Hẹp mạch vành: Khi nào dùng thuốc, khi nào đặt stent, khi nào phải mổ?

Hẹp mạch vành biểu hiện bằng những cơn đau thắt ngực, nguy cơ nhồi máu cơ tim nguy hiểm. Để điều trị hẹp mạch vành, tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc, đặt stent mạch vành hay mổ tim hở bằng thủ thuật bắc cầu động mạch chủ

 

1. Cơ chế gây bệnh hẹp mạch vành

Động mạch vành hay còn gọi là mạch vành tim là hệ thống các mạch máu nuôi dưỡng cơ tim. Ở bệnh nhân bị hẹp mạch vành, cholesterol trong máu lắng đọng lại trên thành mạch, dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch, hậu quả làm giảm lưu lượng máu tới nuôi các tế bào cơ tim và gây ra cơn đau thắt ngực. Hẹp mạch vành (hay suy vành, thiểu năng vành) làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp.

Triệu chứng hẹp mạch vành ở từng người bệnh có thể khác nhau nhưng điển hình nhất là những cơn đau thắt ngực. Theo đó, bệnh nhân có cảm giác như lồng ngực bị đè nén, bóp chặt, đôi khi cảm thấy vùng tim bị nhói buốt, bỏng rát khó chịu. Tình trạng đau ngực có thể lan ra đến cổ, hàm, vai và cánh tay.

Một số trường hợp bệnh nhân không xuất hiện biểu hiện đau ngực, thì được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác khác của bệnh hẹp mạch vành mà bạn có thể gặp phải bao gồm: khó thở, mệt mỏi, đầy bụng, ăn uống khó tiêu, buồn nôn...

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ phương pháp không dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm: giảm cân (nếu thừa cân), điều chỉnh lại chế độ ăn, thường xuyên vận động tập thể dục, kiểm soát căng thẳng. Điều này sẽ góp phần cải thiện đáng kể căn bệnh này.

Hiện nay, tiến bộ y học hiện đại đã cho phép bác sĩ lựa chọn nhiều phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm việc chữa trị hẹp mạch vành bằng thuốc, đặt stent mạch vành hay mổ tim hở bằng thủ thuật bắc cầu động mạch chủ.

 

2. Khi nào dùng thuốc chữa trị hẹp mạch vành?

Điều trị nội khoa bằng thuốc vẫn là lựa chọn đầu tiên đối với các trường hợp tắc hẹp mạch vành mạn tính.

Các nhóm thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc hạ mỡ máu: Giúp giảm cholesterol máu, hạn chế sự hình thành mảng xơ vữa.
  • Thuốc chống đông: Ngăn chặn hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ xảy ra nhồi máu cơ tim.
  • Thuốc hạ huyết áp: Giảm gánh nặng cho tim và làm ổn định nhịp tim.
  • Thuốc giãn mạch: Cải thiện tình trạng hẹp mạch vành, giảm nhanh triệu chứng đau thắt ngực.

 

3. Khi nào phải đặt stent mạch vành?

Đối với trường hợp mạch vành bị tắc hẹp trên 70% hoặc người bệnh xuất hiện cơn đau thắt ngực không ổn định, ngay cả trong lúc nghỉ ngơi, bác sĩ sẽ chỉ định nong và đặt stent mạch vành. Stent mạch vành đóng vai trò như là một giá đỡ giúp lòng mạch luôn được mở rộng và phục hồi quá trình lưu thông máu tới cơ tim.

Đặt stent mạch vành hiện nay là can thiệp tim mạch được thực hiện khá phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong việc tái tưới máu cho tim đối với mọi điều kiện hoạt động gắng sức của bệnh nhân. Quá trình thực hiện thủ thuật này thường được tiến hành trong vòng 1 giờ và hầu hết các bệnh nhân xuất viện chỉ sau 1 - 2 ngày, có thể trở lại nhịp sinh hoạt bình thường.

Một số bệnh nhân cho rằng đặt stent mạch vành xong là sẽ khỏi hẳn bệnh mạch vành hoặc nghĩ rằng đặt stent chỉ là một thủ thuật nhỏ nên chủ quan. Đây là nhầm lẫn tai hại vì thực tế can thiệp này chỉ giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành mà không thể điều trị bệnh nền tảng là xơ vữa động mạch đã có từ trước. Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn có thể sẽ tiếp tục xảy ra ở những vị trí khác trong hệ thống mạch vành. Đặc biệt là khi người bệnh không tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh có khả năng tái phát chỉ sau 1 đến 2 năm, thậm chí chỉ trong 6 tháng sau khi làm thủ thuật.

Cụ thể, sau khi đặt stent mạch vành, người bệnh hẹp mạch vành phải dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, kết hợp với các thuốc hạ huyết áp, hạ cholesterol máu, thuốc điều trị đái tháo đường nếu có... Bệnh nhân cần phải tuân thủ chỉ định, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ đối với các loại thuốc được kê ít nhất trong vòng 1 năm sau can thiệp. Ngoài ra, cần tái khám định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm sau khi đặt stent. Đến thời điểm 1 năm sau, cần làm nghiệm pháp gắng sức để kiểm tra khả năng tưới máu của cơ tim.

 

4. Khi nào cần mổ tim hở bằng thủ thuật bắc cầu động mạch chủ?

Bắc cầu động mạch chủ được thực hiện khi động mạch vành bị tắc hẹp một đoạn dài hoặc tình trạng bệnh xảy ra tại nhiều vị trí hay tắc nghẽn ở nơi khó đặt stent. Đây là phương pháp mổ tim hở, giải quyết khá triệt để tình trạng hẹp mạch vành, song lại ít được sử dụng do ẩn chứa nhiều rủi ro nguy hiểm.

Đặc biệt, thủ thuật bắc cầu động mạch chủ thường được chỉ định cho bệnh nhân bị tái phát sau khi đặt stent, hoặc tắc stent gây nhồi máu cơ tim, hoặc xảy ra hẹp ở những vị trí xung quanh, tổn thương các nhánh mạch máu khác. Nếu không chữa trị kịp thời bằng thủ thuật mổ tim hở, bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau 2 lần mổ như vậy, sức khỏe của người bệnh sẽ lâu phục hồi hơn, giảm sức bền đi nhiều hơn.

Trong quá trình thực hiện bắc cầu động mạch chủ, phẫu thuật viên sẽ sử dụng một đoạn mạch của bản thân người bệnh (có thể là một động mạch từ trong lồng ngực, động mạch ngực trong trái và phải, động mạch quay ở cẳng tay, tĩnh mạch ở vùng đùi và cẳng chân). Đoạn mạch này dùng làm mảnh ghép để thực hiện “bắc cầu”, miệng nối gần ghép vào động mạch chủ trong trường hợp mảnh ghép rời, từ đó cho phép máu lưu thông trở lại đến phần động mạch vành ở sau vị trí hẹp hoặc bị tắc nghẽn.

Nói cách khác, dòng máu nuôi tim sẽ di chuyển theo một con đường mới, lách qua đoạn hẹp mạch vành, giải quyết tình trạng thiếu máu cơ tim và khả năng hồi phục lại sức co bóp có thể gần như hoàn toàn nếu tại thời điểm làm phẫu thuật, tình trạng thiếu máu cơ tim còn khả năng hồi phục. Người bệnh hoàn toàn có thể hoạt động thể lực lại như trước kia, các triệu chứng của hẹp mạch vành sẽ nhanh chóng biến mất, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể.

return to top