Viêm tai xương chũm là tình trạng tổn thương, viêm nhiễm lan vào xương chũm ở quanh sào bào và xương chũm, làm ứ đọng dịch. Xương chũm là loại xương xốp, một bộ phận của tai giữa, chứa nhiều thông bào. Trong đó, thông bào lớn nhất được gọi là sào bào, nơi hòm tai thông với xương chũm. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao viêm xương chũm thường bắt nguồn từ viêm tai giữa.
Viêm xương chũm thường không kéo dài quá 3 tháng và không quá nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Trong thời đại y học phát triển, biến chứng của bệnh chỉ chiếm khoảng 0,1% cấp cứu tai – mũi – họng. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh tổn thương chủ yếu ở xương, viêm loãng xương và viêm tắc mạch máu xương làm các vách ngăn giữa các tế bào xương bị phá vỡ dần, các ổ mủ tập trung, có xuất hiện khối xương mục. Thậm chí, lớp vỏ ngoài xương bị thủng và có dịch chảy ra ngoài da.
Bệnh viêm xương chũm gồm 2 thể chính: mạn tính và cấp tính. Vậy 2 thể này có đặc điểm gì giống và khác nhau, cùng tìm hiểu nhé.
– Viêm xương chũm cấp tính: thường xảy ra sau viêm tai giữa. Khi đó, niêm mạc và màng xương bị phù nề, các nhóm tế bào khí của xương chũm bị phá hủy, toàn bộ các vách ngăn tế bào khí phá hủy, tạo thành túi mủ lớn chứa đầy hạt viêm và xương hoại tử. Bệnh sẽ gây ra các triệu chứng như đau tai, thính lực giảm, ù tai, chóng mặt nhẹ.
– Viêm xương chũm mạn tính: là bệnh khá phổ biến, thường gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh làm giảm sức lao động, chức năng nghe kém. Các triệu chứng bệnh khá giống với viêm xương chũm cấp tính nhưng ở mức độ nặng hơn và kéo dài lâu. Đặc biệt, bệnh dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, liệt dây thần kinh hoạt động cơ mặt, viêm tắc tĩnh mạch trong sọ…
Viêm xương chũm mạn tính sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến não và sọ nếu không có biện pháp điều trị kịp thời.
Trước khi tiến hành điều trị cho bệnh nhân mắc viêm xương chũm mạn tính, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân gây bệnh, chẩn đoán, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp.
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh:
– Viêm tai giữa không được điều trị dứt điểm hẳn, khiến mưng mủ kéo dài
– Biến chứng để lại của viêm tai giữa cấp tính
– Viêm tai giữa sau các bệnh: cúm, ho gà, sốt, bạch hầu
– Bị nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn: Haemophilus influenzae, Staphylococcus hoặc Streptococcus
Để xác nhận nguyên nhân gây bệnh và có kết luận chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện các bước khám sau:
– Nội soi tai – mũi – họng: nhằm kiểm tra tình trạng viêm tai giữa
– Chụp X-quang: kiểm tra, đánh giá vách thông bào
– Chụp CT xương thái dương: theo dõi hình ảnh đọng dịch và mất các thông bào
– Xét nghiệm máu: kiểm tra bạch cầu tăng hay giảm nhằm xác định mức độ nhiễm khuẩn
Sau khi đã có căn cứ để xác nhận chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị cho từng bệnh nhân. Ngày nay với công nghệ y học hiện đại và thuốc men tiên tiến, viêm tai xương chũm có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc tiêm sau khi đã trích rạch mở rộng lỗ dẫn lưu ở màng nhĩ.
Bên cạnh phương pháp điều trị nội khoa, bác sĩ có thể tiến hành điều trị ngoại khoa tùy vào triệu chứng bệnh. Phẫu thuật để cắt bỏ hoàn toàn xương chũm, mở sào bào dẫn lưu mủ và làm sạch mô viêm, tạo sự thông thương giữa tai giữa và các tế bào chũm.
Để tránh bệnh tái phát gây ra các biến chứng nguy hiểm, bạn hãy bỏ túi một số biện pháp phòng tránh dưới đây:
– Luôn đảm bảo vệ sinh tai đúng cách, tránh sử dụng bông tăm ngoáy tai
– Hạn chế để tai bị viêm quá lâu, dễ dẫn đến những hệ lụy không lường
– Tránh nước lọt vào tai mà không vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là khi đi bơi lội
– Theo dõi, kiểm tra tai – mũi – họng thường xuyên bằng cách khám sức khỏe định kỳ chuyên khoa
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý vị thông tin chi tiết về bệnh viêm tai xương chũm mạn tính và phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh