Viêm xoang mũi ở trẻ em khác gì với người lớn?
Viêm xoang trẻ em khác với người lớn, bởi ở lứa tuổi này hệ thống xoang đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Hệ thống xoang mặt bắt đầu được hình thành từ tuần thứ tư của thời kỳ bào thai, xuất phát từ một tế bào sàng. Tế bào sàng phát triển xâm lấn vào các xương để tạo thành các xoang khác nhau như xâm lấn vào xương trán tạo xoang trán, xâm lấn xương hàm trên tạo xoang hàm và xâm lấn vào xương bướm để hình thành xoang bướm.
Chính vì vậy các xoang có liên hệ mật thiết với nhau nên thường bị viêm nhiều xoang cùng một lúc. Xoang sàng có ngay từ khi trẻ ra đời nhưng những các xoang khác dần được tạo thành: xoang hàm có khi trẻ 3 – 4 tuổi, xoang trán và xoang bướm chỉ xuất hiện khi trẻ được 7 – 8 tuổi. Hệ thống xoang chỉ hoàn thiện ở người 20 tuổi.
Kích thước các xoang của trẻ rất nhỏ, đôi khi mới chỉ là một rãnh hằn vào xương làm cho việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng thường không điển hình và khó khai thác được chính xác.
Trẻ nào thường bị viêm xoang?
Theo nghiên cứu, các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ em có xu hướng gia tăng, hay gặp nhất là các trẻ có cơ địa dị ứng hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, phải hút khói thuốc lá thụ động, hơi khói của các khu công nghiệp, bếp than… sự giảm dần của diện tích cây xanh trong môi trường sống. Tỉ lệ viêm xoang ở trẻ em lên tới 1,7% số bệnh nhân bị mắc bệnh tai mũi họng.
Tỉ lệ trẻ em trai mắc bệnh viêm mũi xoang tương đương với trẻ em gái (trai là 54%, gái 46%).
Chẩn đoán viêm xoang mũi như thế nào?
Khi có dấu hiệu bất thường về mũi như xuất tiết nhiều dịch, khe giữa đọng nhiều mủ vàng xanh…thì có thể bạn đã mắc viêm xoang mũi. Qua thăm khám thấy tình trạng niêm mạc mũi bị phù nề. Một số trường hợp viêm mũi xoang lâu ngày dẫn tới hình thành polip mũi. Tổ chức V.A ở trần vòm trong tình trạng quá phát và đọng mủ.
Quan sát họng miệng thấy mủ vàng xanh bám đầy thành sau họng xuống tận dưới hạ họng.
Màng tai thường dày đục và lõm, một số trẻ có hiện tượng ứ đọng dịch trong hòm tai-viêm tai giữa thanh dịch – do sự thông khí kém giữa tai và mũi họng.
Phòng bệnh viêm xoang mũi
Để phòng viêm xoang mũi cần áp dụng những biện pháp sau:
Luôn luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi khi trời lạnh.
Khi đi ra ngoài đường cần sử dụng khẩu trang không những giữ ấm được mũi mà còn hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn.
Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước nóng, tắm nhanh trong buồng kín gió, lau thân mình và đầu, mặt, cổ thật khô và mặc quần áo ngay.
Thường xuyên vệ sinh họng, răng miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau.
Nên đi khám khi có những nghi ngờ biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Tránh uống rượu, bia quá nhiều, vì nó làm cho niêm mạc mũi xoang phù nề do vậy rất dễ đưa đến viêm xoang.
Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh: Nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh sự ứ đọng bụi bẩn và vi khuẩn. Trái cây và rau xanh cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống ôxy hóa và vitamin, giúp hệ miễn dịch của cơ thể mạnh hơn trong phòng chống nhiễm trùng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh