 1 hoặc nhiều cách dưới đây để có kết luận chính xác nhất:
- Soi tươi phân có thể tìm amip và trực khuẩn Shigella xác định bệnh nhân có bị viêm đại tràng cấp do lỵ amip hoặc lỵ trực trùng cần hay không.
- Xét nghiệm máu với mục đích tìm kháng thể của viêm đại tràng cấp do lỵ amip hoặc lỵ trực trùng cần.
- Nội soi đại tràng cũng được xem là 1 cách chẩn đoán bệnh hiệu quả, đặc biệt hữu hiệu với các trường hợp bệnh dai dẳng hoặc tái phát nhiều lần. Đối với trường hợp dùng kháng sinh kéo dài dẫn đến loạn khuẩn (mất cân bằng giữa hệ vi khuẩn có lợi và hệ vi khuẩn có hại) bác sĩ cũng sẽ chỉ định nội soi và sinh thiết tổn thương để làm xét nghiệm. Qua đó bác sĩ có thể xác định được người bệnh có mắc 1 trong các bệnh sau không: Lao đại tràng; các khối u lành và ác tính; viêm đại tràng mạn không đặc hiệu (viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Crohn).
5. Điều trị
5.1. Chữa viêm đại tràng với thuốc
Các nhóm thuốc chính được sử dụng gồm: thuốc giảm đau, thuốc điều trị tiêu chảy, điều trị táo bón. Bên cạnh đó người bệnh cần bổ sung vi khuẩn có lợi. Với từng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau:
- Đối với trường hợp bệnh do lỵ amip bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh đặc hiệu Metronidazol. Đơn thuốc có thể bổ sung Iodoquinol.
- Với trường hợp viêm đại tràng do lỵ trực trùng, bệnh nhân đi ngoài toàn nước hoặc có dấu hiệu mất nước cần bù nước và điện giải bằng đường uống hoặc bằng đường truyền tĩnh mạch. Bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh đặc hiệu: Ciprofloxacin, ofloxacin.
- Trường hợp bệnh mãn tính không đặc hiệu (bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu) bệnh nhân sẽ dùng thuốc điều trị đặc hiệu như: Pentasa uống hoặc đặt hậu môn, corticoid.
- Trong trường hợp nghi ngờ bệnh có liên quan đến vấn đề tâm thể bác sĩ sẽ kê thuốc điều hòa thần kinh: chống lo âu, trầm cảm.
Lưu ý rằng các loại thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ và điều trị theo đơn thuốc được chỉ định.
5.2 Liệu pháp điều trị viêm đại tràng không dùng thuốc
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần chú trọng đến các biện pháp khác. Chế độ ăn, lối sống, tâm trạng đóng vai trò rất quan trọng:
- Với liệu pháp tâm lý: bác sĩ cần là người đồng hành với bệnh nhân. Bác sĩ cần giải thích giải thích cho bệnh nhân rõ về tính chất bệnh. Đây là bệnh lành tính nhưng có thể mạn tính. Bác sĩ cần trấn an và đưa ra những lời khuyên cải thiện tâm trạng người bệnh.
- Người bệnh cần đổi lối sống kèm chế độ ăn. Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến cáo. Bệnh nhân tìm thức ăn thích hợp, tránh đồ ăn nhiều gia vị, hoạt động thể dục, giảm stress,…
6. Phòng bệnh viêm đại tràng
Để phòng bệnh, bạn nên tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
- Vệ sinh cá nhân: rửa tay trước khi ăn và chuẩn bị thức ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh. Đồng thời giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức rửa tay.
- Thực hiện ăn chín uống sôi.
- Bảo vệ nguồn nước công cộng tránh nhiễm phân.
- Quản lý nguồn phân, nước, rác tốt để tránh ô nhiễm nguồn nước.
- Phòng bệnh hội chứng ruột kích thích bằng cách chọn thức ăn thích hợp. Nếu trong nhà có người mắc bệnh, bạn cần thay đổi lối sống. Bạn nên tránh căng thẳng stress bằng việc tập yoga,…
Trên đây là những kiến thức y khoa rất quan trọng liên quan đến bệnh viêm đại tràng. Việc tiếp cận những bài viết chính thống như thế này là cơ hội quý giá để người bệnh trang bị thêm những kiến thức bảo vệ sức khỏe chính mình!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh