✴️ Vì sao bị sỏi amidan gây hôi miệng?

Nội dung

Một trong những triệu chứng điển hình của sỏi amidan là gây hôi miệng. Vậy vì sao sỏi amidan gây hôi miệng? Tình trạng sỏi amidan là gì? Những thông tin cơ bản nhất về sỏi amidan sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.

 

1. Sỏi amidan là gì?

Hình ảnh mô tả sỏi amidan

Hình ảnh mô tả sỏi amidan

 

Amidan là một trong 4 tổ chức lympho nằm ở vùng hầu họng, chứa rất nhiều tế bào bạch hầu có tác dụng bắt giữ những vi khuẩn, nấm,… các tác nhân gây bệnh đi qua đường miệng.

Sỏi amidan còn được biết đến là những bã đậu amidan. Khái niệm sỏi amidan ít được biết đến, tuy nhiên có thể rất dễ quan sát nhờ trợ giúp của gương nhỏ nếu mắc phải. Thực chất sỏi amidan chính là những khối có màu trắng hoặc vàng xuất hiện trên amidan. Sỏi amidan gây hôi miệng và nhiều phiền toái trong quá trình ăn nuốt khi kích thước sỏi quá to.

 

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng sỏi amidan

Sỏi amidan hình thành do đâu? Sỏi amidan có được hình thành như sỏi thận? Đây là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn khi nghe tới tên gọi này.

Hãy bắt đầu từ amidan khẩu cái (amidan mà chúng ta có thể quan sát thấy khi há miệng soi gương). Cấu tạo amidan gồm rất nhiều hốc nhỏ và đặc biệt có những phần cấu trúc lồi lõm không đều nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để thức ăn có thể bị mắc lại. Các thức ăn này trong quá trình lắng đọng lại sẽ tạo thành hợp chất kết sỏi. Tùy vào thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng và tình trạng bệnh lý tai mũi họng nếu có của từng người mà sỏi sẽ hình thành với số lượng và kích thước to nhỏ cũng như tại các vị trí khác nhau của amidan.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất giúp cho quá trình hình thành sỏi amidan nêu trên diễn ra nhanh hơn:

2.1. Viêm xoang mũi mạn tính

Viêm xoang mạn tính khiến dịch viêm từ các xoang mũi có thể chảy xuống vùng họng. Các dịch mũi này chứa nhiều vi khuẩn khi chảy qua họng có thể mắc lại trong các hốc xoang góp phần hình thành sỏi amidan.

2.2. Viêm amidan mạn tính

Viêm amidan bị quá phát khiến amidan bị sưng to, gây cản trở việc nuốt thức ăn, đồng thời cũng khiến cho thức ăn bị mắc lại dễ dàng hơn. Kết hợp với các vi khuẩn có sẵn ở amidan bị viêm, các mảnh thức ăn được tích tụ lại và hình thành nên sỏi.

2.3. Chế độ ăn và chế độ vệ sinh răng miệng kém

Theo thống kê, những người có thói quen sử dụng sữa và các chế phẩm của sữa hay các thức ăn chứa nhiều canxi không vệ sinh răng miệng đúng cách có nguy cơ bị sỏi amidan cao hơn người bình thường. Điều này tương tự với những người có thói quen hút thuốc và uống rượu bia. Thói quen này không chỉ gây tạo mảng bám gây bệnh về răng, bệnh hô hấp,.. mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây nên sỏi amidan và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.

2.4. Cơ địa dị ứng

Người có cơ địa dị ứng thường bị kích thích khi gặp các dị nguyên khiến vùng hầu họng phản ứng lại, tăng tiết dịch ứ đọng tại amidan gây nên tình trạng tạo sỏi.

 

3. Những dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị sỏi amidan

Sỏi amidan gây hôi miệng

Sỏi amidan gây hôi miệng

 

Sỏi amidan có những dấu hiệu dễ nhầm với bệnh lý tai mũi họng hay răng miệng thông thường. Tuy nhiên có thể nghi ngờ sỏi amidan qua tổng hợp các triệu chứng dưới đây:

3.1. Sỏi amidan gây hôi miệng

Đây là dấu hiệu chắc chắn có khi bị sỏi amidan. Vi khuẩn xâm nhập và “làm tổ” ở amidan, các sỏi này chính là “thức ăn” của chúng. Quá trình sinh sôi và phát triển của các loại vi khuẩn gây ra các hợp chất lưu huỳnh, đặc biệt là khí sulfur là nguyên nhân gây mùi hôi thối đặc trưng.

3.2. Sỏi amidan gây đau họng

Tại các vị trí có sỏi sẽ gây ra cảm giác vướng và khó chịu, thậm chí gây đau họng khi nuốt hoặc nhai thức ăn.

3.3. Bề mặt amidan xuất hiện đốm vàng

Không ít trường hợp có thể quan sát thấy sỏi amidan khi soi gương. Các đốm vàng  hay đốm trắng quan sát thấy trên bề mặt amidan có thể là sỏi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sỏi amidan không thể quan sát do xuất hiện ở vị trí khuất và thường chỉ được phát hiện thông qua hình ảnh xét nghiệm.

3.4. Tình trạng đau tai, ù tai

Amidan và tai tưởng chừng không liên kết với nhau nhưng trên thực tế chúng lại có liên kết về mặt thần kinh. Khi amidan bị sỏi, viêm, sưng và bị đau do sỏi thì tai cũng sẽ gặp phải tình trạng đau và ù, nhất là khi sỏi amidan đã có kích thước lớn từ vài mm.

 

4. Điều trị sỏi amidan

Sỏi amidan phần lớn là lành tính. Tuy nhiên sỏi amidan gây hôi miệng và hàng loạt những hiện tượng gây phiền phức tới cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.  Một số hiếm trường hợp mắc sỏi amidan gặp phải biến chứng nhiễm trùng amidan và tình trạng amidan bị áp xe. Ngoài ra, sỏi amidan khi phát triển kích thước lớn sẽ làm phá hủy các mô amidan lành. Chính bởi vậy nên việc điều trị và loại bỏ sỏi amidan rất quan trọng.

Ngoài việc quan sát thấy sỏi amidan, các trường hợp còn lại để xác định vị trí những sỏi ẩn hay kích thước sỏi amidan cần thực hiện chụp CT hoặc MRI vùng hầu họng để phát hiện sỏi và có hướng điều trị phù hợp.

Súc miệng nước muối là các giúp loại bỏ sỏi amidan

Súc miệng nước muối là các giúp loại bỏ sỏi amidan

 

4.1. Với các sỏi amidan có kích thước nhỏ:

Các loại sỏi amidan có kích thước nhỏ, một số phương pháp được cho là có thể giúp hỗ trợ loại bỏ ra ngoài, bạn có thể tham khảo như:

– Súc miệng và súc họng bằng nước muối sinh lý

– Biện pháp này giúp loại bỏ thành phần gây lắng cặn tạo sỏi amidan. Đồng thời giúp giảm triệu chứng nhiễm khuẩn như đau họng, đờm, rát cổ.

– Uống nhiều nước mỗi ngày

– Uống nước là một trong những cách giúp sỏi được tán nhỏ một cách tự nhiên và tránh tích tụ hình thành sỏi.

– Bổ sung vitamin C trong thực đơn hàng ngày

– Vitamin C có tính axit, là một trong những chất tác dụng với canxi – thành phần cấu tạo của các sỏi amidan giúp sỏi bị bào mòn.

Các phương pháp trên chỉ có tính chất tham khảo, tốt nhất người bệnh nên đi thăm khám để nhận được sư tư vấn điều trị hiệu quả từ bác sĩ chuyên khoa.

4.2. Với sỏi amidan có kích thước lớn

Với các sỏi amidan có kích thước lớn, cần tới các chuyên khoa Tai mũi họng để điều trị. Tùy mức độ sỏi, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp

– Sử dụng thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của các loại vi khuẩn liên quan tới việc gia tăng kích thước của sỏi, chống viêm amidan. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh thường gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và không khuyến khích sử dụng kéo dài.

– Can thiệp để gắp sỏi: Sử dụng các dụng cụ gắp sỏi hoặc các thủ thuật để gắp sỏi là một trong những phương pháp được sử dụng,.. Phương pháp này giúp loại bỏ sỏi nhanh, tuy nhiên có thể gây chảy máu và cần sử dụng thuốc kháng viêm và cần thời gian để amidan phục hồi

– Cắt amidan: Cắt amidan chỉ được áp dụng khi sỏi amidan quá nhiều, quá lớn và gây nên tình trạng viêm, sưng tấy khiến amidan bị mất chức năng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Khi nghi ngờ sỏi amidan bạn nên tới thăm khám trực tiếp để điều trị sớm và mang lại kết quả tốt nhất.

 

5. Phòng tránh sỏi amidan

Luôn giữ gìn vệ sinh răng miệng và súc miệng nước muối sinh lý hằng ngày là một trong những cách giúp phòng ngừa sỏi amidan

Luôn giữ gìn vệ sinh răng miệng và súc miệng nước muối sinh lý hằng ngày là một trong những cách giúp phòng ngừa sỏi amidan

 

Sỏi amidan gây hôi miệng và gây nên các phiền toái trong sinh hoạt, đặc biệt trong giao tiếp và ăn uống. Để tránh bị kết sỏi amidan thì việc thực hiện những lưu ý sau đây để phòng tránh là điều hết sức quan trọng:

– Luôn giữ cơ thể khỏe mạnh, tránh để mắc các bệnh về đường hô hấp hay tai mũi họng.

– Tạo thói quen vệ sinh răng miệng sau ăn và súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày.

– Duy trì thói quen thể dục hàng ngày và ăn uống khoa học để hạn chế các nguy cơ mắc bện.

– Thăm khám và điều trị sớm nếu mắc sỏi amidan.

Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn giải đáp thắc mắc về hiện tượng sỏi amidan gây hôi miệng. Sỏi amidan không đe dọa tính mạng nhưng cần điều trị sớm và tránh những biến chứng cũng như tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt và giao tiếp thường ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top