Hướng dẫn sử dụng thuốc chống trầm cảm

Nội dung

Trong cuộc đời mỗi con người, có những lúc chúng ta thấy buồn rầu hay u ám, điều này là hoàn toàn bình thường khi đứng trước một tình huống buồn bực hay đau khổ nào đó như mất mát người thân, mất việc, hay li dị… Với hầu hết mọi người, cảm giác buồn bã và chán nản giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu những cảm giác trên kéo dài và trở nên trầm trọng hơn có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Người trầm cảm có thể thấy tuyệt vọng, suy sụp tinh thần, thậm chí có người còn nghĩ đến cái chết hay tự sát cần phải được đi khám để được tư vấn và dùng thuốc hợp lý. Một trong những thuốc hay được dùng điều trị trầm cảm là fluoxetin.

Thuốc chống trầm cảm có thể gây buồn ngủ, giảm khả năng suy xét...

Tuy nhiên khi dùng thuốc này người bệnh cần lưu ý, khi bắt đầu điều trị, tình trạng bồn chồn, lo lắng hoặc khó ngủ có thể bị tăng lên (10 - 20% số ca điều trị). Phản ứng buồn nôn lúc đầu và phụ thuộc vào liều cũng có thể xảy ra tới 10% các trường hợp dùng thuốc. Người bệnh thường thấy mệt mỏi, chóng mặt, ra mồ hôi; buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn; phát ban da, ngứa. Đối với nam thuốc có thể gây liệt dương, không có khả năng xuất tinh hoặc giảm tình dục. Ở một số người còn thấy tình trạng bồn chồn, mất ngủ, lo sợ... Nói chung các tác dụng phụ thường giảm dần sau vài tuần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết về các tác dụng phụ này khi mình gặp phải để được xử lý thích hợp. Người bệnh không được tự ý ngừng thuốc đột ngột.

Ngoài ra, tình trạng cơn hưng cảm và hưng cảm nhẹ đã xảy ra ở một số ít người bệnh điều trị bằng fluoxetin. Phản ứng toàn thân, đôi khi liên quan tới viêm mạch ở người bị nổi ban da do thuốc này. Những triệu chứng này có thể là thông báo nghiêm trọng về các phản ứng phụ toàn thân có thể xảy ra ở cả các cơ quan như gan, thận và phổi.

Thuốc có thể gây buồn ngủ, giảm khả năng suy xét, phán đoán, suy nghĩ hoặc khả năng vận động nên phải thận trọng khi lái xe, vận hành máy  hoặc những công việc cần tỉnh táo. Để khắc phục hiện tượng khô miệng khi dùng thuốc có thể nhai kẹo cao su hoặc kẹo không đường hoặc chất thay thế nước bọt để giảm khô miệng. Trường hợp khô miệng kéo dài trên hai tuần cần đến bác sĩ để khám.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top