Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm đa xoang, trong đó phổ biến là do vi rút, vi khuẩn và nấm xoang, thường gặp ở những bệnh nhân bị cảm cúm, viêm amidan hoặc nhiễm trùng ở cuống răng nhưng không biết.
Nhiều người bệnh có cơ địa dị ứng mũi xoang làm niêm mạc xoang bị thoái hóa dẫn đến viêm đa xoang.
Người đang bị các bệnh mạn tính, rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch hay hội chứng trào ngược dạ dày cũng rất dễ mắc.
Ngoài ra còn do sự thay đổi thời tiết, môi trường ô nhiễm, dị ứng sức đề kháng cơ thể kém cũng dẫn tới hiện tượng niêm mạc phù nề, gây bít tắc các xoang dẫn làm nhiễm trùng.
Bệnh nhân viêm đa xoang thường có một số triệu chứng điển hình như khó chịu vùng họng, vướng họng, ho, khịt khạc do dịch mủ chảy xuống họng, ngạt mũi kèm theo chảy nước mũi kéo dài, nước mũi có màu vàng hoặc xanh.
Người bệnh có thể bị sốt nhẹ, đau ở nhiều vị trí như đau trán, vùng thái dương, đau quanh mũi, hốc mắt và đỉnh đầu. Ho dài ngày do viêm họng hay viêm phế quản. Hơi thở bệnh nhân có mùi hôi khó chịu.
Khi bị viêm đa xoang người bệnh sẽ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi kéo dài, nước mũi có màu vàng hoặc xanh, đôi khi có lẫn cả máu
Đó là những biểu hiện lâm sàng có thể nhận biết bệnh viêm đa xoang, nhưng để biết chính xác mình có bị viêm đa xoang khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên bệnh nhân cần đến với các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh.
Bệnh viêm đa xoang khi nặng có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng tới mắt như hốc mắt sưng một bên mắt, áp xe mi mắt hoặc viêm tấy ổ mắt.
Biến chứng ở não như viêm màng não do xoang hay áp xe não ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bệnh và có thể gây tử vong.
Viêm đa xoang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương như: áp xe não, gây viêm xương – tủy xương sọ hoặc dẫn đến viêm màng não do xoang.
Việc điều trị viêm đa xoang không đơn giản và cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh, vị trí xoang bị viêm cũng như tình hình của bệnh là cấp tính hay mạn tính để có hướng chữa trị phù hợp.
– Với viêm đa xoang cấp tính: người bệnh được chỉ định điều trị nội khoa là chủ yếu như dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, chọc xoang khi nhiễm khuẩn đã giảm…
– Với viêm xoang mạn tính: với bệnh nhân bị viêm xoang mạn tính do tính chất bệnh diễn biến và điều trị khó khăn hơn, kết quả điều trị còn tùy thuộc vào niêm mạc bị tổn thương có khả năng phục hồi hay không. Việc điều trị viêm xoang mãn bao gồm nhiều biện pháp cùng phối hợp như nội khoa – ngoại khoa – vi phẫu…
– Cần tránh và hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất độc hại
– Tránh ăn hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
– Nên chủ động giữ ấm cơ thể khi thay đổi thời tiết lạnh đột ngột
– Phát hiện kịp thời và chữa trị dứt điểm các bệnh lý về tai – mũi – họng
– Thường xuyên rèn luyện thân thể để nâng cao sức khỏe, cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh