Viêm amidan hốc mủ 1 bên là bệnh lý về đường hô hấp khá phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Thông thường, tình trạng này xảy ra ở cả 2 bên amidan, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp người bệnh chỉ bị ở 1 bên. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này qua bài viết dưới đây.
Đây là tình trạng 1 bên của amidan bị tổn thương, viêm nhiễm, gây sưng đau và có mủ. Tác nhân chính gây ra bệnh là do sự tấn công của các loại vi khuẩn và virus có hại. Có nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây nên căn bệnh này như:
– Do vệ sinh răng miệng không sạch sẽ: Người bệnh không vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn sẽ cho khiến thức ăn bị tồn đọng ở trong khoang miệng, lúc này vi khuẩn bên trong thức ăn sẽ trú ngụ và tấn công amidan gây tình trạng viêm và có mủ. Chúng phát triển và tập trung ở bên nào thì sẽ gây nên bệnh ở vị trí đó.
– Do đặc điểm cấu trúc amidan: Cấu trúc amidan có rất nhiều ngóc ngách, đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn trú ngụ và phát triển gây nên bệnh. Amidan là cửa ngõ của đường hô hấp, nếu người bệnh tiếp xúc với vi khuẩn sẽ khiến cho amidan bị tổn thương và có mủ.
– Do thời tiết: Đây cũng là nguyên nhân gây ra ra tình trạng viêm sưng amidan có mủ một bên. Sự thay đổi thất thường của thời tiết khiến cho cơ thể không kịp thích nghi, dẫn tới hệ miễn dịch bị suy yếu, đây là cơ hội cho vi khuẩn có thể tấn công amidan và gây bệnh.
– Một số yếu tố khác: Các nguyên nhân như sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm cay nóng, uống nước đá,… cũng là việc làm gây tổn thương đến amidan gây ra hiện tượng viêm amidan một bên có mủ.
Trên thực tế, dấu hiệu của bệnh còn phụ thuộc vào nguyên nhân và cơ địa của từng người. Do đó, mỗi người sẽ có những triệu chứng khác nhau, có thể kể đến như:
– Đau rát ở cổ họng: Vi khuẩn trú ẩn bên trong cổ họng sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy vướng víu và ngứa ngáy. Để giảm bớt sự khó chịu này, người bệnh sẽ thường khạc nhổ, nhưng càng khạc nhổ thì tổ chức amidan của người bệnh sẽ càng tổn thương khiến họ cảm thấy đau hơn.
– Giọng nói bị biến đổi: Người bệnh đột nhiên bị khàn tiếng hoặc mất tiếng cũng là một trong các dấu hiệu thường gặp phải.
– Ho khan/ho có đờm: Đờm bị vướng trong cổ họng, cộng với cặn bã tích tụ khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa vùng cổ, ho và khạc nhổ liên tục, đôi khi sẽ khạc ra các hạt nhỏ lấm tấm màu trắng/xanh và có mùi hôi.
– Xuất hiện ổ mủ ở 1 bên amidan: Lúc này hốc amidan có mủ màu trắng/xanh lấm tấm trong khoang miệng. Amidan có màu đỏ, bị phình to và có chất dịch màu trắng ở bề mặt.
– Hơi thở có mùi khó chịu: Quá trình va chạm khiến cho các hạt mủ ở trên lưỡi và vòm họng của người bệnh cọ xát, bong ra lẫn vào trong miệng dẫn đến có mùi hôi khó chịu.
Ngoài ra, nếu amidan sưng to cũng khiến người bệnh mệt mỏi, khó khăn trong nhai và nuốt thức ăn. Bệnh nhân có thể bị sốt cao cùng nhiều biểu hiện tương tự bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.
Nếu tình trạng viêm amidan hốc mủ ở 1 bên kéo dài mà người bệnh không có biện pháp điều trị và chăm sóc kịp thời sẽ dẫn đến bệnh viêm amidan hốc mủ ở cả 2 bên. Nếu bệnh chuyển biến từ giai đoạn cấp tính sang mạn tính sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị, nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
– Biến chứng ở tại chỗ: Gây tình trạng viêm tấy, áp-xe quanh amidan, khó khăn trong việc há miệng, nuốt thức ăn, nuốt nước bọt, có cảm giác đau buốt lên tai,…
– Biến chứng kề cận: Nếu tình trạng này kéo dài mà không tiến hành điều trị thì vi khuẩn có thể lây nhiễm đến các cơ quan kề cận và gây ra các bệnh lý nguy hiểm như bệnh viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm xoang mũi,…
– Biến chứng ở toàn thân: Viêm amidan một bên có mủ nếu tái phát nhiều lần trở thành mạn tính do liên cầu huyết nhóm A, có thể dẫn đến các biến chứng ở người bệnh như viêm cầu thận cấp, thấp khớp, thấp tim,…
Khi bị viêm amidan một bên có mủ, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và tái phát gây ảnh hưởng đến sức khỏe:
– Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, tránh để tình trạng khô cổ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có thể phát triển gây bệnh.
– Súc miệng bằng nước muối hàng ngày để giúp tăng khả năng sát khuẩn vùng cổ họng.
– Tránh xa khói thuốc lá và các loại đồ uống có chất kịch thích, bởi các chất này sẽ gây tổn thương cho amidan và khiến bệnh nặng hơn.
– Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ, luyện tập thể dục thể thao để giúp tăng sức đề kháng, ngăn chặn sự tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh.
– Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, các chất kích thích mạnh đến vùng cổ họng để tránh gây sưng viêm nhiều hơn.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm amidan hốc mủ ở 1 bên mà chúng tôi muốn chia sẻ. Hy vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc phát hiện và phòng chống căn bệnh này để giúp bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh