Tại sao tai chảy mủ?
Một trong những triệu chứng chủ yếu của bệnh viêm tai giữa (VTG) là chảy mủ tai. Thường là VTG xảy ra sau khi bạn bị cảm hoặc do từ viêm xoang, viêm amiđan, viêm hạnh nhân hầu. Tai bạn sẽ chảy mủ hoài nếu các nguyên nhân này không được trị dứt.
VTG lâu ngày có thể bệnh sẽ thành viêm tai xương chũm mạn tính (xương chũm là xương nằm sau tai), có thể hình thành cholesteatoma.
Từ đó có nguy cơ xảy ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: áp-xe não, viêm màng não, viêm não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên…
Khi nào cần phải phẫu thuật viêm tai giữa?
VTG thủng nhĩ cấp có thể tự lành. VTG chỉ trở thành mạn tính khi có những yếu tố thuận lợi như: viêm nhiễm ở mũi xoang họng. Như vậy, muốn chữa lành tai trước hết phải chữa lành mũi xoang, họng.
VTG màng nhĩ thủng mạn tính có thể chữa bằng phẫu thuật vá nhĩ, với điều kiện là các vùng mũi xoang họng không còn bệnh lý và tai được điều trị nội khoa khô hết mủ 4 tuần.
Bắt buộc phải phẫu thuật viêm tai giữa trong những trường hợp VTG có cholesteatoma để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Sức nghe có tăng lên không sau phẫu thuật viêm tai giữa?
Nếu tai trong còn tốt thì một phẫu thuật vá màng nhĩ có hoặc không kèm chỉnh hình chuỗi xương con sẽ làm tăng thính lực một cách đáng kể.
Việc vá màng nhĩ được hay không còn tùy thuộc vào bệnh tích của xương chũm hay sự hiện diện của cholesteatoma hoặc tình trạng không thuận của vòi nhĩ.
Nếu bệnh tích của xương chũm lan rộng hoặc cholesteatoma làm không thể vá nhĩ được thì mục đích của cuộc mổ chỉ là chữa lành nhiễm trùng tai và lấy sạch cholesteatoma để ngăn chặn các biến chứng.
Chỉ định phẫu thuật viêm tai giữa
Tai chảy mủ thối hoặc không, lâu ngày điều trị nội khoa không khỏi.
Tai có cholesteatoma.
Thủng màng nhĩ cần đóng kín màng nhĩ để tránh viêm tai tái phát.
Làm tăng sức nghe nếu có thể.
Vá nhĩ có thể thực hiện ở trẻ em nếu tình trạng mũi xoang ổn định, mũi thông thoáng, vòi nhĩ thông.
Cần phải làm gì trước phẫu thuật?
Làm các xét nghiệm cần thiết (xét nghiệm tiền phẫu).
Trị liệu nội khoa cho tai khô trước mổ.
Đo thính lực để đánh giá sức nghe trước mổ.
Gội đầu sạch sẽ trước mổ một ngày.
Vài điều cần biết sau khi mổ tai
Nhức đầu, nhức tai nhẹ sẽ giảm với thuốc chống đau. Nếu nhức đầu nhiều, phải báo ngay với bác sĩ.
Chóng mặt, nôn ói có thể xảy ra trong những ngày đầu, điều trị nội khoa.
Thay băng mỗi ngày.
Cắt chỉ sau tai vào ngày thứ 7.
Băng tai chỉ được bác sĩ tháo toàn bộ sau phẫu thuật vá nhĩ vào ngày thứ 15.
Bạn phải làm gì sau khi xuất viện?
Nên làm:
– Giữ tai luôn sạch, khô.
– Nghỉ ngơi, dùng thuốc theo toa.
– Tái khám đúng kỳ hẹn với bác sĩ của bạn.
Không nên làm:
– Không tự ý tháo băng tai, rút bấc gạc ở tai, ngoáy tai.
– Không để nước lọt vô tai khi gội đầu hoặc tắm, không đi bơi vì rất dễ bị viêm tai tái phát do nhiễm nước dơ.
– Không nên che mũi hoặc miệng khi bạn hắt hơi hoặc ho, vì làm vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tai của bạn vừa phẫu thuật xong, nhất là trong trường hợp vá nhĩ.
– Cần tránh những tình huống thay đổi áp suất không khí như: đi máy bay, lên hoặc xuống đồi…
– Tránh đi lại nhiều hay lái xe gắn máy, vì bạn có thể bị mất thăng bằng tạm thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh