ĐỊNH NGHĨA
Là phẫu thuật mở vào vùng tổ chức liên kết quanh thực quản cổ, ngay cạnh bó mạch cảnh để dẫn lưu mủ hoặc lấy dị vật, hoặc mở vào thực quản, cạnh thực quản để lấy dị vật hoặc khâu thực quản.
CHỈ ĐỊNH
Áp xe vùng quanh thực quản do dị vật đường ăn đâm thủng thực quản ra ngoài, mở để dẫn lưu mủ của áp xe.
Viêm tấy tổ chức liên kết vùng cổ.
Chấn thương gây thủng thực quản.
Dị vật thực quản cổ to quá, không lấy được bằng đường tự nhiên.
Mở cạnh cổ để cắt bỏ túi thừa thực quản.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa cấp I Tai Mũi Họng và người phụ.
Phẫu thuật viên đứng ở bên cần mổ.
Người phụ thứ nhất đứng đối diện với phẫu thuật viên.
Người phụ thứ hai đứng ở phía đầu người bệnh.
Phương tiện
02 Dao mổ; 01 bóc tách lòng máng; 01 kéo thẳng; 01 kéo cong dài; 01 kìm phẫu tích có răng và không răng; 04 kìm Kocher; 10 kìm Halsted; 02 banh Farabeup; kìm cặp kim và kim khâu; 04 kìm cặp khăn mổ, 01 kìm Kocher 20 cm; khăn, gạc, chỉ (lanh và catgút), thông Nelaton; ống hút và dây hút.
Người bệnh
Người bệnh và người nhà được chuẩn bị kỹ về tư tưởng, cách ăn uống sau này bằng thông và những nguy hiểm có thể xảy ra khi mổ.
Hồi sức chu đáo cho người bệnh vì bị mệt quá lâu ngày do không ăn uống được, do nhiễm khuẩn và nhiễm độc.
Nếu có khó thở phải mở khí quản trước.
Hồ sơ bệnh án
Các xét nghiệm tiền phẫu.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Vô cảm
Có thể gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ.
Tư thế
Người bệnh nằm ngửa, đặt một gối ở dưới vai và nghiêng đầu sang bên đối diện. Có thể đặt một sonde thực quản để khi mổ dễ nhận biết.
Kỹ thuật
Thì 1: Rạch da dài 10 cm dọc theo bờ trước cơ ức - đòn - chũm bắt đầu từ bờ trên sụn giáp đến trên khớp ức đòn 1 cm, tìm cân cổ nông và rạch cân cổ nông ở bờ trước cơ ức đòn chũm. Giải phóng bờ trước cơ này và kéo ra phía ngoài.
Thì 2: Cắt lớp cân cổ giữa, bóc tách các cơ dưới móng: cơ ức - móng, cơ ức - giáp, cơ vai - móng bóc. Tách cơ vai móng và dùng dao cắt cơ này, cân giữa lộ ra trên toàn vết mổ; bóc tách mở vỏ bọc của ổ áp xe, mủ trào ra. Đến cân cổ sâu, bó mạch, thần kinh cảnh, kéo bó mạch ra ngoài.
Thì 3: Buộc các mạch máu giáp trạng và cắt:
Tĩnh mạch giáp trạng giữa.
Động mạch giáp trạng dưới, thắt xa tuyến giáp để tránh thần kinh quặt ngược.
Sờ thấy đốt sống cổ, khí quản và thực quản.
Thì 4: Rạch thực quản
Chỉ rạch thực quản khi dị vật to quá không lấy bằng đường tự nhiên được. Rạch thực quản xa dây thần kinh hồi quy (tức là rạch ở mặt sau của thực quản gần cạnh bên trái).
Dùng kìm Rose lấy dị vật.
Thì 5: Xử trí vết mổ
Nếu tổn thương thực quản gọn, không nhiễm khuẩn, có thể khâu ngay, khâu từng bình diện.
Nếu nhiễm khuẩn nát, nhiều mủ không khâu, để khâu thì 2. Đặt hút rửa liên tục nếu nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng sâu, có nhiều mủ và tổ chức hoại tử.
Đặt bấc kháng sinh hốc mổ để dẫn lưu.
Đặt sonde thực quản cho người bệnh ăn sau mổ.
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi
24 giờ đầu truyền dịch, ngày thứ 2 ăn sữa qua sonde thực quản, sau là các chất lỏng qua thông.
Nếu hốc mổ có mủ thay băng ngày 1 - 2 lần rửa oxy già, hoặc hút rửa liên tục.
Xử trí
Viêm trung thất mủ do mủ từ vùng cổ tràn xuống: kháng sinh, dẫn lưu trung thất, hút rửa liên tục.
Viêm màng phổi mủ: chọc dẫn lưu mủ màng phổi.
Vỡ động mạch cảnh do dị vật chọc thủng hoặc do nhiễm khuẩn làm vỡ mạch máu; chảy máu ồ ạt:
Phẫu thuật viên dùng ngón tay ép chặt vào đoạn mạch bị rách - mời ngay phẫu thuật viên mạch máu đến phối hợp phẫu thuật khâu hoặc thắt mạch máu. Nếu không xử trí nhanh người bệnh sẽ bị tử vong.
Nếu không có phẫu thuật viên mạch máu thì kẹp bằng kẹp hai đầu lỗ thủng, làm sạch vết thương và khâu mạch máu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh