✴️ Viêm thanh quản là gì?

1. Viêm thanh quản là gì?

Viêm thanh quản là tình trạng viêm nhiễm ở thanh quản, thường xảy ra khi có sự thay đổi thời tiết, hay gặp trong mùa lạnh, trong và sau các đợt cảm cúm và viêm mũi họng cấp. Bệnh có thể do nhiều loại vi sinh vật gây ra như virus, vi khuẩn và ký sinh trùng.

Có 2 loại viêm thanh quản, bao gồm viêm thanh quản mạn (diễn biến kéo dài trên 3 tuần) và viêm thanh quản cấp (tiến triển trong thời gian ngắn dưới 3 tuần). Viêm thanh quản cấp thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 6 tuổi; trong khi đó, viêm thanh quản mạn xuất hiện  ở người lớn nhiều hơn

2. Những triệu chứng của viêm thanh quản

Đa số bệnh nhân bị viêm thanh quản đều có triệu chứng đau họng, khàn giọng và thỉnh thoảng mất tiếng, có thể kèm theo cảm giác vướng víu, khó chịu trong  họng. Bệnh cấp tính thường diễn ra kèm các triệu chứng toàn thân như sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi,… và có thể tự  khỏi sau một thời gian điều trị hoặc không.

Còn trường hợp bị viêm thanh quản mạn tính, làm công việc thường xuyên phải nói nhiều, nói to trong thời gian dài dễ dẫn tới biến chứng hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh hoặc u nang dây thanh,.. gọi chung là các bệnh u lành tính của dây thanh. Hầu hết người bị  viêm thanh quản mạn tính rất khó điều trị dứt điểm, do tính chất công việc và có nguy cơ biến chứng thành ung thư thanh quản, vì vậy bệnh nhân cần đến bệnh viện khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị.

Bệnh viêm thanh quản có gây nguy hiểm không?

Thanh quản là nơi hẹp nhất của đường thở. Trong bệnh viêm thanh quản cấp, đặc biệt là trẻ em, đường kính của thanh quản chỉ bằng 1/3 người lớn. Khi viêm thanh quản cấp xảy ra, các tổ chức lỏng lẻo xung quanh thanh quản dễ bị kích ứng, phù nề và bít một phần thanh quản, gây ra tình trạng khó thở. Một số trường hợp  trẻ đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, cần xử trí cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, viêm thanh quản cấp ở trẻ em dễ lan xuống phía dưới gây ra các bệnh viêm khí – phế quản, và không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm thanh quản mạn.

Ở những bệnh nhân viêm thanh quản mạn tính lâu dài không được điều trị có nguy cơ biến chứng bệnh ung thư thanh quản, có khả năng tạo thành các khối choán chỗ to, gây khó thở.

3. Nguyên nhân gây ra viêm thanh quản là gì?

3.1 Viêm thanh quản cấp tính

Đa số bệnh nhân bị viêm thanh quản cấp tính là do mắc các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, sởi, quai bị,… do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm.

3.2 Viêm thanh quản mạn tính

– Sử dụng giọng nói kéo dài: Thanh quản bao gồm các sụn, cơ và dây chằng, bên trong thanh quản là các dây thanh, khi nói hoặc hát thì dây thanh rung lên, những người thường xuyên sử dụng giọng nói dễ dẫn đến tình trạng kích ứng dây thanh.

– Do mắc bệnh viêm mũi xoang mạn tính

Ngoài ra, những người làm việc thường xuyên trong môi trường độc hại, bụi bẩn, môi trường tiếng ồn kéo dài; những người hút thuốc uống rượu, hoặc mắc các bệnh viêm dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản cũng dễ bị viêm thanh quản kèm theo. 

 

4. Làm thế nào để chẩn đoán viêm thanh quản?

Khản tiếng là triệu chứng phổ biến ở hầu hết bệnh nhân viêm thanh quản. Dấu hiệu này có thể xuất hiện với các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng, thậm chí có người bị mất tiếng hoàn toàn; điều này phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm và phù nề của thanh quản. Khản tiếng hay đi kèm các triệu chứng của cúm như: Ho, sổ mũi, hắt hơi, đau họng thường gặp trong viêm thanh quản cấp tính.

Một số trường hợp, thanh quản bị phù nề nặng dẫn tới tình trạng khó thở, thường gặp ở trẻ nhỏ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

Soi thanh quản để xác định bệnh và mức độ của bệnh.

 

5. Cách điều trị viêm thanh quản hiệu quả

Thuốc điều trị viêm thanh quản bao gồm các thuốc điều trị triệu chứng như: Thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh,…

Đa số các trường hợp bị viêm thanh quản có nguyên nhân là do virus gây ra, vậy nên điều trị kháng sinh trong các trường hợp này không có tác dụng. Kháng sinh chỉ có tác dụng nếu bị nhiễm khuẩn do bội nhiễm, hoặc viêm thanh quản do nguyên nhân vi khuẩn.

Thuốc chống viêm corticosteroid có tác dụng chống viêm nhanh chóng, tuy nhiên, chỉ nên sử dụng trong các trường hợp thật sự cần thiết vì thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn.

 

6. Làm gì để phòng tránh viêm thanh quản tái phát?

Viêm thanh quản là bệnh dễ gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, việc phòng bệnh không phải là quá khó khăn. Để phòng bệnh viêm thanh quản, chúng ta cần:

  • Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt vào mùa lạnh.
  • Không hút thuốc.
  • Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, nên uống nước ấm.
  • Tránh các loại thức ăn cay nóng, chất cồn, cafein, chất kích thích.
  • Tăng cường các thức ăn chứa nhiều chất xơ và vitamin.
  • Súc họng bằng nước muối thường xuyên.
  • Với những người phải sử dụng giọng nói nhiều, nên nói đều, giảm âm lượng, và dùng thêm các thiết bị hỗ trợ để không phải gắng sức hay nói lớn.
  • Những người làm trong môi trường độc hại nên đeo khẩu trang phòng bệnh.
  • Tìm hiểu các nguyên nhân có thể dẫn tới viêm thanh quản  như: Viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, trào ngược dạ dày- thực quản.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top